1. Những cống hiến với công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác xây dựng Đảng
Là một trong những lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, trải qua những năm tháng đấu tranh kiên cường với kẻ thù trên khắp mặt trận, từ ngày đầu dựng Đảng đến thời kỳ đổi mới, dấu ấn của đồng chí Lê Văn Lương in đậm trên nhiều lĩnh vực. Với thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, đồng chí đã đúc rút và đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu về xây dựng Đảng. Trên cương vị làm Trưởng Ban Đảng vụ từ 1948-1950, đồng chí đã tham mưu giúp Trung ương Đảng soạn thảo Điều lệ Đảng mới, lập danh sách những người ứng cử vào Ban Chấp hành, Ban Bí thư, Bộ Chính trị… để góp phần vào công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ II. Sớm nhận thức sự cần thiết phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đồng chí đặc biệt coi trọng công tác giáo dục tư tưởng với cán bộ, đảng viên. Sau thành công của Đại hội, ngày 21-6-1951, đồng chí Lê Văn Lương đã viết bài cho báo Nhân Dân với chủ đề “Học tập Nghị quyết Đại hội Đảng như thế nào” với mục tiêu chỉ rõ những mặt được và hạn chế trong việc học tập Nghị quyết Đại hội Đảng. Theo đồng chí, cần xác định rõ mục đích của việc học Nghị quyết, đó là: “làm cho mỗi đảng viên tăng gia tinh thần trách nhiệm, tăng gia ý thức phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, nắm vững lập trường chính trị và các chính sách căn bản của Đảng, lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi chủ trương, công tác và tư tưởng hằng ngày, chống các bệnh cá nhân chủ nghĩa, xa quần chúng, khuynh tả, khuynh hữu”[1]. Đồng chí nhấn mạnh, cán bộ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội cần bám sát tình hình và chủ trương công tác tại từng ngành, từng địa phương, nghiên cứu kỹ các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, các bài báo, các sách đã xuất bản có liên quan để hiểu cho sâu sắc, cụ thể hơn. Trong bài “Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng”[2], đồng chí nêu rõ vai trò quan trọng của công tác tư tưởng trong công tác xây dựng Đảng. Đồng chí khẳng định bên cạnh những ưu điểm của cán bộ, đảng viên như không sợ hy sinh, gian khổ, khó khăn, hết lòng phụng sự Nhân dân, trong Đảng ta lúc bấy giờ còn một số đảng viên chưa hiểu rõ quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của Đảng, của Nhân dân, coi trọng lợi ích cá nhân hơn lợi ích của Đảng và của nhân dân: “công tác xây dựng Đảng ta hiện nay phải lấy việc xây dựng tư tưởng làm phương châm chủ yếu”[3]. Vì vậy theo đồng chí, cần tập trung trau dồi ý thức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng và quan điểm tổ chức. Giáo dục lý luận phải kết hợp với cải tạo tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng. Cải tạo và lãnh đạo tư tưởng cũng cần dựa vào giáo dục lý luận. Thực hiện tốt những công việc trên chính là góp phần nâng cao chất lượng của Đảng, làm cho Đảng thật xứng đáng đóng vai trò tiền phong trên con đường kháng chiến, kiến quốc.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta giành được nhiều thắng lợi quan trọng về quân sự, chính trị, kinh tế, thì trong cán bộ, đảng viên xuất hiện tư tưởng chủ quan, không thấy đầy đủ tính chất lâu dài và gian khổ của cuộc kháng chiến, xuất hiện tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, không quan tâm đến quyền lợi thiết thân của quần chúng,… Trước tình hình đó, đồng chí Lê Văn Lương đã tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện công tác chỉnh đốn các cơ quan cấp tỉnh, huyện, góp phần nhanh chóng ổn định hệ thống tổ chức đảng và củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, xây dựng hậu phương vững chắc. Trên cơ sở nghiên cứu sâu sát tình hình cơ sở, đến các địa phương nắm bắt tình hình, kiên quyết uốn nắn các sai lầm, khuyết điểm, tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa II, đồng chí Lê Văn Lương đã có báo cáo cụ thể về “Vấn đề chỉnh Đảng”, trong đó nêu cụ thể lý do, nội dung và phương pháp chỉnh Đảng phù hợp với yêu cầu tình hình cách mạng. Đồng chí nhấn mạnh chỉnh Đảng cần bắt đầu chỉnh huấn cán bộ, tiến hành từ trên xuống. “Khi nào chỉnh huấn cán bộ xong, mới có thể chỉnh đốn chi bộ”[4]. Điểm mới của cuộc chỉnh đốn lần này chính là tập trung vào con người trước khi chỉnh đốn tổ chức. Ngày 16-6-1952, tại lớp chỉnh huấn Trung ương, Đồng chí tiếp tục có bài viết giải đáp ý nghĩa, mục đích và thái độ chỉnh Đảng để giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ và sâu sắc hơn về nội dung của cuộc chỉnh Đảng.
Trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong giai đoạn 1973-1976, đồng chí Lê Văn Lương tiếp tục tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Trong đó có một văn kiện rất quan trọng là Nghị quyết số 225 ngày 20-2-1973 của Bộ Chính trị về “Công tác cán bộ của Đảng trong giai đoạn mới”. Nghị quyết ra đời đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của tình hình và nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ. Để quán triệt và thực hiện Nghị quyết, đồng chí đã có bài viết “Một số quan điểm cơ bản về công tác cán bộ và việc thi hành nghị quyết số 255 của Bộ Chính trị”[5]. Trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đồng chí đã có những đánh giá sâu sắc về tình hình cơ cấu đội ngũ cán bộ, những ưu điểm và khuyết điểm chính của cán bộ, đảng viên và rút ra nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan cụ thể chi tiết. Từ đó, đồng chí đưa ra các nhiệm vụ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu cách mạnh, trong đó nhấn mạnh: Có phương án xây dựng bộ máy tổ chức tốt sẽ quyết định việc xây dựng từng người cán bộ được tốt. Quán triệt phương châm trên, cần nhận rõ tác động qua lại giữa nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức với việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ tổ chức. Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức và tiêu chuẩn cán bộ mà tiến hành đánh giá cán bộ, điều chỉnh cán bộ và kiện toàn bộ máy. Với công tác cán bộ, đồng chí lưu ý cần kết hợp cán bộ già, trẻ, cũ, mới, cán bộ là trí thức, cả cán bộ ngoài Đảng và xác định sự nghiệp cách mạng là lâu dài, lớp người sau kế tiếp lớp người trước, đội ngũ cán bộ từng bước, phải được mở rộng, bổ sung, phát triển, được tiếp nối liên tục giữa lớp cán bộ này với lớp cán bộ khác và phải kế thừa có chọn lọc. Phải có sự đoàn kết giữa các lớp cán bộ, tránh gây ra những tâm trạng tiêu cực, không có lợi cho sự nghiệp chung. Với tầm khái quát lý luận và thực tiễn sâu sắc, đồng chí đã nêu ra những việc cần làm để thực hiện tốt Nghị quyết số 225 của Bộ Chính trị, đó là: (1) tổ chức tốt việc nghiên cứu quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị; (2) các ngành, địa phương cần bàn rõ thêm nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ tổ chức của mình; (3) vạch ra kế hoạch công tác cán bộ; (4) xây dựng tiêu chuẩn cụ thể của các loại cán bộ; (5) đánh giá cán bộ, điều chỉnh cán bộ và kiện toàn bộ máy; (6) vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; (7) phải chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ.
Với mục tiêu kịp thời bổ sung, kiện toàn cán bộ cho Trung ương Cục, Khu uỷ khu V, các tỉnh, thành phố miền Nam và tiếp quản, quản lý, xây dựng, phát triển các vùng mới giải phóng, đồng chí Lê Văn Lương đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành một số văn kiện quan trọng như: Chỉ thị số 201-CT/TW ngày 19-3-1973 của Bộ Chính trị về chính sách đối xử với những người có vấn đề cần xem xét về mặt quan hệ gia đình; Thông báo số 11-TB/TW ngày 18-4-1975 của Ban Bí thư quy định về phân công và phân cấp quản lý cán bộ, trong đó nêu rõ trách nhiệm, mối quan hệ trong việc quản lý cán bộ, về chế độ nhận xét đối với cán bộ; Thông tri số 316-TT/TW ngày 21-4-1975 của Ban Bí thư về việc điều động cán bộ cho miền Nam; Chỉ thị 236-CT/TW ngày 18-9-1976 của Ban Bí thư về công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ các lực lượng cách mạng miền Nam… Các văn kiện này đã để lại nhiều kinh nghiệm quý về công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng nói chung cũng như việc xem xét, giải quyết vấn đề chính trị hiện nay. Đồng chí Lê Văn Lương đặc biệt quan tâm công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng, thể hiện qua việc tham mưu cho Trung ương các văn bản như: Thông tri số 314-TT/TW ngày 19-4-1975 của Ban Bí thư về tự phê bình và phê bình trong đợt sinh hoạt chính trị để thi hành Nghị quyết số 23; Chỉ thị 230-CT/TW ngày 13-7-1976 của Ban Bí thư về đợt giáo dục chính trị, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng.
2. Những đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng tổ chức, cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc
Trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh, đặc biệt đã góp phần phát triển được đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực, xây dựng hệ thống tổ chức cơ sở đảng vững mạnh ở các cấp, các ngành, các địa phương với cơ chế hoạt động ngày càng tiến bộ. Trong công tác tổ chức, đồng chí có trách nhiệm cao đối với sinh mạng chính trị của cán bộ, đảng viên và công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, yêu thương cán bộ, công minh, kiên quyết bảo vệ cái đúng, đấu tranh không khoan nhượng đối với cái sai.
Đồng chí Lê Văn Lương đã đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng tổ chức, cán bộ, đặc biệt góp phần vào thành công chung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đồng chí đã tham mưu, giúp Trung ương, Bộ Chính trị chuẩn bị tổ chức Đại hội, soạn thảo Điều lệ mới, chuẩn bị nhân sự ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sau hơn 15 năm, Đảng mới tổ chức đại hội, số lượng đảng viên tăng lên rất nhanh, trong đó rất nhiều đồng chí xứng đáng được lựa chọn. Là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội II của Đảng, đồng chí luôn cẩn trọng trong đánh giá, sử dụng, sắp xếp cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Đồng chí đã phát huy dân chủ, quan tâm lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên các cấp, chú trọng lấy chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo để đánh giá, lựa chọn cán bộ.
Trong hai năm 1948 và 1949, Đảng đã kết nạp hơn 50 vạn đảng viên, trong đó có rất nhiều đảng viên trung thành, hăng hái, nhưng do quan điểm phát triển Đảng chưa thực sự đúng đắn, kết nạp ồ ạt nên đã đưa vào Đảng một số người không xứng đáng, kém ý thức đảng, ý thức giai cấp. Vì thế, để tăng cường củng cố Đảng và giáo dục đảng viên, đồng chí Lê Văn Lương đã tham mưu cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng tạm ngừng kết nạp đảng viên mới trong toàn quốc, để tập trung vào việc củng cố hàng ngũ, tăng cường giáo dục đảng viên đã được kết nạp từ trước. Đồng chí Lê Văn Lương chỉ rõ, trong khi tạm ngừng kết nạp số đảng viên mới, các cấp ủy đảng phải hết sức chú trọng đến việc chấn chỉnh Đảng bằng cách tích cực thực hiện hai cuộc vận động “đào tạo cán bộ, học tập lý luận” và “phê bình và tự phê bình” mà Trung ương đã đề ra.
Trong hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn, thử thách, công cuộc “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ cách mạng đông đảo về số lượng và lớn mạnh về chất lượng, vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Sau Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ VI (14 đến 18-1-1949), thực hiện chủ trương của Đảng về công tác huấn luyện cán bộ phục vụ sự nghiệp cách mạng, Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc chính thức trở thành Trường Huấn luyện cán bộ hoạt động thường xuyên, đánh dấu bước phát triển mới trong công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng. Đồng chí Lê Văn Lương được cử làm Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc và giữ chức vụ này từ năm 1949 đến năm1956[6]. Trên cương vị Trưởng Ban Đảng vụ, Giám đốc Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Lê Văn Lương đã góp phần xây dựng những lớp cán bộ cao cấp đầu tiên của Đảng ta. Công tác giáo dục nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên được đặc biệt chú trọng, góp phần nhanh chóng ổn định hệ thống tổ chức đảng và củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, xây dựng hậu phương vững chắc để kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trên cương vị Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong giai đoạn 1954 đến năm 1955, đồng chí Lê Văn Lương đã chỉ đạo công tác tiếp quản vùng mới giải phóng. Đảm nhiệm một công việc hoàn toàn mới mẻ, chưa có tiền lệ, “quan trọng ngang với tác chiến và cũng là một công tác trọng tâm như tác chiến” mà Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định, đồng chí Lê Văn Lương tuy đảm nhiệm nhiều công việc của Đảng và Chính phủ, nhưng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ.
Tháng 7-1954, đồng chí tham mưu cho Ban Bí thư ra Chỉ thị về công tác tiếp thu và quản lý các thành phố và thị trấn mới được giải phóng, xác định rõ một số việc cần làm ngay và Chỉ thị về việc chấp hành lệnh đình chiến. Những biện pháp nêu trên đã cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tiếp quản vùng mới giải phóng, kịp thời giúp đảng bộ các địa phương hiểu được tác dụng của chính sách và kỷ luật công tác tiếp quản, có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện Hiệp định đình chiến, bảo đảm nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Đi đôi với công tác tư tưởng, đồng chí Lê Văn Lương chỉ đạo kiện toàn tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể; mở các lớp bồi dưỡng cho trên 1.000 cán bộ làm công tác tiếp quản, giúp anh chị em nắm vững chính sách đối với vùng mới giải phóng, nâng cao ý thức trách nhiệm và giữ vững kỷ luật[7].
Đến năm 1986, do sức khỏe và tuổi tác, đồng chí Lê Văn Lương không còn tham gia Trung ương nhưng được giao làm công tác tổng kết xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Có thể thấy, qua quá trình hoạt động thực tiễn lâu dài, đồng chí đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh. Những kinh nghiệm này được thử thách trong lò lửa của chiến tranh cách mạng góp phần phát triển được đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, có hệ thống tổ chức ở các cấp, các ngành, các địa phương với cơ chế hoạt động ngày càng cải tiến.
3. Người anh cả của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng[8], người lãnh đạo trung thành, trung thực, ngay thẳng, dám nghĩ, dám làm, dám trách nhiệm vì lợi ích chung
Đồng chí Lê Văn Lương là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, chí công vô tư, phấn đấu sống và làm việc như một người cộng sản mẫu mực với phong cách làm việc dân chủ, giữ vững nguyên tắc, tôn trọng ý kiến tập thể, đặc biệt rất quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng. Đồng chí thường nhắc nhở đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức của Đảng: “Chính trong công tác thực tế hàng ngày, những tư tưởng và ý thức sai lầm mới biểu lộ rõ nét và cụ thể. Các cấp uỷ đảng cần nắm lấy những cơ hội đó để kịp thời phê bình sửa chữa. Bởi vậy, trước khi phát động thực hiện một công tác gì, các cấp chỉ đạo phải chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, giải thích rõ ý nghĩa và nội dung của công tác đó và phương pháp thi hành. Trong thời gian tiến hành công tác, phải theo sát tình hình, kịp thời uốn nắn những tư tưởng, hành động lệch lạc, sửa chữa những tư tưởng, hành động sai lầm. Khi kết thúc công tác, phải làm tổng kết, kiểm thảo từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Hiện nay, đây là phương pháp thực tế và có hiệu quả nhất để giáo dục tư tưởng trong Đảng ta, để xây dựng Đảng ta về mặt tư tưởng. Song cũng cần nhận rõ việc giáo dục đảng viên theo phương pháp trên đây là một công trình lâu dài mà chúng ta phải kiên nhẫn, bền bỉ tiến hành mới đạt được kết quả tốt”[9].
Trong đánh giá cán bộ, đồng chí hết sức công tâm, coi trọng ưu điểm, khoan dung với những khuyết điểm của cán bộ và thường tin tưởng ở khả năng phấn đấu vươn lên ở cán bộ, đảng viên. Đồng chí thường nhắc nhở cán bộ của mình “đánh giá cán bộ trong thời chiến đã khó, trong hòa bình lại càng khó hơn”; “sợ cán bộ chủ quan, cảm tính hoặc sợ nhất là yêu nên tốt, ghét nên xấu”[10]. Trong tự phê bình và phê bình, đồng chí rất chú trọng phương châm chữa bệnh cứu người, tình thương yêu đồng chí, tính tự giác nhận và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, khi thấy đồng chí mình có dấu hiệu bị oan sai, bị vu khống, bịa đặt, đồng chí đều xem xét cụ thể và có kết luận rõ ràng, đánh giá đúng người, đúng việc. Từ những việc làm cụ thể, đồng chí đã để lại nhiều bài học quý trong công tác đánh giá cán bộ, không chỉ đánh giá con người qua lối ứng xử bên ngoài mà phải đi sâu vào bản chất. Bên cạnh việc khách quan và công bằng, cán bộ lãnh đạo cần có cái tâm, cái tình trong sử dụng, phê bình và bảo vệ mới có thể đánh giá đúng cán bộ, mới tập hợp, khai thác trí tuệ và nhiệt tình của cán bộ trong sự nghiệp chung.
Trong suốt quá trình công tác, dù với cương vị nào, đồng chí Lê Văn Lương cũng luôn quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức. Đồng chí đã đưa ra 5 tiêu chuẩn người cán bộ tổ chức để cán bộ phấn đấu, rèn luyện, làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao phó, đó là: “(1) Rất trung thành với Đảng, với giai cấp, suốt đời tận tụy phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc. (2) Rất nhất trí với đường lối, quan điểm của Đảng, không mắc sai lầm về đường lối, quan điểm (hoặc nếu có thì phải thấy và sửa ngay). Nhất trí và chấp hành đường lối, quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng. (3) Am hiểu nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức của ngành mình. Hiểu cái đã qua, nhất là hiểu cái hiện nay và bước phát triển tới. Thông thạo nghiệp vụ công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng. Có hiểu biết về quản lý của ngành và hiểu biết khoa học, kỹ thuật đến mức cần thiết. Hiểu đời sống xã hội, hiểu biết quần chúng, hiểu cán bộ. Nhạy bén với cái mới. (4) Sát cơ sở, gần gũi cán bộ. Đoàn kết với các ngành, biết lắng nghe ý kiến phê bình của các ngành. (5). Trung thực, thẳng thắng với Đảng, với đồng chí. Khiêm tốn, khách quan, chí công vô tư. Giữ gìn bí mật của Đảng, của cán bộ”[11]. Những quan điểm của Đồng chí Lê Văn Lương đã trở thành cẩm nang của cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.
Quá trình công tác thực tiễn cho thấy, đồng chí là một người lãnh đạo trung thành, trung thực, ngay thẳng, dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm trước sai lầm, không vì lợi ích cá nhân. Trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, chúng ta đã phạm phải một số sai lầm do làm theo kinh nghiệm của nước ngoài mà không xuất phát từ thực tiễn nước ta. Trước khuyết điểm chung ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã tự phê bình và đề ra phương hướng sửa chữa. Đồng chí Lê Văn Lương đã tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình và xác minh những sai lầm để báo cáo và tham mưu với Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, đồng chí Lê Văn Lương đã dũng cảm, trung thực nêu lên tất cả những sai lầm, thể hiện trong bản báo cáo do đồng chí chuẩn bị trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1956. Bản báo cáo đã nhìn thẳng vào sự thật, tổng hợp đầy đủ những sai lầm, tổn thất và có nhiều kiến nghị, đề xuất để Hội nghị Trung ương xem xét. Hội nghị Trung ương đã đồng ý những biện pháp sửa sai đã đề ra trong báo cáo như: thả ngay những người bị bắt oan; minh oan ngay cho những người bị bắt oan, bị xử oan; khôi phục đảng tịch cho những đảng viên bị xử lý sai, vv… Do đó, công tác sửa sai của Đảng được tiến hành rất khẩn trương và có kết quả. Bản thân đồng chí Lê Văn Lương thấy mình có phần trách nhiệm về sai lầm trong công tác chỉnh đốn tổ chức Đảng, đã tự xin rút khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Đồng chí được điều về làm Bí thư Khu ủy Tả Ngạn. Đến Đại hội III của Đảng, Đồng chí được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, trở về làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và đến Đại hội IV của Đảng, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, với phần lớn thời gian trên cương vị phụ trách công tác tổ chức của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Ở đồng chí Lê Văn Lương có cái “tâm” của một người làm công tác tổ chức cán bộ của Đảng và có cái “tình” trong cách ứng xử với mọi người, yêu thương cán bộ, gần gũi quần chúng, vì sự tiến bộ của đồng chí mình. Đồng chí Lê Văn Lương đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Với những cống hiến to lớn, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương cao quý khác. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương đã để lại những tình cảm tốt đẹp đối với đồng chí, đồng nghiệp và Nhân dân. Đồng chí là một người cộng sản kiên cường, dũng cảm, trung thực, một người lãnh đạo, người đồng chí mẫu mực, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.
[1] Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.40.
[2] Bài đăng trên báo Nhân dân, từ số 14, ngày 26-6-1951 đến số 18, ngày 26-7-1951.
[3] Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.46.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t13.tr.103.
[5] Bài đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng, số 1-1974.
[6] Sau Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), đồng chí Lê Văn Lương là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và tiếp tục làm Giám đốc Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc cho đến năm 1956.
[7] Lê Văn Lương – Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.143.
[8] Nguyễn Đình Hương, Anh Lê Văn Lương – Người anh cả của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, in trong sách Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.252.
[10] Nguyễn Đình Hương, Anh Lê Văn Lương – Người anh cả của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, in trong sách Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.252.
[11] Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.128-129.
Mai Văn Chính
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương