Chúng ta đang sống trong thời khắc mà cách đây tròn 40 năm, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã giành được chiến thắng vang dội, đập tan cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 - 12-2012), buộc đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, ký Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút quân về nước, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã tạo một bước chuyển căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Mùa đông năm 1972, trên bàn đàm phán tại Pa-ri, sau một thời gian đấu trí, đấu lực, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam do đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đưa ra cơ bản đã được đại diện Chính phủ Mỹ chấp nhận. Hai bên dự kiến sẽ ký kết vào ngày 22-10-1972. Nhưng với bản chất lật lọng, hiếu chiến và tham vọng, phía Mỹ đưa ra nhiều lý do để trì hoãn việc ký kết và yêu cầu ta thay đổi một số điều khoản theo hướng có lợi cho Mỹ. Bản chất của vấn đề là Tổng thống Mỹ, Ních-xơn vừa muốn tránh dư luận của các lực lượng tiến bộ Mỹ phản đối kéo dài chiến tranh trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ (tháng 11-1972) vừa chuẩn bị cho bước phiêu lưu quân sự mới, buộc ta phải ký vào Hiệp định do chúng soạn thảo.
Ngày 14-12-1972, Tổng thống Ních-xơn phê chuẩn kế hoạch tập kích bằng không quân chiến lược quy mô lớn, chủ yếu bằng “siêu pháo đài bay B.52” vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận với mưu đồ thâm độc, đánh đòn quyết định vào trung tâm đầu não - cơ quan lãnh đạo cao nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, huỷ diệt Thủ đô Hà Nội, làm nao núng tinh thần của quân và dân ta, từ đó ép ta nhân nhượng trên bàn đàm phán theo những điều khoản có lợi cho Mỹ. Trong canh bạc cuối cùng “được ăn cả, ngã về không” này, Nhà Trắng huy động 193 máy bay B.52 (với 663 lượt chiếc) và 999 máy bay chiến thuật (với 3.920 lượt chiếc)[1] - sức tàn phá của nó tương đương với 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Tin vào sức mạnh của tiềm lực kinh tế - quân sự, sức mạnh của bom đạn, vũ khí công nghệ cao và chiến thuật tổng quát đánh nhanh, đánh mạnh, liên tục, quyết liệt, huỷ diệt, đế quốc Mỹ hy vọng cơ quan đầu não của Việt Nam sẽ bị tê liệt ngay từ trận không kích đầu tiên và chỉ sau vài ba ngày, Hà Nội sẽ “không còn một viên gạch lành”, “Hà Nội sẽ là một khu vực chết”, Hải Phòng và một số địa phương khác của miền Bắc Việt Nam sẽ bị san phẳng và Hiệp định Pa-ri sẽ được ký kết theo yêu cầu của Mỹ. Tổng thống Ních-xơn còn tuyên bố: “Bằng cuộc tập kích đường không chiến lược này chúng ta sẽ bắt Hà Nội phải quỳ gối”, sẽ đưa “miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Còn cố vấn đặc biệt Hen-ri Kít-xinh-giơ tự tin: “Nước Mỹ chúng ta mạnh đến mức trong vấn đề Việt Nam không có từ thất bại”…
Hành động tàn bạo của Ních-xơn trùm bóng đen lên ngày lễ Giáng sinh, khiến lương tâm của nhiều người nổi giận. Chưa bao giờ làn sóng phản đối chiến tranh của đế quốc Mỹ lại bùng lên dữ dội như những ngày chuẩn bị đón năm mới trên khắp hành tinh và ngay tại nước Mỹ. Các nhà lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa ra tuyến bố kịch liệt lên án hành động xâm lược mới của Mỹ và ủng hộ nhân dân Việt Nam. Các Đảng cộng sản và công nhân phẫn nộ tố cáo tội ác của Mỹ, kêu gọi nhân dân các nước đấu tranh đòi hoà bình cho Việt Nam. Ở khắp nơi trên thế giới, hàng triệu người xuống đường sôi sục biểu tình lên án mạnh mẽ hành động tội ác ghê tởm của Nhà trắng. Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ ở cả hai viện chỉ trích gay gắt hành động leo thang mới của Níchxơn. Thời báo Niu Yoóc, ngày 20-12-1972 cảnh báo “Mỹ có nguy cơ trở lại một kiểu dã man của thời kỳ đồ đá!”…
