Lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới của Thủ đô
Mô hình trồng hoa Ly tại huyện Đan Phượng cho giá trị kinh tế cao.

Chủ trương đúng

Khi bắt tay vào xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền huyện xác định xây dựng hạ tầng nông thôn là tiền để cho phát triển kinh tế - xã hội. Là huyện có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, có các làng nghề phát triển, Đan Phượng đã phát huy lợi thế, tập trung huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, nông dân để chung sức xây dựng NTM. Đồng chí Nguyễn Tất Thắng - Bí thư Huyện ủy cho biết: Với quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp, vận động, tuyên truyền, kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp xây dựng quê hương nên chỉ trong một thời gian ngắn, huyện đã huy động sự đóng góp của doanh nghiệp được trên 37 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn lớn mà doanh nghiệp đã ủng hộ chính quyền để đầu tư cơ sở, hạ tầng cho xây dựng NTM.

Nhờ vào sự chung tay đóng góp của doanh nghiệp, nhân dân, sau hơn 4 năm xây dựng NTM, toàn huyện đã xây dựng được 22 km đường trục thôn, 19 km rãnh thoát nước theo đường; 136,7 km đường ngõ, xóm; 80,6 km đường trục chính nội đồng với tổng vốn đầu tư 317,4 tỷ đồng; tiết kiệm được 234,5 tỷ đồng so với dự toán ban đầu; nhân dân đóng góp hơn 4 nghìn ngày công, hiến hơn 2,5 nghìn m2 đất thổ cư và 18,5 m2 đất nông nghiệp; có 31 doanh nghiệp ủng hộ nhân công, máy hơn 25 triệu đồng, doanh nghiệp ủng hộ nhiều nhất là 2,1 tỷ đồng. Trong 4 năm huyện đã xây dựng được 5,6 km kênh mương. Đã xây dựng thêm được 11 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 35/48 trường, trong đó 100% trường tiểu học các xã đạt chuẩn quốc gia. 15 xã có 15 sân thể thao xã (tăng 7 sân so với năm 2010), 15 nhà văn hóa xã (năm 2010 chưa có xã nào có nhà văn hóa xã), 93 nhà văn hóa thôn, nhà hội họp cụm dân cư (tăng 32 nhà so với năm 2010)...

Đồng chí Nguyễn Đình Đà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho biết: Đảng bộ, chính quyền xã Hồng Hà coi xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Các ban ngành, đoàn thể, bộ phận liên quan phối hợp chặt chẽ để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Đảng ủy, HĐND đã ban hành 15 văn bản để chỉ đạo. Trong xây dựng NTM phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy định của Trung ương, thành phố, huyện trong phân cấp, trong huy động nguồn lực công khai dân chủ để người dân được làm và quyết định đầu tư. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có năng lực, dám nghĩ, dám  làm, dám chịu  trách nhiệm, gương mẫu, có uy tín với dân. Vì vậy, thông qua công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân thực sự hiểu được mục đích, ý nghĩa và nội dung của chương trình xây dựng NTM từ đó nhân dân tự nguyện hiến gần 200 m2 đất, đóng góp 59.162 này công lao động, ủng hộ gần 1 tỷ đồng, doanh nghiệp ủng hộ 20.000 viên gạch để thực hiện chương trình xây dựng NTM, nên chỉ trong một thời gian ngắn xã đạt chuẩn NTM.

Đột phá từ tiêu chí môi trường

Môi trường là tiêu chí số 17 trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM, tưởng chừng rất đơn giản, nhưng đây cũng là một trong những tiêu khó thực hiện nhất ở các địa phương. Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo và có sự chung tay của người dân, nên Đan Phượng lại hoàn thành tiêu chí này trong thời gian sớm nhất. Quan điểm của huyện, môi trường sạch, sẽ tạo ra sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, trong đó rác thải được coi là vấn đề mấu chốt trong thực hiện tiêu chí này. Để làm tốt công tác này, huyện đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và bảo vệ môi trường tới các tầng lớp nhân dân. Các mô hình bảo vệ môi trường cũng được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân địa phương. Tiêu biểu cho cách làm đó là dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý và chế biến rác tại xã Phương Đình được triển khai xây dựng quy mô lớn, với hạ tầng kỹ thuật, cây xanh đồng bộ khang trang trong sự phấn khởi của nhân dân. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 4,7 ha, với tổng mức đầu tư gần 251 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang (trong đó huyện đóng góp 50 tỷ đồng). Dự án có công suất giai đoạn 1 đạt 300 tấn/ngày đêm, đảm nhiệm xử lý toàn bộ chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đan Phượng, khu vực lân cận (Hoài Đức, Quốc Oai) và rác thải công nghiệp không nguy hại các làng nghề, khu công nghiệp... trên địa bàn thành phố. Đồng chí Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng chia sẻ: việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng NTM của huyện, không chỉ xử lý ô nhiễm môi trường cho các làng nghề mà còn góp phần cải thiện công tác vệ sinh đô thị Hà Nội.

Đối với các khu dân cư, vấn đề quan trọng là thu gom rác thải và cải tạo ao, hồ, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Vì vậy, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện tiêu chí này. Đến Đan Phượng hôm nay, ở bất kỳ xã nào huyện cũng quy hoạch một khu công viên nhỏ để trồng cây xanh, tạo điều kiện cho người dân ra vui chơi, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần. Theo đồng chí Nguyễn Tất Thắng, việc này không chỉ tạo cảnh quan môi trường đẹp mà còn nâng cao ý thức của  người dân trong bảo vệ môi trường xung quang xã. Theo lời giới thiệu của lãnh đạo huyện, chúng tôi tới xã Thọ Xuân, ngay từ cổng làng đến cuối thôn, đường làng ngõ xóm sạch, đẹp, ao làng được kè cẩn thận và trồng cây xanh, tạo ra một bầu không khí thoáng mát. Bí thư Đảng ủy xã Thọ Xuân - Lê Tiến Điền tâm sự: Thọ Xuân là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Đan Phượng, nhưng khi thực hiện xây dựng NTM, ngoài việc huy động nguồn vốn cho xây dựng NTM, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập, xã đã tích cực vận động nhân dân thu gom rác thải, giao cho các thôn, xóm tự quản khu vực mình, chỉnh trang đường làng ngõ xóm. Các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã phải cam kết thực hiện sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; ao môi trường được quy hoạch và đang từng  bước đầu tư cải tạo và xây dựng. Rác thải sinh hoạt được Công ty môi trường Thành Công đảm nhận thu gom bảo đảm vệ sinh, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 100% hệ thống tiêu thoát nước thông thoáng, không có nước thải, rác thải ứ đọng lâu trong khu dân cư.

Phấn đấu giữ vững danh hiệu

Với cách làm sáng tạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngày 23-10-2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã ký Quyết định số 1810/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Đan Phượng đạt chuẩn huyện NTM. Theo đồng chí bí thư huyện ủy, để có thành công như hiện nay, huyện đã chủ động nắm vững đường lối, chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Thành phố về xây dựng NTM. Từ đó để đề ra chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế họach đúng đắn đi đôi với các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm của huyện. Mỗi cán bộ, đảng viên đều được quán triệt quan điểm lấy dân là gốc, dựa vào dân, lấy sức dân để tham gia xây dựng NTM với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhờ vậy cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận cao trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, huyện ủy cũng phát huy vai trò, trách nhiệm của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng NTM.

Huyện sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt trong đó ưu tiên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, thu hút các doanh nghiệp về địa phương nhằm phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người lao động. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” xây dựng làng văn hóa, môi trường sống bảo đảm chất lượng sống và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong nhân dân. Thực hiện tốt kế hoạch sử dụng đất, đề nghị cấp trên làm thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM. Phát huy tốt việc thực hiện pháp lệnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn liền với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” nhằm phát huy quyền làm chủ và sức sáng tạo của nhân dân… xây dựng huyện Đan Phượng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất