Đ/c Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ lần thứ 5.
Trong xã hội dân chủ, bầu cử là phương thức hữu hiệu nhất để buộc các đại biểu dân cử phải coi trọng lợi ích của cử tri và nhân dân. Với ý nghĩa chính trị, pháp lý về vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị của nước ta, Đảng có vai trò quan trọng trong lãnh đạo bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, tạo nhân tố xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Để thực hiện thắng lợi các quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND (gọi tắt là Luật Bầu cử), Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp mỗi nhiệm kỳ đóng vai trò quyết định.
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong suốt quá trình bầu cử là một tất yếu nhằm lựa chọn được những người tiêu biểu, xứng đáng nhất, có đủ các tiêu chuẩn theo luật định, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có năng lực và có điều kiện thực thi nhiệm vụ của ĐBQH, đại biểu HĐND. Đồng thời, bảo đảm cơ cấu và chất lượng, không vì cơ cấu mà giảm chất lượng. Đó là căn cứ, là cơ sở pháp lý để hình thành các cơ quan nhà nước trong nhiệm kỳ mới, bảo đảm tính liên thông, thống nhất với kết quả đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.
Một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng là thông qua công tác cán bộ và vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đối với cơ quan dân cử, các cấp ủy đảng cần trực tiếp xem xét và tập thể quyết định việc lựa chọn, đánh giá, giới thiệu những cán bộ giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, bên cạnh khẳng định những kết quả quan trọng trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác cán bộ thời gian qua và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới: Tiếp tục đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ. Hoàn thiện các quy định, quy chế để cấp ủy các cấp có cơ cấu hợp lý, tinh giản số lượng và nâng cao chất lượng; thực hiện nghiêm việc lựa chọn, bầu cử có số dư; ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày Chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện; xây dựng chỉ tiêu cơ cấu phù hợp; quy định trách nhiệm của lãnh đạo và cấp ủy viên các cấp trong giới thiệu người có đức, có tài. Người đứng đầu có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử người thay thế mình. Có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ. Đảng đưa ra chủ trương trên sẽ tác động trực tiếp và sâu sắc để bảo đảm thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã rút ra bài học: “Sự lãnh đạo của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử. Nơi nào có sự chuẩn bị chu đáo, sát sao, thống nhất; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng được phổ biến, quán triệt đầy đủ, nơi đó công tác bầu cử được chuẩn bị chu đáo, triển khai công việc kịp thời, phối hợp chặt chẽ, kết quả đạt cao”.
Kinh nghiệm này một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là yêu cầu tất yếu của một đảng cầm quyền trong các cuộc bầu cử đại biểu dân cử để chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, nhằm đạt tới mục đích cao nhất là bầu ra được những ĐBQH xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân; xứng đáng là thành viên của“cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và những đại biểu HĐND xứng đáng là thành viên của “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương”.
Trên cơ sở pháp luật về công tác bầu cử và các văn bản của Đảng, Nhà nước và thực tiễn bầu cử xin nêu một số vấn đề sau:
Một là, phải lãnh đạo việc xác định, phân loại những cơ quan, tổ chức, đơn vị cần được phân bổ người ứng cử và số lượng người được phân bổ. Đây là một việc rất khó và cũng là hạn chế tồn tại qua nhiều lần bầu cử. Nên chăng Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí cơ bản để làm căn cứ cho việc phân bổ, nhất là đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội). Để từ đó, lãnh đạo việc dự kiến, phân bổ cơ cấu, thành phần hợp lý nhất, tránh tình trạng thừa cơ cấu, thiếu thành phần hoặc thành phần không hợp lý, dẫn đến sai lệch cơ cấu.
Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng để bảo đảm được các cơ cấu cơ bản, nhất là cơ cấu nữ và cơ cấu người dân tộc thiểu số. Về cơ cấu nữ, theo Luật Bầu cử phải có ít nhất 35% số người trong danh sách ứng cử chính thức là nữ. Muốn vậy phải giới thiệu được ít nhất 40% danh sách ứng cử chính thức là nữ. Số lượng và tỷ lệ này có lẽ không khó, vấn đề là chất lượng người được giới thiệu ứng cử. Vì vậy, ngay từ đầu phải coi trọng chất lượng người được giới thiệu ứng cử. Về số lượng và tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số trong cơ quan dân cử, Luật Bầu cử quy định ít nhất là 18%.
Tuy nhiên, cần lãnh đạo, chỉ đạo một số dân tộc thiểu số nhiều khóa trước chưa có ĐBQH tìm người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng nhất trong các dân tộc thiểu số có số dân đông hơn để giới thiệu. Đối với HĐND, với tính chất địa phương nên sự phân bố dân cư, dân tộc không đồng đều. Bởi vậy, cấp ủy đảng ở từng địa phương phải lãnh đạo sát sao, bám nắm thực tế, chỉ đạo cụ thể để việc giới thiệu đạt được các tỷ lệ hợp lý, vừa bảo đảm yêu cầu chất lượng của đại biểu vừa mang tính đại diện cao giữa các dân tộc trên từng địa bàn.
Ba là, một trong những điểm đáng lưu ý nổi lên trong một số cuộc bầu cử gần đây là vấn đề giới thiệu người ứng cử ĐBQH của các cơ quan, tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương. Theo cơ cấu được phân bổ thường chỉ giới thiệu một người ứng cử. Do vậy, cần đề cao trách nhiệm của cơ quan giới thiệu người ứng cử để chọn được người thật sự tiêu biểu, suất sắc, có uy tín cao để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đưa vào danh sách hiệp thương. Đồng thời, cấp thẩm quyền khi tiến hành giới thiệu cần giới thiệu có số dư để mặt trận hiệp thương lựa chọn. Việc giới thiệu người ứng cử nhiều hơn số cơ cấu còn nhằm mục đích có đủ người đủ điều kiện ứng cử để khi có người bị loại do bất kỳ lý do nào sẽ có sẵn người thay thế, không để xảy ra tình trạng bất khả kháng hoặc tình trạng không đủ số dư khi lập danh sách ứng cử viên ở mỗi đơn vị bầu cử theo quy định.
Bốn là, việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND phải là những người thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy: Với mỗi cơ cấu được phân bổ, địa phương sẽ tiến hành các quy trình hiệp thương, giới thiệu, nhưng ở một số nơi còn có sự chênh lệch rõ về trình độ, kinh nghiệm và vị thế của người ứng cử. Sự vắng bóng của những người tự ứng cử có chất lượng làm cho quá trình vận động bầu cử chưa thực sự tạo sức cạnh tranh cao. Nhiều kỳ bầu cử, số lượng tự ứng cử ban đầu nhiều, song khi tổ chức các hội nghị hiệp thương, Hội đồng bầu cử quốc gia công bố danh sách chính thức người ứng cử thì số lượng người tự ứng cử còn lại rất ít. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII có 283 người tự ứng cử, nhưng qua các vòng hiệp thương còn lại 30 người, cuối cùng chỉ có một người trúng cử ĐBQH. Trong khi Quốc hội khóa XI, sau hiệp thương lần thứ 3 còn 13 người, kết quả bầu được 2.
Đến khóa XIII, có 4 người tự ứng cử trúng cử ĐBQH. Bầu cử ĐBQH khóa XIV, sau hiệp thương lần thứ 3 còn 13 người và chỉ có 2 người tự ứng cử trúng cử (ông Nguyễn Anh Trí ứng cử ở Hà Nội và ông Phạm Quang Dũng ứng cử ở Nam Định). Đối với người tự ứng cử trúng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: Cả nước ở cấp tỉnh có 6 người, cấp huyện có 30 người, cấp xã có 290 người. Tính cạnh tranh thấp còn thể hiện ở việc số dư người ứng cử tại mỗi đơn vị bầu cử thấp. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, cả nước có 184 đơn vị bầu cử thì có 53 đơn vị được bầu 2 đại biểu và 131 đơn vị được bầu 3 đại biểu. Với các đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu mà có 5 người ứng cử thì xác suất trúng cử sẽ cao hơn 10% so với đơn vị bầu cử được bầu 2 đại biểu mà có 4 người ứng cử. Do đó, cần tăng số dư người ứng cử trong một đơn vị bầu cử; quy định cụ thể trình tự thủ tục tự ứng cử để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự ứng cử, tranh cử. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong quá trình triển khai thực hiện ở những nhiệm kỳ tiếp theo.
Năm là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến ĐBQH hoạt động chuyên trách là cán bộ được bầu theo nhiệm kỳ. Tính chất là cơ quan “nguyên lão”, các ĐBQH là người có kiến thức, kinh nghiệm, đủ sức khỏe và tâm huyết với hoạt động dân cử thì Chính phủ cần nghiên cứu áp dụng cơ chế đặc thù đối với tuổi nghỉ hưu của cán bộ này.
Trần Văn Túy
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương