Tháng 6-2003, Luật Biên giới Quốc gia ra đời, một năm sau, Nghị định 140/2004/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật, trong đó khẳng định “Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan, các địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó không thể không chú trọng công tác phát động phong trào quần chúng cùng tham gia.
Là đơn vị biên phòng vùng biển, trực tiếp lãnh đạo công tác quản lý bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai, cán bộ, đảng viên Đảng bộ Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt luôn ý thức được nhiệm vụ khó khăn và phức tạp của mình.
Với phạm vi quản lý gồm 2 xã Trung Giang, Gio Hải và thị trấn Cửa Việt, có 19 thôn, 2 cửa sông (Cửa Việt và Cửa Tùng), chiều dài bãi ngang 17km bờ biển; hằng tháng có khoảng 25 đến 30 tàu đăng ký đánh bắt xa bờ, 40 đến 50 tàu đăng ký đánh bắt trung bờ, 120 đến 150 tàu đăng ký đánh bắt ven bờ, khối lượng công việc đơn vị đảm nhiệm khá nhiều. Mặt khác, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn trong một thời gian dài cũng có những diễn biến tiêu cực. Nạn trộm cắp ngư lưới cụ trên các thuyền khi về neo đậu tại các bến bãi diễn ra một cách thường xuyên. Việc chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của các tàu thuyền khi ra vào cửa sông không nghiêm túc, vượt trạm còn nhiều. Tình hình khí hậu thời tiết diễn biến bất thường gây tổn thất to lớn về người và tài sản của ngư dân nhưng sự phối hợp, hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ giảm nhẹ thiên tai trên bờ, trên biển giữa các lực lượng chưa được tốt. Các hoạt động cố ý vi phạm chủ quyền lãnh thổ, lấn át ngư trường, trộm cướp ngư lưới cụ, đâm va có chủ ý gây tổn thất cho ngư dân khi làm ăn trên biển của tàu thuyền nước ngoài càng làm cho tình hình an ninh vùng biển thêm phức tạp...
Làm gì để giảm thiểu tình trạng trên? Câu hỏi đó từng bước được trả lời bằng ý tưởng xây dựng phong trào quần chúng tuyến biển tham gia tự quản tàu thuyền bến bãi, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm và giúp nhau làm ăn trên biển của cán bộ, đảng viên Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt.
Từ rừng xuống biển, từ bờ ra khơi
Ý tưởng xây dựng phong trào quần chúng tuyến biển bắt nguồn từ kinh nghiệm vận động quần chúng tuyến biên giới đất liền tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội rất thành công ở Quảng Trị của một số cán bộ, đảng viên Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt từng công tác ở địa bàn miền núi. Qua nghiên cứu, bàn bạc thống nhất, tập thể cấp ủy, chỉ huy Đồn mạnh dạn đề xuất với Đảng ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, cấp ủy và chính quyền các địa phương bàn cách phối hợp xây dựng phong trào. Từ năm 2008, phong trào được triển khai tổ chức thực hiện, đồng thời, với ý nghĩa là mô hình mới, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt được Đảng ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị giao nhiệm vụ làm điểm.
Phối hợp cùng các tổ chức đảng, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn đơn vị phụ trách huyện Gio Linh, gắn kết chặt chẽ với các thôn, khu phố dọc tuyến ven biển, cán bộ, đảng viên Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt tổ chức lãnh đạo nắm tình hình, xây dựng kế hoạch, phát động quần chúng hưởng ứng phong trào. Về mặt định hướng tổ chức, mỗi thôn và khu phố ven biển vận động thành lập một ban tự quản, dưới ban có các tổ. Về phương thức hoạt động, Đồn Biên phòng hướng dẫn, giúp đỡ chuyên môn; các tổ chức trong hệ thống chính trị địa phương cùng phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời thông qua đầu mối các ban tự quản để hỗ trợ điều kiện vật chất và tổ chức tập huấn hướng dẫn hoạt động; các ban tự quản chủ động xây dựng kế hoạch, vận động các chủ tàu thuyền đăng ký tham gia ký kết và điều hành hoạt động chung. Về nội dung hoạt động, ban đầu tập trung vào việc giữ gìn an ninh, trật tự tại bến bãi, sau đến giúp nhau làm ăn và cứu hộ, cứu nạn trên biển, rồi hỗ trợ thông tin trên biển cho bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng, cuối cùng là sẵn sàng đấu tranh chính trị trên biển khi có tình huống nước ngoài xâm phạm chủ quyền. Các nội dung đó được bổ sung hằng năm qua sơ kết, tổng kết.
Xuất phát từ tình hình thực tế, cấp ủy, chỉ huy Đồn biên phòng thống nhất chỉ đạo xây dựng điểm Ban tự quản tàu thuyền ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt. Tính đến nay, sau hơn 2 năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, số ban mà đơn vị xây dựng là 8 ban với 24 tổ, trong đó 4 ban có tàu hoạt động xa bờ và Ban tự quản khu phố 5 vẫn luôn là lá cờ đầu của phong trào.
Tự nguyện, trách nhiệm và hiệu quả
Là tổ chức quần chúng có tính chất nghề nghiệp nhưng được giúp đỡ và định hướng chính trị rõ ràng từ bộ đội biên phòng và hệ thống chính trị cơ sở, hoạt động của các ban tự quản khá bài bản. Trưởng ban được bầu trên cơ sở uy tín và trách nhiệm; được cán bộ, chiến sĩ Đồn động viên, trao đổi thêm phương thức tập hợp quần chúng, hướng dẫn xây dựng quy chế, nội dung tự quản. Ban đầu, các cán bộ, chiến sĩ được phân công cùng các ban tự quản tiến hành rà soát lại số lượng phương tiện tàu thuyền đi biển, kiểm điểm tình hình an ninh, trật tự, phân loại đối tượng và gặp gỡ, tuyên truyền, phát động phong trào tự quản. Sau đó, các ban tự quản chủ động phân công người sắp xếp lại vị trí neo đậu tàu thuyền; tổ chức tuần tra, hướng dẫn các tàu trong và ngoài thôn, khu phố neo đậu đúng chỗ; tổ chức kiểm soát việc ăn ngủ lại trên các tàu thuyền; thống nhất các nội dung giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong việc chia sẻ thông tin ngư trường, cứu nạn trên biển, thăm hỏi nhau lúc ốm đau, hoạn nạn; thống nhất tinh thần sẵn sàng đấu tranh trên biển đối với các lực lượng xâm phạm chủ quyền lãnh hải Tổ quốc.
Tuy thời gian và nhiều điều kiện khác chưa đủ để phủ khắp mô hình ban tự quản trên toàn địa bàn quản lý của Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt, nhưng đây thực sự là một ý tưởng hợp lòng dân, đem lại lợi ích cho dân và cao hơn nữa là lợi ích Tổ quốc, vì vậy phong trào được cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, quần chúng nhiệt tình hưởng ứng. Qua các đợt sơ kết, tổng kết, cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban tự quản đều thấy rõ ý nghĩa to lớn của nó. Những nơi xây dựng được phong trào, việc quản lý tài sản, ngư lưới cụ khá tốt, giảm hẳn nạn mất mát, nhầm lẫn. Tàu thuyền neo đậu trật tự trên bến, vào ra hợp lý, không bị va đập gây hư hỏng. Việc tuần tra kiểm soát của Ban Tự quản và các cơ quan chức năng thuận lợi, thuận lợi khi cần huy động tàu thuyền làm nhiệm vụ khẩn cấp. Ý thức cộng đồng, trách nhiệm trong xây dựng thôn, khu phố, giữ gìn trật tự xã hội, giúp nhau làm ăn, sẻ chia hoạn nạn của bà con ngư dân được nâng lên. Rất nhiều tàu thuyền của bà con trong và ngoài vùng gặp sự cố hỏng máy, bị sóng đánh chìm được cứu nạn thành công. Đặc biệt, cũng từ phong trào này, ý thức bảo vệ chủ quyền trên biển của ngư dân có sự chuyển biến rất tích cực. Hiện nay có 20 chủ tàu thuyền đánh bắt xa bờ ký kết sẵn sàng thông báo kịp thời những thông tin xấu trên biển cho Bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng; sẵn sàng tham gia đấu tranh chính trị trên biển khi có tình huống xâm phạm chủ quyền xảy ra. Trong phong trào đó, Ban tự quản khu phố 5, Trưởng ban Bùi Đình Sành, các thuyền trưởng Võ Hồng Thanh, Bùi Đình Cam, Bùi Đình Biểu... thực sự là tập thể và những cá nhân tiêu biểu vì trách nhiệm với cộng đồng, với chủ quyền biển đảo.
Kinh nghiệm và đề xuất
Những kết quả đã đạt được trong xây dựng phong trào quần chúng tham gia tự quản tàu thuyền bến bãi, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm và giúp nhau làm ăn trên biển ở địa bàn quản lý của Đồn biên phòng Cửa Việt là do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự hưởng ứng nhiệt tình, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của nhân dân địa phương; sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong Đồn; đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện vật chất nhất định của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân làm nhiệm vụ; sự sát sao của thủ trưởng và các đơn vị chức năng bộ đội biên phòng Tỉnh nơi trực tiếp quản lý, chỉ đạo chuyên môn cho Đồn.
Thông qua hoạt động, kinh nghiệm được rút ra là: Hoạt động của ban tự quản phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Bộ đội biên phòng là cơ quan tham mưu. Quá trình khảo sát để xây dựng phong trào đòi hỏi sự nghiêm túc, dày công nghiên cứu để phát hiện những yêu cầu của địa phương, nắm rõ nguyên nhân để từ đó tham mưu, xây dựng quy chế hoạt động, bản cam kết thực hiện của các chủ tàu sát đúng, cụ thể, tránh chung chung.
Để phong trào phong trào quần chúng tự quản tàu thuyền bến bãi, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, giúp nhau làm ăn trên biển mang lại hiệu quả thiết thực và góp phần cùng các lực lượng chức năng bảo bệ chủ quyền lãnh hải thì:
Một là, song song với phong trào quần chúng tự quản đường biên cột mốc ở tuyến biên giới đường bộ, phong trào tự quản của quần chúng ven biển nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo cần được chú trọng nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng trên toàn tuyến biển.
Hai là, nhận thức “Bộ đội biên phòng “đẻ ra” mô hình này, nên là việc riêng của biên phòng” từng tồn tại ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương phải được chấn chỉnh lại, để từ đó xác định rõ trách nhiệm hàng đầu của các cấp ủy đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chức năng phối hợp giúp đỡ, xây dựng phong trào. Trong đó, không thể không chú ý đến trách nhiệm xây dựng tổ chức đảng trong các ban tự quản, lấy nòng cốt từ những thuyền trưởng, thuyền viên nhiệt tình với phong trào, những người từng tham gia quân ngũ, những chiến sĩ từng phục vụ ở hải đảo.
Ba là, không chỉ vì mục tiêu kinh tế, mô hình hoạt động của các ban tự quản tàu thuyền đã và đang hướng đến mục tiêu góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biển, cứu hộ cứu nạn. Vì vậy, cần phải có sự hỗ trợ về phương tiện vật chất của Nhà nước, sự hướng dẫn, giúp đỡ chuyên môn của các ban, ngành chức năng nhằm tạo điều kiện cho thành viên các ban tự quản tăng cường năng lực hành nghề đánh bắt ngoài khơi; năng lực tiếp nhận và truyền tin tầm xa; năng lực cứu hộ cứu nạn trong điều kiện khắc nghiệt, và nhất là năng lực tập hợp lực lượng, đoàn kết xử lý tình huống chính trị trên biển khi có dấu hiệu vi phạm chủ quyền.
Bốn là, phong trào cũng cần được động viên, khen thưởng hợp lý và hỗ trợ thiệt hại cho các thành viên khi gặp rủi ro về người và phương tiện tàu thuyền trong quá trình tham gia cứu hộ cứu nạn, truy bắt, tố giác tội phạm và đấu tranh trên biển.
Năm là, nghiên cứu đầu tư xây dựng bản tin tổng hợp tình hình trên biển do Bộ đội biên phòng chủ công nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng hoạt động cho bà con ngư dân.
Trương Thị Bạch Yến
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III