Sớm tiên liệu âm mưu xảo quyệt của địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân uỷ Trung ương và Bộ quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ) đã nhanh chóng hoàn chỉnh kế hoạch chống cuộc tập kích bằng đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Cách đánh B.52 và việc bố trí lực lượng, phương pháp xạ kích đã được hoàn chỉnh. Các dàn tên lửa SAM II sẵn sàng bấm nút, các phi đội MiG đợi lệnh xuất kích… Cả Hà Nội bình tĩnh, chủ động bước vào cuộc chiến đấu, quyết hạ nhục uy thế “siêu pháo đài bay” của không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Thủ đô. Từ giây phút đầu tiên, vào lúc 19 giờ 15 phút ngày 18-12-1972, khi hàng trăm máy bay B.52 và các loại máy bay chiến thuật được hệ thống nhiễu dày đặc bảo vệ hùng hổ lao vào đánh phá, bao vây bốn phương tám hướng, hòng nuốt chửng Hà Nội. Chúng còn sử dụng hơn 200 quả bom rải xuống khu vực Mễ Trì, làm hỏng trạm phát sóng chính của đài tiếng nói Việt Nam và khu vực lân cận… cũng là lúc chúng bị các chiến sĩ ra-đa mắt thần của ta kịp thời phát hiện và thông báo, báo động từ xa. 30 phút sau, những loạt đạn tên lửa, cao xạ đầu tiên bắn thẳng vào đội hình những con “ngáo ộp”, làm 6 máy bay bị bắn rơi, trong đó 2 chiếc B.52 rơi tại chỗ. Vài tiếng đồng hồ sau đó, làn sóng đài tiếng nói Việt Nam kịp thời được khôi phục, phát đi những tiêng thân thương “Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà…”, thì triệu triệu trái tim của hàng chục triệu người Việt Nam, của đông đảo bạn bè yêu chuộng hoà bình trên thế giới như muốn vỡ oà vì sung sướng.
Cả nước và thế giới hướng về Hà Nội, dõi theo chiến sự diễn ra từng giờ, từng phút và vô cùng tự hào, sung sướng khi Hà Nội đánh thắng giòn giã ngay trận đầu. Sáng ngày 21-12-1972, gọi điện trực tiếp chỉ đạo, động viên Bộ Tư lệnh Sư đoàn phòng không Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng xúc động nói: “Cả nước hướng về Hà Nội! Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội! Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay của các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”.
Không phụ lòng tin của Trung ương Đảng, của quân và dân cả nước, Hà Nội càng đánh càng thắng lớn. Bom đạn của kẻ thù không những không thể khuất phục được ý chí, lòng quả cảm của quân và dân Thủ đô mà còn làm nổi bật trí thông minh, sáng tạo của con người Việt Nam, của bộ đội PKKQ anh hùng. Đêm ngày 26-12-1972, máy bay B.52 ném bom rải thảm vào bệnh viện Bạch Mai, sát hại hơn 100 bác sĩ, nhân viên, bệnh nhân; phố Khâm Thiên, giết hại và làm bị thương 568 dân lành, thì cũng chính đêm hôm ấy, B.52 bị bắn rơi tại cửa hàng ăn uống Tương Mai - quận Hoàng Mai và một B.52 bị bắn cháy cắm đầu xuống thửa ruộng ở Định Công - Thanh Trì. Đêm hôm sau “siêu pháo đài bay” bị vít cổ rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám, cạnh vườn Bách Thảo và hồ Hữu Tiệp trong làng hoa Ngọc Hà…
Bị thất bại ngay từ ngày đầu tiến hành chiến dịch, đế quốc Mỹ càng điên cuồng huy động một số lượng lớn máy bay B52 và các loại máy bay chiến thuật đánh phá ác liệt liên tục cả ban ngày và ban đêm đối với Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Chúng tập trung trinh sát, đánh phá sân bay, trận địa tên lửa, cao xạ, ra đa; đánh cả vào các vùng dân cư, đô thị, trường học, bệnh viện, đài phát thanh... làm cho hàng vạn ngôi nhà bị tàn phá, hàng ngàn người vô tội bị chết, nhiều cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh. Bình quân mỗi ngày đêm chúng huy động tới 60 đến 70 lần chiếc B.52; 300 đến 400 lần chiếc máy bay chiến thuật. Trong đó đỉnh cao là đêm 26-12, chúng huy động tới 105 lần chiếc B.52 và hàng trăm lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá Hà Nội. Trước tình hình đó, Bộ đội cao xạ, ra đa, tên lửa của ta với phương pháp điều khiển “nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu”, phát hiện được đâu là nhiễu của các máy bay chiến thuật nghi binh làm “B.52 giả” và đâu là nhiễu của “B.52 thật” để đặt đường ngắm chính xác, điều khiển quả đạn tên lửa đi đúng hướng “mở đường thắng lợi” cho các lực lượng PKKQ trên toàn miền Bắc, tạo điều cho các binh chủng lập nên những chiến công hiển hách. Con đường đi đến chiến công của quân và dân ta là một quá trình tìm tòi, mò mẫm với biết bao hy sinh tổn thất của những chiến sĩ quyết tử tìm bằng ra chỗ mạnh, yếu của địch để đối phó “siêu pháp đài bay” của Mỹ. Bộ đội PKKQ đã hạ quyết tâm “vạch nhiễu tìm thù” - quyết tâm hạ gục “khối bom di động” trên bầu trời Hà Nội, làm nên chiến thắng huyền thoại vang dội 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.
Sau 12 ngày đêm chiến đấu oanh liệt bằng tất cả lòng căm thù, sự dũng cảm, bản lĩnh và trí tuệ của Việt Nam, quân dân Hà Nội, Hải Phòng và quân dân toàn miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52, 5 chiếc F.111, diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Chiến công này đã làm sụp đổ hoàn toàn thần tượng bất khả chiến bại của “không lực Hoa Kỳ”, làm hoảng loạn tinh thần của những người cầm quyền nước Mỹ, Tổng thống Ních-xơn phải thốt lên rằng: “Nỗi sợ của chúng ta trong những ngày này không phải là do những làn sóng phản đối phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là ở mức độ tổn thất về máy bay B.52 quá nặng nề”. Chuyên viên của Kít-xinh-giơ, ông Giôn Nê-gơ-nô-pôn cay đắng thừa nhận: “Chúng ta ném bom miền Bắc Việt Nam để rồi chính chúng ta phải chấp nhận nhượng bộ”[2]. Đúng 7 giờ ngày 30-12-1972, Tổng thống Ních-xơn đã chấp nhận thất bại, tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, trở lại bàn đàm phán ở Hội nghị Pa-ri.
“Điện Biên Phủ trên không” là trận quyết chiến chiến lược, trận thử thách chưa từng có trong lịch sử và cũng là trận giành thắng lợi to lớn, toàn diện của quân và dân ta, buộc Mỹ ký vào Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải rút hết quân Mỹ về nước. Chiến thắng này thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng, ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược bằng tất cả sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, của chân lý sáng ngời “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của quân dân Hà Nội nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Thắng lợi này đã góp phần tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới vào chủ nghĩa thực dân kiểu mới, củng cố lòng tin, cổ vũ loài người tiến bộ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Mười hai ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” một lần nữa minh chứng hùng hồn truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trong mưa, bom bão đạn của kẻ thù, “Rồng thiêng Thăng Long”, khí phách Thăng Long - Hà Nội không một giây phút nao núng, sợ hãi, hồn thiêng sông núi Việt Nam ngàn năm hội tụ và trỗi dậy mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh, bản lĩnh vững vàng để mỗi người dân Việt Nam bình tĩnh, tự tin chiến đấu, đánh gục vũ khí bất khả chiến bại của Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng oanh liệt của Thủ đô không chỉ tạo ra niềm tin tất thắng để nhân dân miền Nam quyết tâm tiếp tục “đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mà còn gây tiếng vang lớn trên trường quốc thế, thức tỉnh lương tri nhân loại. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất và chi viện tiền tuyến, Thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá… của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tự hào, xứng danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Phạm Thị Nhung
Trường sỹ quan Lục quân II
[1] http://yume.vn/hopsexy/article/ky-niem-37-nam-ha-noi-dien-bien-phu-tren-khong.35CC7471.html. [2] Nguyễn Tiến Hưng và Jérold L. Schecter: Từ toà Bạch ốc đến Dinh Độc lập, Nxb Trẻ, TPHCM, 1990, tr.214.