Qua 3 năm thực hiện Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW ngày 12-8-2009 của Ban Tổ chức Trung ương về “Điều kiện, căn cứ và quy trình xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 đã hy sinh, từ trần” các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận tổng số 671 hồ sơ đề nghị xét, công nhận do thân nhân người hoạt động cách mạng gửi đến, đã thẩm định và chuyển lên cấp huyện 467 hồ sơ. Cấp uỷ các huyện, thị xã, thành phố đã thẩm định gửi lên tỉnh 289 hồ sơ.
Với tinh thần khẩn trương, chính xác, không để tồn đọng, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã thẩm định trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xét duyệt 203 hồ sơ đủ điều kiện, trong đó đã tham mưu cho Tỉnh ủy Hải Dương quyết định công nhận 90 đồng chí lão thành cách mạng và 113 đồng chí cán bộ tiền khởi nghĩa. Số còn lại gồm 30 hồ sơ đủ điều kiện tiếp tục trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xét công nhận, 9 hồ sơ chưa kết luận, 31 hồ sơ đề nghị bổ sung tư liệu để thẩm định, 16 hồ sơ không đủ điều kiện được bàn giao lại cho cấp huyện, cấp xã để trả lại cho gia đình đề nghị.
Đến nay, các trường hợp được công nhận, chưa có trường hợp nào có ý kiến thắc mắc, khiếu nại. Việc tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt hồ sơ công nhận người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám đã hy sinh, từ trần được các cấp uỷ đảng từ cơ sở đến tỉnh thực hiện đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, công bằng, đúng quy định, quy trình, thủ tục.
Hồ sơ đủ căn cứ, điều kiện xét công nhận được đảng uỷ cấp xã lập văn bản đề nghị và gửi hồ sơ lên ban tổ chức huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ để tổng hợp và thẩm định. Sau bước thẩm định, các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ gửi hồ sơ những trường hợp đủ điều kiện về Ban Tổ chức Tỉnh uỷ để tổng hợp, thẩm định trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xét, quyết định công nhận. Những hồ sơ còn thiếu tư liệu hoặc không đủ điều kiện, các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ gửi lại đảng uỷ xã, phường, thị trấn để gia đình và địa phương bổ sung tư liệu hoặc trả lại cho gia đình. Cùng với việc tham mưu cho Tỉnh ủy ra quyết định công nhận, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã kịp thời chuyển hồ sơ đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để thực hiện chế độ kịp thời, đúng quy định.
Việc tổ chức trao tặng quyết định công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước Tổng Khởi nghĩa 19-8-1945 đã hy sinh, từ trần được các địa phương trong tỉnh tổ chức trang trọng, tiết kiệm và mang ý nghĩa tri ân, giáo dục truyền thống cao.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW ngày 12-8-2009 của Ban Tổ chức Trung ương, trên địa bàn tỉnh Hải Dương gặp một số khó khăn cần được Trung ương chỉ đạo tháo gỡ, đó là:
Việc tuyên truyền, phổ biến Hướng dẫn số 30 của Ban Tổ chức Trung ương ở một số địa phương chưa sâu rộng, do đó vẫn còn một bộ phận nhân dân, nhất là thân nhân của người hoạt động cách mạng chưa hiểu rõ về điều kiện, căn cứ và quy trình xét, công nhận người đủ điều kiện. Một số cán bộ cơ sở chưa làm tốt việc hướng dẫn thiết lập hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ, nhận hồ sơ chưa đủ căn cứ, điều kiện hoặc không đúng thẩm quyền, chưa giải thích rõ những trường hợp không đủ điều kiện dẫn đến nhiều thân nhân vẫn kiến nghị lên cấp trên.
Do người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần từ lâu nên các cơ quan, đơn vị và thân nhân không còn lưu giữ được đủ tài liệu chứng minh quá trình hoạt động cách mạng, vì vậy việc thiết lập hồ sơ gặp nhiều khó khăn. Một số hồ sơ có tài liệu nêu rất rõ quá trình hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tuy nhiên theo quy định tại Hướng dẫn số 30 những tài liệu đó không được coi là căn cứ để xét, cụ thể như: Lý lịch cán bộ, đảng viên khai đúng mốc thời gian quy định (do gia đình lưu trữ) nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ký, đóng dấu. Lý lịch cán bộ, đảng viên khai từ năm 1970 đến 1973, Lý lịch cán bộ, đảng viên khai các năm 1974, 1975 theo Thông tri số 297-TT/TW trong trường hợp người đề nghị công nhận hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945 (được kết nạp vào Đảng trước năm 1969 hoặc không tham gia chiến trường B, C, K) và Lịch sử đảng bộ cấp xã đã được thảo luận, chỉnh sửa, in và phát hành nội bộ trước năm 2007, nhưng do điều kiện kinh phí nên chưa được cấp phép xuất bản. Tài liệu có xác nhận của các ban liên lạc, các tổ chức nhưng không thuộc các cơ quan của Đảng và Nhà nước từ cấp huyện trở lên...
Có nơi một số đồng chí ở trong cùng một nhóm được ghi nhận trong lịch sử Đảng bộ cấp xã tham gia hoạt động trước ngày 01-01-1945, trong số đó những đồng chí từ trần sau ngày 30-6-1999 thì không được công nhận (vì theo Hướng dẫn số 30 những đồng chí này phải có lý lịch đảng viên để làm căn cứ xét công nhận), còn lại những đồng chí khác từ trần trước ngày 30-6-1999 được công nhận, dẫn đến sự thiếu công bằng ở cùng một địa phương.
Việc xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945 ở một số trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc do không thống nhất trong lịch sử đảng bộ xã ở các giai đoạn khác nhau. Có trường hợp trong lịch sử đảng bộ xã ghi thời gian người hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày nhưng khi thẩm định đồng chí đó không có tên trong danh sách ở nhà tù...
Để việc thực hiện Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH11 ngày 21-6-2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khoá XI) về “sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”, Thông báo số 235-TB/TW ngày 01-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về việc “Giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hướng dẫn việc xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã hy sinh, từ trần” và Hướng dẫn số 30 - HD/BTCTW ngày 12-8-2009 của Ban Tổ chức Trung ương đạt kết quả cao, đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng, không để sót đối tượng, thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa-một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành đối với người có công. Tỉnh ủy Hải Dương đã và đang đề xuất với Trung ương xem xét bổ sung thêm một số căn cứ xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng 8-1945 đã hy sinh, từ trần trên 3 phương diện: về căn cứ; về điều kiện và về thời hạn xét, công nhận cho các đối tượng, để không chỉ ở Hải Dương mà ở các địa phương khác trong cả nước được tiếp tục xét duyệt và đề nghị công nhận những trường hợp là người hoạt động cách mạng trước Tháng 8-1945.
Th.s Đoàn Thêu
Phó trưởng PBCT03-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương