Lịch sử nhân loại hiếm thấy một đất nước, dân tộc nào mà người lính được toàn dân tin yêu, mến phục- biểu tượng của nhân cách cao đẹp như “Bộ đội Cụ Hồ” ở Việt Nam!
Cách đây gần bảy mươi năm, ngày 22-12-1944, trước yêu cầu của cách mạng Việt Nam, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Ra đời và lớn lên trong phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng và Bác Hồ, sự đùm bọc nuôi dưỡng của nhân dân, quân đội ta không ngừng phát triển lớn mạnh, cùng dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những mốc son chói lọi ở thế kỷ XX. Lật lại những trang sử oanh liệt và hào hùng của dân tộc, hình tượng người lính với nhiều tên gọi khác nhau: anh vệ quốc quân, anh bộ đội, anh giải phóng quân… nhưng tựu trung đều là người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân sẵn sàng hy sinh… Tất cả hội tụ, kết tinh thành danh hiệu cao quý “Bộ đội cụ Hồ”. Danh hiệu ấy vừa hết sức giản dị, vừa gần gũi thân thương, trở thành biểu tượng cao đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam về một mẫu người, một nhân cách văn hóa Việt Nam.
Ra đời chưa được bao lâu, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã cùng dân tộc Việt Nam làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Chính quyền về tay nhân dân. Nhân dân Việt Nam làm chủ vận mệnh dân tộc mình chưa được bao lâu, được sự hà hơi tiếp sức của quân Anh, thực dân Pháp nhanh chóng quay lại xâm lược nước ta lần 2 vào ngày 23-9-1945. Trước vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - mệnh lệnh của non sông đất nước, lớp lớp thanh niên Việt Nam nối tiếp ra trận với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hình ảnh ấy hiện lên thật đẹp, thật hào hùng hiên ngang bất khuất - trở thành hình mẫu cùng cả dân tộc hành quân ra mặt trận!
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lớp lớp thanh niên ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Cuộc đời người lính được người lính - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương khẳng định “chỉ đẹp trên trận tuyến đánh quân thù”. Trên mặt trận chiến đấu gian khổ, hy sinh giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, trong sâu thẳm tâm hồn người lính vẫn tràn đầy vẻ lãng mạn và hào hoa, vẫn ngời sáng tinh thần lạc quan, vẫn cháy bỏng khát vọng hạnh phúc và những giấc mơ đẹp. Hình ảnh ấy hiện lên đậm nét về “cái chí, cái tình” trong khói lửa chiến tranh. Cái chí trong ánh mắt người quyết tử “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”, cái tình bâng khuâng trong giấc mơ lãng mạn: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Hình ảnh Hà Nội và “dáng kiều thơm” là hình ảnh đẹp về người yêu và quê hương xứ sở đã trở thành nguồn động viên, sức mạnh cỗ vũ lớn đối với các chiến sĩ trên trận tuyến đánh quân thù, giúp người lính vượt lên hoàn cảnh để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Cuộc sống của người lính trên chiến trường đâu phải chỉ toàn là khói bom và thuốc súng mà còn có những phút giây, những kỷ niệm thật êm đềm, thơ mộng “Những đêm dài hành quân nung nấu. Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”. Đó chính là chất keo gắn kết giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu Tổ quốc, hòa quyện tạo thành sức mạnh, giúp cảm tử quân Ngô Mây chấp nhận hi sinh thân mình ôm quả bom tiêu diệt bọn địch. Trong Chiến dịch Biên giới Thu Đông đầy ác liệt, anh hùng La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt cánh tay để tiếp tục chiến đấu. Đặc biệt, trên chiến trường Điện Biên Phủ, làm sao quên được hình ảnh anh Bế Văn Đàn chôn thân làm giá súng để đồng đội tiến lên tiêu diệt quân thù. Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo... Những bàn chân xẻ núi, lăn bom với một tinh thần và niềm tin nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện. Hình ảnh các anh đã đi vào lịch sử, đi vào thơ ca, đi vào những trang sử của dân tộc với tư thế của những người anh hùng tuyệt đẹp và trở thành những tượng đài nghệ thuật kì vĩ về người lính cầm súng giữ nước. Máu xương của các anh đã cùng dân tộc trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng, chí không mòn đã làm nên chiến thắng: “Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Một Điện Biên “Lừng lẫy năm Châu chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Hiệp định Giơ-ne-vơ ký chưa ráo mực, đế quốc Mỹ trắng trợn nhảy vào miền Nam Việt Nam dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Dân tộc ta một lần nữa phải đương đầu với tên đế quốc Mỹ to lớn nhất, hùng mạnh nhất thời đại. Vì sự tồn vong của dân tộc, tiếp tục nhiệm vụ của người lính chống Pháp năm xưa, anh Giải phóng quân trong thời đại chống Mỹ, cứu nước gửi lại quê hương, miền Bắc xã hội chủ nghĩa những gì tốt đẹp nhất, lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Họ lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tiếng gọi của Bác Hồ kính yêu: “Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Từ những tháng năm khói lửa của cuộc chiến tranh, hình ảnh người lính anh dũng đứng đầu trận tuyến đánh quân thù - hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ viết tiếp thiên hùng cả bất tử của đất nước thời “Hoa - Lửa” chống Mỹ, cứu nước. Họ chiến đấu hy sinh không chỉ vì nhiệm vụ thiêng liêng cao cả hàng đầu của dân tộc - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn vì tinh thần quốc tế vô sản cao cả.
Những năm tháng ác liệt ấy, niềm lạc quan chiến thắng của người cầm súng trên chiến trường một lần nữa được tỏa sáng và cùng cả dân tộc làm nên những kỳ tích lớn lao của dân tộc ta ở thế kỷ XX. Trước sự sống và cái chết, niềm lạc quan yêu đời đã giúp người lính sống thanh thản, tự tin và ấm áp tình người trên những chặng đường hành quân gian khổ, trong những điểm chốt nóng bỏng và ở những trận chiến quyết liệt, người lính vẫn nói về quê hương, tình yêu và tương lai xán lạn của đất nước. Họ ngắm một đoá hoa ngàn, chiêm ngưỡng một ánh trăng huyền ảo giữa đại ngàn Trường Sơn, họ suy nghĩ về một ngọn lửa đã thắp lên từ bao giờ đang soi sáng đường chúng ta đi. Những mối tình được khởi sắc từ giữa hai đầu chiến dịch, hoà quyện với tiếng sáo, tiếng hát, tạo nên chất men say, lạc quan và niềm tin tất thắng của dân tộc ở tương lai. Tinh thần lạc quan là một trong những hành trang qúy giá để người lính đủ sức vượt qua những khó khăn, quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hình ảnh các anh trên các chiến trường, trong hầm sâu địa đạo,“tiếng hát át tiếng bom” là niềm lạc quan và ý chí chiến đấu, trong tư thế hiên ngang, bất khuất. Các anh được sinh ra và lớn lên từ vành nôi của Cách mạng Tháng Tám, được nuôi lớn và tiếp sức ngọn lửa anh hùng của cha anh trong kháng chiến chống Pháp chín năm, được lớn lên trong thời đại “Ra ngõ gặp anh hùng”, là lớp người được ví như chàng “Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” - quyết tâm đem tất cả bầu nhiệt huyết của lòng yêu nước và chí căm thù trút lên đầu súng, quyết tâm làm cho kẻ thù và cả thế giới thấy được sức mạnh "rũ bùn đứng dậy sáng loà" của một dân tộc anh hùng thời đại Hồ Chí Minh.
Thật đẹp biết bao khi người lính được khắc họa: “Rất đẹp hình anh dưới bóng chiều/ Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo/ Núi không đè nổi vai vươn tới/ Lá ngụy trang reo với gió đèo”. Hình ảnh anh giải phóng quân ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất, đứng lên và hy sinh trong tư thế đứng bắn giữa mùa xuân Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 - Lê Anh Xuân đã dựng lên được một tượng đài bất tử về người lính mang tầm vóc thời đại: Sống anh hùng mà chết cũng vinh quang. Sức mạnh của nghìn năm lịch sử đã dồn lại trong anh và mãi mãi để lại một “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ”. Sự hy sinh của các anh đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cùng sự trân trọng, yêu thương, ngưỡng mộ của đồng đội, của nhân dân, của Tổ quốc và cả những con người yêu chuộng hòa bình trên thế giới về hình ảnh cao đẹp của anh Giải phóng quân Việt Nam anh hùng. Ý chí, lòng dũng cảm, sức mạnh quật cường của các anh đã cùng cả dân tộc Việt Nam chung sức đồng lòng, ra quân trong mùa xuân lịch sử với khí thế đi nhanh đến đánh nhanh thắng “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo tạo hơn nữa, xốc tới Sài Gòn, giải phóng miền Nam”, thống nhất đất nước. Ngày 30-4-1975, với sự kiên cường dũng cảm, những người lính trên chiếc xe tăng mang số hiệu 309 húc tung cánh cổng Dinh Độc lập và hình ảnh anh Giải phóng quân với lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên nóc Dinh Độc lập là hồi còi báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ thực dân kiểu mới mà đế quốc Mỹ đã dày công thiết lập ở miền Nam Việt Nam. Non sông từ đây thu về một mối, Nam Bắc sum họp một nhà, cả nước đi lên xây dựng CNXH.
Giờ đây, nhìn lại một thời “Máu và Hoa” của dân tộc, chúng ta có thể tự hào về sự đóng góp lớn lao của anh bộ đội Cụ Hồ “Lớp cha trước, lớp con sau. Đã thành đồng chí chung câu quân hành” - hình ảnh, nhân vật trung tâm của một thời khói lửa và công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các anh đã cùng dân tộc Việt Nam đi qua những năm gian khổ, đã vượt qua một chặng đường đầy mưa bom, bão đạn, sống những ngày thiêng liêng nhất của dân tộc và dáng hình anh mãi mãi trường tồn cùng đất nước, hiện hữu trong mỗi trái tim người Việt Nam và thế giới. Anh là hôm nay, Anh là mãi mãi. Anh là chân lý, là con người Việt Nam nhuần nhị, ngọt ngào; sức mạnh của anh đã làm cho đất nước Việt Nam “nở hoa độc lập, kết quả tự do” đem lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phục cho thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau.
Tổ quốc Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất và đi lên xây dựng CNXH trong điều kiện mới, người lính hôm nay vẫn tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ở mỗi cương vị, trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, người lính nói riêng và cả dân tộc ta nói chung luôn nêu cao cảnh giác, “không một phút lơi lỏng” nhận dạng bản chất hành động tinh vi, xảo trá của các thế lực thù địch âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta với luận điệu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, dùng chiêu bài phi chính trị trong quân đội, dùng những viên kẹo “bọc đường” để đầu độc thanh niên nói chung và thanh niên quân đội nói riêng, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội và dân tộc Việt Nam. Trước tình đó, Đảng ta luôn cảnh giác, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó xác định quân đội và công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế và hội nhập sâu vào thế giới. Trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” là niềm tự hào của dân tộc, là hình tượng cao đẹp, là nguồn cội sức mạnh Việt Nam - mẫu hình để giáo dục truyền thống yêu nước, giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết cộng đồng dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” sẽ trường tồn cùng với sự phát triển đi lên của dân tộc Việt Nam.
Phạm Thị Nhung
Trường Sỹ quan lục quân II