Kết quả bước đầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Đ/c Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đ/c Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng hoa chúc mừng các học viên lớp cập nhật kiến thức dành cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII.

Một số kết quả bước đầu


Về đào tạo lý luận chính trị: Nhận thức sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối với sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ các cấp thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện từ thực tiễn. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, kết luận nhằm đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vào nền nếp và trang bị cho cán bộ có đủ bản lĩnh chính trị, vững vàng lập trường tư tưởng.

Nhiệm vụ đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay: Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng. Thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt cấp Trung ương. Tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng(1).

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành cần phải được đào tạo lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh và bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới…(2). Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên không chỉ cung cấp kiến thức chung về lý luận chính trị mà còn rèn luyện đạo đức cách mạng, trang bị phương pháp luận và phong cách lãnh đạo, quản lý trong mọi lĩnh vực được giao.

Mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần cách mạng, tự học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ và cập nhật kiến thức mới thường xuyên để bảo đảm đủ năng lực, bản lĩnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, cũng như củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Từ năm 2020, thực hiện đổi mới công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan chú trọng đến các nội dung sau: Phân lớp theo nhóm đối tượng học viên có tính tương đồng về chức danh, vị trí việc làm, chuyên môn, ngành, lĩnh vực công tác. Tăng cường đào tạo hệ tập trung, giảm đào tạo hệ không tập trung, thực hiện theo nguyên tắc với tỷ lệ 1:1,2 (tập trung/không tập trung). Sĩ số lớp học hệ tập trung không quá 50 học viên/lớp. Hệ không tập trung và hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị không quá 60 học viên/lớp.

Tích cực thực hiện chủ trương tăng số lượng cán bộ đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung, không quy định độ tuổi đi học; đồng thời, để nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị. Bên cạnh đó, thực hiện việc giảm dần, tiến tới bỏ đào tạo hệ không tập trung, tăng cường tổ chức lớp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các học viện chính trị khu vực, hạn chế tổ chức lớp không tập trung tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Về bồi dưỡng chức danh, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức mới: Thực hiện công tác bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII, Ban Tổ chức Trung ương đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tổ chức 5 lớp bồi dưỡng kiến thức cho 222 đồng chí quy hoạch BCH Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp với Học viện Quốc phòng tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh đối tượng I cho 169 cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương. Năm 2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức 2 lớp bí thư, 2 lớp phó bí thư cấp ủy cấp huyện; 9 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng; 7 lớp công tác kiểm tra; 7 lớp công tác dân vận và 9 lớp công tác tuyên giáo.

Năm 2020, sẽ tổ chức 40 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng, cập nhật kiến thức theo chức danh. Trong đó, có 36 lớp bồi dưỡng chức danh và chuyên môn nghiệp vụ xây dựng Đảng; 2 lớp bồi dưỡng bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương; 2 lớp bồi dưỡng phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương.

Chương trình bồi dưỡng chức danh thường xuyên được sửa đổi, hoàn thiện, cập nhật nhằm bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và hiện đại. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chủ động, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương để thống nhất nội dung, chuyên đề bài giảng. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên đa dạng, phong phú, là những chuyên gia hàng đầu về lý luận của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tiễn.

Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, khó khăn: Công tác bồi dưỡng chức danh chưa được xây dựng  toàn diện, đồng bộ, thống nhất và chỉ mới tổ chức bồi dưỡng cho một số đối tượng cán bộ; việc triển khai thực hiện kế hoạch còn bị động; sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ. Sĩ số học viên các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ còn ít, thậm chí có lớp không đủ số lượng để khai giảng. Cụ thể, năm 2019, Học viện Chính trị khu vực I chỉ mở được 2/3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng, 2/3 lớp công tác kiểm tra; Học viện Chính trị khu vực II chỉ mở được 2/3 lớp công tác kiểm tra, 2/3 lớp công tác dân vận; Học viện Chính trị khu vực III chỉ mở được 1/2 lớp công tác tổ chức. Vẫn còn có tình trạng các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thay đổi nhiều lần danh sách cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng.

Một số kinh nghiệm

Một là, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược; cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần phải có sự quan tâm đặc biệt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Hai là, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan, các bộ, ban, ngành, địa phương để xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng sát thực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên phải phù hợp với yêu cầu bồi dưỡng cho từng loại đối tượng cán bộ. Công tác xét, cử cán bộ cần lựa chọn kỹ, khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn quy định; chiêu sinh, thẩm định phải đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình. Làm tốt công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng từ khâu chiêu sinh, triển khai tổ chức, đánh giá kết quả trong và sau đào tạo, bồi dưỡng. Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, tài liệu, kinh phí cho phục vụ đào tạo, bồi dưỡng. Đây là những yếu tố quan trọng, cần thiết, quyết định tới thành công của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Ba là, nhận thức của các cấp uỷ đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần được nâng cao. Việc gắn kết đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ phải được chú trọng hơn nữa. Việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương và ý thức tự học của cán bộ, đảng viên là yếu tố quyết định; công tác đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm thiết thực, có chất lượng, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên. Khắc phục tình trạng hình thức, cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng để cho có đủ bằng cấp, chứng chỉ bảo đảm tiêu chuẩn theo chức danh; nhất là tình trạng cán bộ lười học lý luận chính trị.

Nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đổi mới trong thời gian tới

1- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị để cán bộ, đảng viên nhận thức đúng yêu cầu, nhiệm vụ, tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và ngạch công chức, đáp ứng khung năng lực, vị trí việc làm.

2- Xây dựng cơ chế phối hợp với quy trình cụ thể, phân cấp rõ nhiệm vụ giữa các cơ quan tham mưu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với phương châm mỗi việc chỉ có một cơ quan đảm nhiệm chính, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ. Tổng kết tình hình thực hiện Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16-9-2019 của Ban Bí thư về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên và các văn bản quy định về tiêu chuẩn, đối tượng và phân cấp để trình Ban Bí thư ban hành Quy định “tiêu chuẩn, đối tượng và phân cấp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị”.

Sơ kết 3 năm thí điểm, thực hiện Kết luận số 25-KL/TW ngày 28-12-2017 của Ban Bí thư về việc giao quyền đào tạo và xác nhận trình độ cao cấp lý luận chính trị đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

3- Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng theo chức danh. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm vừa cung cấp cho người học có tri thức khoa học, vừa có kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn. Nội dung, chương trình cần được đổi mới sát với việc nhận thức và giải quyết vấn đề thực tiễn đang diễn ra trong xã hội, không nặng về lý luận. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bổ sung, cập nhật vấn đề mới về lý luận, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kiến thức lãnh đạo, quản lý và kỹ năng cần thiết để giải quyết tốt các tình huống, các vấn đề đặt ra trong thực tiễn công tác cho đội ngũ cán bộ, góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý và phẩm chất chính trị, đạo đức.

4- Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan, các bộ, ban, ngành, địa phương nhằm thực hiện nghiêm các quy định trong việc xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch, chiêu sinh, cử cán bộ đi học, tổ chức lớp học, quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá trước, trong và sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đối tượng, phân cấp, chức năng, nhiệm vụ và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

5- Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo. Phát huy sự tự giác, tự học, chủ động nghiên cứu, bổ sung và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng xử lý tình huống thực tiễn mới nảy sinh của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và nhiệt tình, tâm huyết. Tăng cường đội ngũ giảng viên, báo cáo viên thỉnh giảng là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Từng bước hiện đại hóa điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tốt yêu cầu dạy - học tích cực trong tình hình mới.

6- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng. Rà soát, bổ sung các quy chế, quy định, về phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở đào tạo trong nghiên cứu, tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, quản lý và tổ chức đào tạo, trong đó lưu ý điều chỉnh, bổ sung về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giảng dạy phù hợp với tình hình hiện nay.

-----

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, H.2016, tr.201-202. (2) Kết luận số 57-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất