Một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng trong Khối các cơ quan Trung ương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương

Trong rất nhiều các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được xác định tại Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, xin phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan trực tiếp đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng trong Khối các cơ quan Trung ương.

Thứ nhất, về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng. Hiện nay, trong hầu hết các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, còn tồn tại hai tổ chức đảng là ban cán sự đảng, đảng đoàn (BCSĐ-ĐĐ) và đảng ủy. Đảng ủy Khối là cấp trên trực tiếp của đảng ủy các bộ, ngành, đoàn thể, nhưng không có chính quyền cùng cấp. Cho nên, trên thực tế, vẫn còn những chồng chéo, trùng lắp nhất định về một số nhiệm vụ cụ thể. Vì vậy, công việc cần thực hiện trước hết theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII là tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện một cách chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của BCSĐ-ĐĐ và của đảng ủy bộ, ngành, đoàn thể, cũng như cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy các bộ, ngành, đoàn thể.

Trong Đảng bộ Khối có các đảng bộ cấp trên cơ sở, đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở, đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc. Về cơ bản, các tổ chức này đều có “chính quyền” cùng cấp và hiện nay đang hoạt động theo các quy định của Ban Bí thư. Trong số các đảng bộ cấp trên cơ sở, có một số đảng bộ đơn vị sự nghiệp Trung ương (nơi không có BCSĐ) thực hiện mô hình đảng ủy lãnh đạo toàn diện, còn lại là theo mô hình đảng ủy phối hợp với BCSĐ-ĐĐ lãnh đạo bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

    Có lẽ vướng mắc, khó khăn nhất hiện nay của các tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối nằm ở vấn đề: có được giao trực tiếp lãnh đạo nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị hay không và lãnh đạo theo cơ chế nào? Thực tế cho thấy, mặc dù đã có các quy định cụ thể của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Khối các cơ quan Trung ương hầu như không có điều kiện bảo đảm để thực hiện được vai trò lãnh đạo nhiệm vụ chính trị. Ở các cơ quan, đơn vị hiện nay, thông thường chỉ dừng ở mức độ là thủ trưởng cơ quan, đơn vị thông báo cho chi bộ, đảng bộ về tình hình và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, rất ít chi bộ, đảng bộ được bàn bạc, thảo luận và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Như vậy, nếu quan niệm lãnh đạo nhiệm vụ chính trị là đề ra chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ, phân công các tập thể và cá nhân thực hiện, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả việc thực hiện thì có thể nói hầu hết các cấp ủy trong các cơ quan, đơn vị ở Trung ương không được giao và cũng không có điều kiện, chế tài cụ thể để thực hiện trên thực tế. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết thông qua việc bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng.

Việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng trong các cơ quan Trung ương cần đáp ứng một số yêu cầu sau:

(1) Bất kỳ tổ chức đảng nào cũng có chức năng duy nhất và thống nhất là chức năng lãnh đạo, trước hết là lãnh đạo trực tiếp việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, song đối với mỗi tổ chức đảng cần xác định rõ ràng, cụ thể đối tượng, phạm vi, cơ chế và phương thức lãnh đạo cho thật phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm tuân thủ Điều lệ Đảng, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

(2) Khi trong cùng một cơ quan, đơn vị có hai tổ chức đảng thì cần phân định rõ ràng, minh bạch, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, bảo đảm tránh trùng lắp, chồng chéo, không rõ người rõ việc.

 (3) Quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng phải bảo đảm nguyên tắc mỗi việc chỉ giao cho một đầu mối đảm trách, chịu trách nhiệm hoàn toàn, giảm thiểu tối đa những nội dung công việc bắt buộc phải có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị mới thực hiện được.

 (4) Đối với những nội dung bắt buộc phải có nhiều tổ chức cùng thực hiện thì cần phân công, phân cấp thật cụ thể, rõ ràng về nội dung công việc, về trách nhiệm và thẩm quyền để có thể kiểm tra, giám sát được và đánh giá được kết quả thực hiện của từng tổ chức.

Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng chính là một giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng trong Khối các cơ quan Trung ương hiện nay.

Thứ hai, về công tác cán bộ và công tác quản lý đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ “Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém”. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác cán bộ và quản lý đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý còn khá hạn chế. Dẫn đến thực tế là, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ chủ chốt, sa sút về phẩm chất, thoái hóa về đạo đức, lối sống, thậm chí không chấp hành nguyên tắc sinh hoạt đảng và vi phạm pháp luật, song chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Trong công tác tổ chức cán bộ, vấn đề đáng ngại nhất là cấp ủy không có vai trò quyết định (mà chỉ được “tham gia ý kiến”) về sắp xếp tổ chức và bố trí cán bộ ở bất cứ cấp nào, chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ”. Tình trạng phổ biến là cấp ủy chỉ được tham gia ý kiến về nhân sự cụ thể mà BCSĐ-ĐĐ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã thông qua, đã quyết định về chủ trương. Cấp ủy các cấp hầu như không được chủ động bàn bạc, quyết định phương hướng, chủ trương công tác tổ chức cán bộ.

Thêm vào đó, trong cùng một cơ quan, đơn vị, quy hoạch cấp ủy và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý rất ít liên quan, nếu không muốn nói là hoàn toàn độc lập với nhau. Nhiều đồng chí được quy hoạch chi ủy, đảng ủy nhưng nằm ngoài quy hoạch chính quyền, và ngược lại nhiều đồng chí được quy hoạch cán bộ cấp vụ, cấp bộ lại không nằm trong quy hoạch cấp ủy.

Đây là tình trạng chung của nhiều tổ chức đảng, và đối với các tổ chức đảng trong Khối các cơ quan Trung ương cũng không phải là ngoại lệ. Do đó, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp ủy, tổ chức đảng thuộc Khối các cơ quan Trung ương trong công tác cán bộ và công tác quản lý đảng viên.  

Trước hết, cần thông qua cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là thông qua chi bộ đảng, để nắm chắc, để quản lý tốt từng cán bộ, đảng viên cả trong công tác và cả trong cuộc sống, trong sinh hoạt thường ngày, đây chính là một kênh giám sát, kiểm soát quyền lực rất hữu hiệu. Vấn đề là phải nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung này thành các văn bản quy định, hướng dẫn, thành trách nhiệm và thẩm quyền rõ ràng của từng cấp ủy đảng và chi bộ thì mới hiện thực hóa được cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua tổ chức đảng và đảng viên.

Thứ ba, về mối quan hệ công tác giữa cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Có rất nhiều văn bản quy định ở các cấp về mối quan hệ phối hợp giữa các tổ chức đảng trong Khối các cơ quan Trung ương: Đó là các quy định về sự phối hợp giữa Đảng ủy Khối với BCSĐ-ĐĐ; về cơ chế phối hợp giữa đảng ủy bộ, ngành, đoàn thể với BCSĐ-ĐĐ; về cơ chế phối hợp giữa đảng ủy cơ sở với thủ trưởng cơ quan, đơn vị; về cơ chế phối hợp giữa chi ủy với thủ trưởng đơn vị. Các quy định này thường là rất chung chung, hình thức, không rõ việc, không rõ thẩm quyền của từng tổ chức và trên thực tế rất ít người có thể nhớ quy định nói gì.  

Nếu như “luật hóa” được về cơ bản các quy phạm điều chỉnh hoạt động, hành vi của tổ chức và cá nhân, thì sẽ cần rất ít những văn bản con, văn bản cháu chắt để quy định những việc cụ thể, nhất là những việc kiểu như “quan hệ phối hợp” của các tổ chức đảng như hiện nay. Trong Khối các cơ quan Trung ương, nếu như quy định được thật rõ ràng, cụ thể, mạch lạc chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức đảng, BCSĐ-ĐĐ có việc của BCSĐ-ĐĐ, Đảng ủy Khối có việc của Đảng ủy Khối, đảng ủy bộ, ngành có việc của đảng ủy bộ, ngành,... không ai bị lẫn vào việc của ai, thì chắc là cũng chẳng cần có trùng trùng điệp điệp các loại quy chế phối hợp như hiện nay (trong Đảng bộ Khối, cấp ủy các cấp, đến tận cấp chi bộ trực thuộc, đã được yêu cầu bắt buộc phải xây dựng quy chế phối hợp với thủ trưởng đơn vị).

Tất nhiên, có một số việc vẫn phải làm chung, không giao riêng cho một tổ chức được, nên cần phải xác định những việc chung ấy là loại việc gì, rồi căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức mà phân công, phân nhiệm cho rõ ràng, cụ thể để cùng nhau thực hiện, và khi có vướng mắc, khó khăn thì phải có cơ chế giải quyết phù hợp, hiệu quả.

Hiện nay, ở cấp bộ, ngành có các mối quan hệ đan xen giữa 4 chủ thể: (i) BCSĐ; (ii) đảng ủy; (iii) tập thể lãnh đạo bộ (chính là “chính quyền” cùng cấp, gồm bộ trưởng và các thứ trưởng); và (iv) Đảng ủy Khối, vừa là cấp trên trực tiếp của đảng ủy bộ, vừa có quan hệ phối hợp công tác với BCSĐ và tập thể lãnh đạo bộ. Quả thực, nếu không xác định thật rõ ràng, cụ thể các mối quan hệ đan xen, phức tạp này thì công việc chung sẽ rất dễ bị ảnh hưởng.

Ở cấp cục, vụ, viện và các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, đoàn thể thì mối quan hệ giữa cấp ủy và lãnh đạo cấp cục, vụ, viện cũng cần được cụ thể hóa một cách đầy đủ, chặt chẽ. Mong muốn của nhiều cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Trung ương là đảng ủy một cục, vụ, viện phải thực sự giữ vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện hoạt động của cục, vụ, viện (vì ở cấp cục, vụ, viện không có BCSĐ). Muốn như vậy, cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Trên đây trình bày một số vấn đề liên quan trực tiếp đến mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng trong Khối các cơ quan Trung ương, hy vọng góp phần làm rõ thêm các nhiệm vụ, giải pháp mà Đảng ủy Khối đang chỉ đạo thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.

Muốn cả hệ thống tổ chức đảng trong Khối cơ quan Trung ương hoạt động hiệu lực, hiệu quả trước hết cần kiện toàn cả về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và cơ chế, phương thức hoạt động, và đây luôn luôn là việc khó khăn, phức tạp, động chạm đến quyền lợi của nhiều người, nhất là số cán bộ lãnh đạo, quản lý, song đây là việc nhất thiết phải làm và phải làm một cách kiên quyết. Lộ trình, bước đi và cách làm có thể vạch ra cho phù hợp, nhưng quan trọng nhất là đổi mới tư duy, là thông suốt về nhận thức, tư tưởng. Việc này không thể chần chừ. Nguyên tắc cao nhất là các tổ chức đảng phải thực sự là hạt nhân chính trị, là người lãnh đạo, cầm quyền trực tiếp ở tất cả các cấp, các cơ quan, đơn vị và phải lấy yêu cầu về chất lượng, hiệu quả làm tiêu chí hàng đầu để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và phương thức hoạt động của từng tổ chức.

TS. Trần Hồng Hà
Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất