Thực hiện thành công Chiến lược kinh doanh và Đề án tái cơ cấu BIDV
Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, BIDV đã ban hành Nghị quyết số 1691/NQ-HĐQT ngày 24-7-2014 phê duyệt Phương án tái cơ cấu BIDV giai đoạn 2013-2015. Phương án tái cơ cấu đã bám sát định hướng, giải pháp của Đề án 254 và chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng Phương án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước của Thống đốc NHNN tại công văn số 185/NHNN-TTGSNH.m ngày 5-4-2013, với mục tiêu cốt lõi là “Giữ vững vị thế là một trong ba ngân hàng hàng đầu của Việt Nam về quy mô, mạng lưới; kiểm soát tốt chất lượng hoạt động, lợi nhuận tăng trưởng ổn định, cải thiện năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, vị trí chủ đạo, chủ lực trên thị trường”.
Tổng kết quá trình thực hiện có thể đánh giá BIDV đã quyết liệt, nghiêm túc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, thế và lực của BIDV đã được cải thiện và nâng tầm mạnh mẽ, giúp BIDV giữ vững là ngân hàng hàng đầu của Việt Nam, công cụ hữu hiệu để điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Có thể thấy rõ điều này qua các con số so sánh năm 2015 và 2011: Tổng tài sản gấp 1,5 lần; dư nợ cho vay khách hàng gấp 1,7 lần; huy động vốn khách hàng gấp 1,8 lần; lợi nhuận trước thuế dự kiến cả năm 2015 đạt 7.500 tỷ, ROE, ROA đạt tương ứng 0,8% và 15%. Các chỉ tiêu huy động vốn và dư nợ tín dụng của BIDV duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức bình quân 21%/năm và 18%/năm. Quan trọng hơn, vị thế thị trường của BIDV đã được gia tăng đáng kể. Tỷ trọng về tổng tài sản của BIDV trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng từ mức 9,53% (năm 2012) lên mức gần 12% (tháng 11-2015).
Về năng lực tài chính, BIDV đã chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh tháng 1-2014 và đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. BIDV đã hoàn thành việc tăng vốn theo đúng lộ trình đề ra trong 2 năm 2013-2014, góp phần nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm yêu cầu phát triển và đáp ứng các quy định của NHNN về các chỉ tiêu an toàn hoạt động. Tỷ lệ an toàn vốn CAR của BIDV luôn đạt trên 9% (năm 2013 đạt trên 10%), các chỉ tiêu an toàn thanh khoản và các tỷ lệ cân đối nguồn vốn - sử dụng vốn tuân thủ đúng quy định.
BIDV cũng nỗ lực rất lớn và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong các nội dung tái cơ cấu khác như: cấu trúc lại hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh của các công ty con, công ty liên doanh, liên kết; cơ cấu lại danh mục đầu tư tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cấu trúc mạng lưới hoạt động, tiếp tục mở rộng mạng lưới và gia tăng hiệu quả kinh doanh của các hiện diện thương mại tại Nga, Séc, Lào, Căm-pu-chia, Mi-an-ma; tăng cường quản lý chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động; tái cơ cấu, củng cố mô hình tổ chức kinh doanh; đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng; hiện đại hóa, nâng cao năng lực của công nghệ thông tin...
Đặc biệt, BIDV đã tham gia chủ động, trách nhiệm và hiệu quả trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam giai đoạn 2011-2015. Cuối năm 2011, trước tình trạng 3 ngân hàng TMCP Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn và một số ngân hàng cổ phần hoạt động yếu kém, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, với cách làm sáng tạo, chắc chắn của mình, BIDV đã hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua các thỏa thuận hợp tác song phương. Riêng 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn, trên cơ sở thỏa thuận 4 bên dưới sự chỉ đạo và giám sát của NHNN, BIDV đã trực tiếp giám sát toàn bộ các hoạt động quản trị, điều hành, nguồn vốn, tín dụng, tài trợ thương mại, thanh toán… đồng thời phối hợp xây dựng đề án hợp nhất 3 ngân hàng, xây dựng và triển khai chương trình tái cơ cấu hoạt động đối với ngân hàng sau hợp nhất. Đến nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn sau hợp nhất đã hoạt động ổn định, có hiệu quả. Đặc biệt, vào tháng 5-2015, chỉ trong 55 ngày, BIDV đã hoàn thành việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long với cách làm sáng tạo, quyết liệt - thương vụ sáp nhập thành công đầu tiên của chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2, được Chính phủ, NHNN và thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao, được diễn đàn M&A Việt Nam năm 2015 bình chọn là thương vụ M&A tiêu biểu của năm.
Đi đầu trong thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với xúc tiến kêu gọi đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế vùng, miền, địa phương
Trong nhiệm kỳ, BIDV luôn nghiêm chỉnh chấp hành và thực thi một cách tích cực, chủ động, hiệu quả các chính sách tiền tệ của NHNN, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô: Luôn tiên phong và là thành viên có trách nhiệm của thị trường mở, thị trường liên ngân hàng; hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng yếu kém, mua bán can thiệp thị trường ngoại hối; ổn định thị trường vàng; chủ động điều chỉnh và ổn định lãi suất khi thị trường có dấu hiệu bất ổn... Đặc biệt, BIDV cũng là đơn vị tiên phong khởi xướng, đề xuất các chương trình tín dụng đặc thù góp phần đẩy nhanh tốc độ thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ và NHNN: (1) Chương trình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại thu nhập thấp; chương trình cho vay đánh bắt hải sản xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ; chương trình phát triển hạ tầng giao thông. (2) Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hạ lãi suất, miễn giảm lãi; cơ cấu nợ, tìm kiếm thị trường, đối tác liên doanh, liên kết cho các doanh nghiệp; (3) BIDV khởi xướng và phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, NHNN, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ và các tỉnh triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, liên kết kinh tế vùng để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của từng địa phương và khu vực…
Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và đầu tư ra nước ngoài
Với vai trò là một định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, là công cụ của Đảng, Chính phủ, NHNN, BIDV đã chủ động đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và kinh doanh tại thị trường nước ngoài theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. BIDV hiện là ngân hàng hàng đầu của Việt Nam trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, gồm các nước láng giềng và các nước có cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống với quy mô lớn, cụ thể tại thị trường Lào: Năm 1999, thực hiện chủ trương của Chính phủ Việt Nam và Lào, BIDV đã thành lập Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt (LVB). Đến nay, LVB đứng thứ hai về quy mô vốn điều lệ và thứ ba về quy mô dư nợ trong số 32 tổ chức tín dụng tại Lào và trở thành biểu tượng trong quan hệ kinh tế Việt - Lào. Năm 2008, thông qua Tổng Công ty CP Bảo hiểm BIDV (BIC), BIDV đã thành lập Công ty liên doanh bảo hiểm Lào - Việt (LVI). Đến nay, LVI đứng thứ hai về thị phần doanh thu bảo hiểm, đứng đầu thị trường về mạng lưới và là thương hiệu bảo hiểm ưa chuộng nhất tại Lào.
Tại Căm-pu-chia, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2009 BIDV đã xúc tiến nghiên cứu thị trường và triển khai thành lập các hiện diện thương mại với sự ra đời của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Căm-pu-chia (IDCC), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Căm-pu-chia (BIDC), Công ty Liên doanh Bảo hiểm Căm-pu-chia -Việt Nam (CVI) và Công ty Chứng khoán Căm-pu-chia Việt Nam. Đến nay, các hiện diện thương mại của BIDV tại Căm-pu-chia đã thực hiện tốt các sứ mệnh, mục tiêu, nhiệm vụ được giao và thu được những kết quả tích cực tại thị trường này.
Tại Mi-an-ma, thực hiện Tuyên bố chung của Thủ tướng Chính phủ hai nước về 12 lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư, trong đó có lĩnh vực tài chính, ngân hàng, năm 2010 BIDV đã thành lập Văn phòng đại diện tại Yangon để nghiên cứu, tìm hiểu thị trường. BIDV đang thực hiện các thủ tục cần thiết để thành lập chi nhánh ngân hàng và công ty tài chính vi mô tại Mi-an-ma.
Tại Cộng hòa Séc, theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam tại nước ngoài, năm 2011 BIDV đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan thành lập Công ty Cổ phần tài chính IDCC Châu Âu (IDCE), có trụ sở tại thủ đô Pra-ha của Séc để cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng đáp ứng nhu cầu lớn của cộng đồng kiều bào tại đây. Đến nay, công ty đã thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và sứ mệnh được giao.
Tại Liên bang Nga, thực hiện chủ trương của Chính phủ hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, song phương giữa hai nước, BIDV đã tăng cường triển khai quan hệ hợp tác đối với các định chế tài chính Nga (thiết lập quan hệ đại lý với 32 ngân hàng thương mại Nga). Các hoạt động trên góp phần củng cố tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, là cầu nối doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy quan hệ giao thương giữa hai nước.
Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Căm-pu-chia, Lào, Mi-an-ma (AVIC, AVIL, AVIM), BIDV đã tập hợp gắn kết các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước sở tại. Vì vậy, BIDV đã được các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và các nước đánh giá cao về tính hiệu quả, thiết thực và quyết liệt trong triển khai thực hiện.
BIDV cũng tích cực phát triển hoạt động kinh doanh đối ngoại. Hiện BIDV có được hệ thống quan hệ đối ngoại rộng lớn hàng đầu Việt Nam, có mối quan hệ mật thiết với các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính song phương, đa phương (như WB, ADB, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản...) và quan hệ đại lý với trên 1.700 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng tại 122 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt BIDV là một trong số NHTM chính làm đại lý giải ngân, quản lý vốn ODA và tài chính nông thôn của WB, ADB.... BIDV cũng chú trọng xây dựng hình ảnh đối tác quan trọng, tin cậy và uy tín hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam với hàng loạt các liên doanh, trong đó điển hình là Liên doanh bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife (2014).
Tích cực, chủ động trong nghiên cứu, tham mưu có chất lượng cho Chính phủ và NHNN, khẳng định uy tín của BIDV
Xuất phát từ nhu cầu nghiên cứu về ngành nghề, môi trường kinh doanh trong hoạt động thực tiễn, các phòng, ban của BIDV đều có những cán bộ nghiên cứu về các lĩnh vực chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ. Năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu BIDV được thành lập để hỗ trợ thiết lập và thực thi các chính sách, giải pháp điều hành hệ thống một cách chủ động, thống nhất, đồng thời tích cực tham gia tư vấn chính sách kinh tế, tiền tệ với Chính phủ, các bộ, ngành trong và ngoài nước… Hằng năm, Trung tâm Nghiên cứu BIDV thực hiện hàng trăm báo cáo định kỳ và chuyên đề với tinh thần nhanh chóng, kịp thời, đi sâu vào các định hướng về kinh tế, đối ngoại, chiến lược phát triển của địa phương, tập trung vào những vấn đề nóng của kinh tế trong nước và quốc tế để tham mưu cho các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Những đóng góp của BIDV được nhiều định chế tài chính uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao thông qua nhiều giải thưởng như: “Ngân hàng thương mại tốt nhất Việt Nam” do Tạp chí International Banker trao tặng; “Ngân hàng cung cấp sản phẩm dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam” và “Ngân hàng cung cấp nghiên cứu về thị trường ngoại hối tốt nhất Việt Nam” do Tạp chí Asiamoney trao tặng; “Ngân hàng quản lý tiền tệ tốt nhất Việt Nam” do Tạp chí The Asian Banker trao tặng; nhiều năm liền được công nhận Thương hiệu quốc gia.
Định hướng giai đoạn tới
Phát huy vai trò, vị thế là ngân hàng có quy mô, chất lượng, hiệu quả, uy tín hàng đầu Việt Nam và là ngân hàng nòng cốt, chủ lực, góp sức ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Đảng bộ BIDV lãnh đạo đơn vị phấn đấu nằm trong Top 25 ngân hàng lớn hàng đầu Đông Nam Á, Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương và Top 300 ngân hàng lớn nhất thế giới. Trở thành Tập đoàn Tài chính Ngân hàng quốc tế hiện đại có trình độ, năng lực vận hành đồng bộ, thông suốt trong môi trường kinh tế thị trường đầy đủ, có sức cạnh tranh cao trong khu vực châu Á và trên thế giới với hai trụ cột phát triển là Ngân hàng thương mại hiện đại tập trung đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và Bảo hiểm (nhân thọ, phi nhân thọ) có quy mô hoạt động ở mức khá của khu vực và châu Á.
TRẦN BẮC HÀ
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BIDV