Các cấp ủy đảng tỉnh Sóc Trăng lãnh đạo thực hiện giảm nghèo vùng đồng bào Khmer
Chăn nuôi bò sữa giúp nhiều đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo.
Kết quả bước đầu

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung cũng như vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống nói riêng, các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp đã quán triệt, tuyên truyền và thực hiện những chủ trương, chính sách quan trọng về xóa đói, giảm nghèo đối với người dân. Từ những chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh Sóc Trăng đã cụ thể hóa thành các đề án, nghị quyết, chương trình hành động để thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở vùng có đông đồng bào Khmer. Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 5-4-2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer; các chính sách hỗ trợ về nước sạch, học phí đối với con em người Khmer, giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Đồng thời, các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã trong tỉnh tích cực hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, đẩy mạnh việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân nghèo.

Tỉnh đã vận động để có quỹ đất sản xuất cấp cho 110 hộ người Khmer không có hoặc thiếu đất sản xuất. Thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ Khmer nghèo, tỉnh cũng đã bàn giao được gần 30.000 căn nhà cho các hộ nghèo người Khmer. Với các xã có đông đồng bào Khmer thuộc diện khó khăn, đặc biệt khó khăn, mỗi năm đều được quan tâm đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ việc làm, sản xuất (Chương trình 135 giai đoạn II đã đầu tư tổng số vốn là 348,726 tỷ đồng cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng, trợ giúp pháp lý…). Hoạt động chăm sóc sức khỏe, y tế cộng đồng ở vùng có đông đồng bào Khmer cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong năm 2015, tỉnh đã bố trí ngân sách 339,137 tỷ đồng để mua bảo hiểm y tế cấp cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, cựu chiến binh, các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ phẫu thuật tim cho 34 trẻ em nghèo; phẫu thuật nụ cười cho 25 trẻ bị sứt môi/hở hàm ếch. Công tác phòng chống bệnh dịch và chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo được chú trọng. Sóc Trăng đang tiến hành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có sự lồng ghép với các chương trình về giảm nghèo bền vững.

Từ những nỗ lực đó, tỷ lệ hộ nghèo người Khmer giảm đáng kể so với trước đây, hiện tại còn khoảng 24.9%, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 2.500 hộ Khmer thoát nghèo. Đời sống của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được cải thiện nhanh chóng cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn những hạn chế như: Mặc dù Chính phủ và địa phương đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhưng do ngân sách còn hạn chế nên vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Nguồn kinh phí đầu tư cho đồng bào người Khmer còn phân tán trong nhiều chương trình khiến hiệu quả đạt được chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Các cấp chính quyền ở địa phương chưa phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chưa được thực hiện thường xuyên; trong khi một số hộ nghèo chưa có ý thức tốt trong việc tự vươn lên thoát nghèo…

Một số kinh nghiệm

Một là, các cấp ủy đảng phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và triển khai thực hiện tốt chính sách về củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, chú trọng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng vùng có đông đồng bào Khmer. Quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp cơ sở là người Khmer cũng như đội ngũ công chức trẻ tình nguyện về công tác ở vùng đồng bào dân tộc. Các cấp chính quyền địa phương thường xuyên chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Hai là, có những hình thức, biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề tái nghèo. Khuyến khích nông dân làm giàu, hạn chế tình trạng phân hoá giàu nghèo trong đồng bào người Khmer. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ có điều kiện với cơ chế ưu đãi, từng bước thay thế các chính sách hỗ trợ mang tính vật chất trực tiếp. Từng địa phương bổ sung, cụ thể hóa và có cách làm sáng tạo để thực hiện tốt những chính sách, đề án về giảm nghèo trong đồng bào Khmer. Công khai hóa các chương trình, dự án, vốn đầu tư để đồng bào biết và tham gia giám sát quá trình tổ chức thực hiện.

Ba là, phát huy tối đa các nguồn lực, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác giảm nghèo. Phát huy truyền thống đoàn kết của các dân tộc thiểu số trong sản xuất. Phát huy nhiều hơn nữa vai trò của những người có uy tín, những chức sắc tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc, vùng có đạo. Cần có cơ chế thu hút các cá nhân, doanh nghiệp tham gia công tác giảm nghèo. Các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, có biện pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần có cơ chế quy hoạch, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa Khmer gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường.

Bốn là, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào người Khmer nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo phải được tuyên truyền, vận động cụ thể đến từng người dân, từng phum, sóc. Các cấp chính quyền địa phương chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá các chương trình, chính sách giảm nghèo được tổ chức thực hiện ở địa phương để rút kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời. Đồng thời, có biện pháp và cách thức phù hợp để nhân rộng những mô hình mới, có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc.

Thời gian qua, giảm nghèo được xác định là một trong bốn nhiệm vụ cơ bản của tỉnh Sóc Trăng và được thực hiện đạt chuyển biến tốt. Qua đây đã củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer, góp phần xây dựng tỉnh Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất