Cao Lộc là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lạng Sơn, huyện có 23 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã và 1 thị trấn giáp biên giới Việt - Trung, 7 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Dân số của huyện có trên 93% là người dân tộc thiểu số, trên 80% cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, lâm nghiệp. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt từ 7,5 - 8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2010 khá cao 27,8%. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/HU, ngày 19-12-2011 của về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2015 kinh tế của huyện đã có nhiều khởi sắc.
Chủ trương đúng và trúng
BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/HU, ngày 19-12-2011 của về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2015 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 30 -NQ/HU).
Sau khi Nghị quyết số 30-NQ/HU được ban hành cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, sinh hoạt chi bộ, hoạt động chuyên môn, qua hệ thống thông tin đại chúng... Hằng năm, BCH Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo gắn với việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát. UBND huyện ban hành Quyết định số 1939/QĐ-UBND, ngày 27-9-2012 về phê duyệt đề án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Cao Lộc giai đoạn 2011-2015. Chỉ đạo các cấp, phòng ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch, các văn bản để cụ thể hóa các mục tiêu nghị quyết và lồng ghép vào nhiệm vụ công tác hằng năm để tổ chức triển khai thực hiện. Qua đó, tạo được đồng thuận, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn có bước phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo đúng hướng sản xuất hàng hóa gắn với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp vào nông thôn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện hằng năm đạt 10,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 18,9%. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đạt 28.046,4 tấn, bình quân lương thực đầu người năm đạt 360kg đã bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt trên 739 tỷ đồng, hằng năm tăng trung bình 3,1%. Kinh tế đồi rừng được các cấp, ngành và người dân quan tâm đầu tư phát triển, hiệu quả kinh tế đồi rừng được nâng cao, độ che phủ rừng đạt 55,5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm từ 3,5% trở lên, đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ còn 6,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng, khu vực nông thôn đạt khoảng 15 triệu đồng.
Phát hiện và nhân rộng những nhân tố mới, kinh nghiệm hay, việc làm sáng tạo
Giai đoạn 2011-2015, phong trào thi đua trong lĩnh vực kinh tế của huyện tiếp tục được đẩy mạnh, việc tổ chức thực hiện đi vào chiều sâu, năm sau cao hơn năm trước, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của nghị quyết đề ra. Các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc hưởng ứng thi đua phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có những cách làm hay, những mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Điển hình là hộ gia đình ông Giang Văn Lùng tại khối 1, thị trấn Cao Lộc với mô hình trang trại chăn nuôi lợn giống, diện tích trang trại là 2,8ha tạo công ăn việc làm cho 22 lao động, thu nhập 350 triệu đồng/năm. Gia đình ông Hoàng Quốc Phung, thôn bản Vàng, xã Cao Lâu với mô hình VAC hiệu quả; hộ ông Mông Sỹ Chao xã Hợp Thành với mô hình VACR hiệu quả, cho thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm; gia đình ông Hứa Phụ Bình thôn Nà Thâm, xã Cao Lâu với mô hình đồi rừng cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm; gia đình ông Nông Văn Xuân thôn Nà Thâm, xã Cao Lâu với mô hình đồi rừng cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm; gia đình ông Hoàng Văn Nghé thôn Nà Thâm, xã Cao Lâu với mô hình đồi rừng cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm; gia đình ông Triệu Ngọc Pảo thôn Nà Va, xã Cao Lâu với mô hình đồi rừng cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình có thu nhập cao từ phát triển kinh tế gia đình, thu nhập từ kinh tế đồi rừng.
Bài học kinh nghiệm
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Trong tổ chức thực hiện phải cụ thể hóa nghị quyết thành các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai, tổ chức thực hiện và lồng ghép trong nhiệm vụ công tác hằng năm của mỗi cơ quan, đơn vị, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng vào các chính sách của Nhà nước, nhất là lĩnh vực phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.
Ba là, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng tập trung hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương gắn nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Quan tâm phát hiện các mô hình có hiệu quả để nhân rộng.
Bốn là, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn gắn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và các cây trồng đặc sản địa phương, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nguyễn Thị Tú Anh
Trường Chính trị tỉnh Lạng Sơn