Ngã Bảy vào xuân

 Để đạt được các tiêu chí...

Với 3 phường và 3 xã, nằm gần hai khu đô thị lớn là TP. Cần Thơ và Sóc Trăng, cách khu công nghiệp Nam Sông Hậu và cảng Cái Cui 15 km, thị xã Ngã Bảy có vị trí thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp; mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, trao đổi khoa học, kỹ thuật, thương mại, du lịch, đầu tư với các đô thị lớn trong vùng, là điểm giao thương thuận lợi tiêu thụ hàng nông sản. Đất đai, khí hậu thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, đặc biệt với các loại cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Ba xã Đại Thành, Tân Thành và Hiệp Lợi đều là xã văn hóa, trong đó Đại Thành là xã làm điểm NTM của tỉnh Hậu Giang. Đây là cơ sở ban đầu để ba xã sớm hoàn thành các tiêu chí so với kế hoạch đề ra.

Ngay từ những ngày đầu, để đạt được 19 tiêu chí, cùng với rà soát tình hình cụ thể ở từng xã, định hướng sát thực tế, cấp ủy, chính quyền thị xã Ngã Bảy thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM, xác định lộ trình, bước đi cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên theo dõi, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện. Mỗi giai đoạn, cấp ủy chỉ đạo sơ kết và đánh giá tình hình cụ thể, kịp thời uốn nắn, điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

Cấp ủy chỉ đạo không chỉ đề ra giải pháp mà phải thực hiện đồng bộ, lồng ghép nhiều chương trình, mục tiêu khác vào địa bàn mỗi xã để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, chẳng hạn lồng ghép chương trình giao thông, thủy lợi và trồng cây hằng năm, chương trình quốc gia về y tế, giáo dục, điện, môi trường… Dù giải pháp, tiêu chí nào cũng phải xác định trọng tâm hướng tới là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Do đó, trong quá trình triển khai, các cấp ủy luôn coi trọng chỉ đạo thực hiện tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất mới, có hiệu quả kinh tế cao xuất hiện và nhân rộng. Với thế mạnh về nông nghiệp, Ngã Bảy đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững trên cơ sở tập trung vào những sản phẩm tiềm năng, lợi thế; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các hộ nông dân với nhau và liên kết 4 “nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và nhà doanh nghiệp), nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Trong đó, đầu tư có trọng điểm được coi là mấu chốt giảm dần khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn.

Với sự chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã, nông dân được tập huấn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng như quy trình “3 giảm” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm), “3 tăng” (tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế), chú trọng quản lý dịch hại. Từ đó, hầu hết diện tích lúa ít nhiễm sâu bệnh. Việc cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch giảm công lao động và áp lực nhân công mỗi khi vào vụ sản xuất đại trà, tiết kiệm chi phí, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn. Ngã Bảy tập trung ưu tiên, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh cây trái, hoa màu. Với xã Đại Thành và Tân Thành, do điều kiện thổ nhưỡng thích hợp với cây cam sành, thị xã đã tập trung khép kín đê bao chủ động nguồn nước, tập huấn kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch bệnh. Đồng thời, cơ quan chức năng của thị xã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa Cam sành Ngã Bảy được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ chứng nhận. Tết này, Cam sành Ngã Bảy có mặt không chỉ ở nhiều mâm ngũ quả trong tỉnh mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Nếu Đại Thành, Tân Thành đi lên từ cây cam sành, thì Hiệp Lợi giàu lên từ mô hình cánh đồng mẫu cây lúa và mô hình chăn nuôi gà, trăn. Ngã Bảy đã vận dụng thực hiện các chính sách từ Đề án 1.000 của ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp chuyển sang những cây trồng có giá trị. Đến nay, Ngã Bảy đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chỉ đạo xây dựng mô hình điểm và nhân rộng. Xây dựng NTM, Ngã Bảy xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, trong đó nhiều mô hình của đảng viên. Riêng xã Đại Thành có 18 hộ thu nhập 1 tỉ đồng trở lên; 110 hộ thu nhập từ 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng và 450 hộ thu nhập từ 100 đến dưới 500 triệu đồng. Xã Tân Thành đã có Câu lạc bộ thu nhập trên 1 tỉ đồng với 52 thành viên. Xã Hiệp Lợi có 9 trang trại chăn nuôi với doanh thu 3 tỉ đồng/năm. Xã Tân Thành quan tâm phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong lĩnh vực nông nghiệp, xã tăng cường nạo vét các tuyến kênh thủy lợi nội đồng bảo đảm đủ nước tưới tiêu cho sản xuất. Tính đến nay, xã đã nạo vét 18 tuyến đê bao chống lũ với tổng chiều dài hơn 32 nghìn mét, khép kín bảo vệ và chủ động tưới tiêu cho trên 1.300ha đất sản xuất, nâng cấp sửa chữa 20 cống, đập, nâng tổng số cống, đập được kiên cố lên 44/54 cống, đập trên toàn xã. Xã khuyến khích nông dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt cao hơn 90% dân số, hộ nghèo chỉ còn hơn 2%. Các công trình phúc lợi được xây dựng khang trang, kiên cố với đầy đủ phương tiện bảo đảm phục vụ nhân dân.

5 năm qua, Ngã Bảy đã đầu tư hơn 847 tỷ đồng để xây dựng 3 xã NTM, nâng cấp, sửa chữa 223km đường và 154 cầu giao thông nối liền 100% ấp, xe 2 bánh đi lại dễ dàng và xe 4 bánh về đến trung tâm xã. Xây dựng tuyến dân cư vượt lũ Cái Côn, góp phần ổn định đời sống cho 1.100 hộ dân trong vùng ngập lũ và sạt lở. Ngoài nâng cấp 3 trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng tại trung tâm các xã, thị xã đã xây dựng 21 nhà văn hóa và 6 khu thể thao liên ấp để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tập luyện thể dục, thể thao của người dân. Ngã Bảy đã xây dựng 1.188 căn nhà tình nghĩa, tình thương với kinh phí huy động hơn 49,1 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 26.416 lao động, xây dựng mới một bệnh viện đa khoa cấp khu vực quy mô 260 giường, 6 trạm y tế, 19/25 trường đạt chuẩn quốc gia. Thị xã Ngã Bảy được công nhận là đô thị loại ba trực thuộc tỉnh. Trong tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng 3 xã NTM của Ngã Bảy, chỉ có 33% nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, còn lại là nguồn vốn của dân, doanh nghiệp và vốn tín dụng, với tổng số trên 565 tỷ đồng. Có tới 1.650 hộ dân, trong đó nhiều hộ đảng viên đóng góp 278.000m2 đất để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học.

Là một trong 10 huyện NTM của cả nước, thị xã Ngã Bảy đạt mức tăng trưởng cao với tốc độ bình quân hằng năm 15,84%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7,87 triệu đồng (năm 2005) lên 45,15 triệu đồng (năm 2015), đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. 99% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 99,3% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã giảm từ 24% (năm 2005) xuống còn 2,64% (năm 2014). Riêng tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3 xã chiếm 3,57%/năm, trong đó có 5/21 ấp không còn hộ nghèo.

... Và giữ vững, phát triển

Đạt được các tiêu chí đã khó, giữ vững, duy trì còn khó hơn. Không bằng lòng với những thành quả đạt được, từ năm 2013 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Đại Thành tiếp tục củng cố, nâng chất các tiêu chí, quyết tâm giữ vững danh hiệu NTM.

Tiêu chí hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh là một trong những tiêu chí then chốt. Giữ được bền vững tiêu chí này sẽ giữ được tất cả các tiêu chí khác bởi nó gắn chặt với chất lượng cán bộ - cái gốc của mọi công việc. Tiêu chí không chỉ khó đạt khi bắt tay vào xây dựng NTM mà còn khó nâng chất bởi nhiều cán bộ xã không đủ chuẩn. Qua gần 5 năm, cấp ủy, chính quyền Ngã Bảy đã cử đi đào tạo đại học chuyên môn 13 đồng chí, cao cấp lý luận chính trị tập trung 2, trung cấp lý luận chính trị - hành chính 24 đồng chí theo đúng chức danh quy hoạch. Đặc biệt, Đảng ủy, UBND các xã cũng tạo mọi điều kiện để cán bộ, công chức tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhờ đó 67/67 cán bộ, công chức xã của Ngã Bảy đều đạt chuẩn theo quy định. Đào tạo được 303 cán bộ trình độ đại học, thạc sỹ. Ngã Bảy thường xuyên củng cố xây dựng Đảng bộ, chính quyền, tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên thực hiện có nền nếp việc học và làm theo Bác, cũng như thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU ngày 29-8-2011 của Tỉnh ủy về việc chấn chỉnh đạo đức, tác phong và lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên; Chỉ thị 09-CT/UBND ngày 8-11-2013 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc tiếp tục chấn chỉnh đạo đức, tác phong và lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, Ngã Bảy thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”; khéo về giao tiếp và nhanh nhạy về xử lý tình huống. Chính vì thế, các tổ chức trong hệ thống chính trị của Ngã Bảy luôn vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.

Một trong những tiêu chí được lãnh đạo xã Đại Thành quan tâm là nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi, đây là tiêu chí bị “dao động” hằng năm. Tiêu chí thu nhập bền vững sẽ kéo theo nhiều tiêu chí khác, chẳng hạn tiêu chí về hộ nghèo, nhà ở, an ninh, trật tự xã hội… Đại Thành hiện có gần 1.600ha cam sành, chiếm hơn 70% diện tích đất sản xuất nơi đây. Để giúp người dân an tâm canh tác, bảo đảm nguồn thu nhập, UBND xã Đại Thành phối hợp với các ngành chức năng của thị xã và tỉnh mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ dịch bệnh. Đồng thời, vận động người dân đốn bỏ những vườn cam đã bị nhiễm bệnh trên 70% để tránh lây lan, tạo điều kiện cho bà con chuyển sang trồng chanh, ổi, mãng cầu, bưởi... Thu nhập bình quân không ngừng tăng, hiện đạt 27 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo còn 89 hộ (3,2%), giảm 30 hộ so với thời điểm công nhận xã NTM.

Tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó duy trì của Ngã Bảy, bởi phong tục, tập quán sinh sống lâu đời của người dân vùng sông nước. Vì thế cấp ủy, chính quyền địa phương luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường, xem đây là nhiệm vụ quan trọng và tăng cường quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, gắn trách nhiệm đến từng TCCSĐ và đảng viên trong thực hiện. Với mục tiêu góp phần làm cho môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, Ngã Bảy vận động nhân dân trồng cây xanh, đặc biệt sôi động mỗi dịp Tết trồng cây, hoa theo các tuyến giao thông nông thôn. Các hộ gia đình đảng viên luôn ở tuyến đầu thực hiện. Hệ thống mặt trận các cấp đã phát động nhiều phong trào, thành lập được các mô hình, thu hút đông đảo người dân tham gia, tác động lớn đến đời sống dân sinh như: “Con đường đẹp”, “Dòng sông sạch”, “Câu lạc bộ tình nguyện vá đường”…

Mùa xuân đến rồi đi. Nhưng 19 tiêu chí NTM không chỉ phải bền vững từ mùa xuân này sang mùa xuân khác mà còn phải luôn nâng chất, dồi dào sức xuân, bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về vật chất, tinh thần.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất