Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác xây dựng đảng và các đoàn thể trong khu công nghiệp, từ khi hoạt động đến nay, Đảng bộ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội luôn chú trọng đến công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên ở Đảng bộ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội gặp nhiều khó khăn: Chủ doanh nghiệp hầu như không tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên. Trong tổng số 68 tổ chức cơ sở đảng chỉ có 2 tổ chức đảng được chủ doanh nghiệp cho phép sinh hoạt chi bộ trong giờ hành chính. Đảng viên đi học nghị quyết, chỉ thị của Đảng thường phải đi vào thứ bảy, chủ nhật. Địa điểm các khu công nghiệp nằm rải rác trên trục đường khoảng 30km từ trụ sở khu công nghiệp đến các doanh nghiêp, bởi vậy việc tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt các văn bản của cấp trên cần phải tính toán hợp lý để giảm chi phí đi lại cho cán bộ, công nhân viên. Với hơn 150.000 người lao động trong độ tuổi thanh niên, sống tập trung tại các doanh nghiệp, đây là lực lượng dễ bị các lực lượng xấu kích động…
Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Đảng bộ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sát với tình hình thực tế, nên việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên ở Đảng bộ thời gian qua đã đạt được một số kết quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng.
Giải pháp và kết quả
Khi Ban Thường vụ Thành uỷ đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012 về “Tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020”, Đảng bộ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt, triển khai Nghị quyết 09 đến các tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức công đoàn và người lao động trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp. Đảng ủy đã chỉ đạo các cấp uỷ trực thuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của tổ chức đảng, lựa chọn cán bộ đủ năng lực, bản lĩnh, uy tín tham gia cấp uỷ lãnh đạo doanh nghiệp. Đảng ủy xác định, một trong những giải pháp tiên quyết là phải thông qua hoạt động của tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên để chủ doanh nghiệp thấy được lợi ích hài hòa giữa hai bên, sự đóng góp của các tổ chức đảng, đoàn thể trong việc vận động người lao động chấp hành tốt quy định của doanh nghiệp. Đối với các đồng chí trong cấp ủy, ban chấp hành công đoàn, ban chấp hành đoàn thanh niên phải có trình độ mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đảng ủy đã tổ chức mở lớp 1 cử nhân chính trị, 1 lớp trung cấp lý luận chính trị cho các đồng chí trong cấp ủy; tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Đề tài khoa học nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong các khu công nghiệp. Hằng năm, Đảng ủy đã tổ chức phát hơn 40.000 tờ rơi, áp phích, thông qua báo Lao động thủ đô, Phụ nữ thủ đô, xây dựng các phòng đọc ở thư viện với tài liệu về việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên. Hằng tháng, Đảng ủy định hướng nội dung sinh hoạt chi bộ qua cuốn thông tin nội bộ, các cuộc họp, hội nghị…
Để nắm rõ tình hình hoạt động của tổ chức đảng và đoàn thể, Đảng ủy các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành khảo sát tình hình tổ chức đảng, đảng viên, đoàn viên và công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, tích cực vận động, tuyên truyền, thuyết phục các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa có tổ chức đảng và đoàn thể nhân dân thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Trên cơ sở kết quả khảo sát, Đảng ủy đã thống kê, phân loại doanh nghiệp có đủ 3 đảng viên chính thức trở lên, sản xuất, kinh doanh ổn định, trực tiếp đến gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp có đảng viên để tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp hiểu và tạo điều kiện thành lập tổ chức đảng. Song song với đó, cấp ủy các cấp cũng hướng dẫn thủ tục thành lập chi bộ, những nơi không đủ thì tổ chức ghép đảng viên ở các doanh nghiệp gần nhau về sinh hoạt cho đủ số lượng để thành lập chi bộ. Bên cạnh việc các tổ chức đảng cử quần chúng ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, Đảng ủy đã chỉ đạo công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tuyên truyền, vận động các công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp giới thiệu những đoàn viên ưu tú, có nguyện vọng vào Đảng để bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện nhằm tạo nguồn kết nạp đảng viên. Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, đảng viên mà có quần chúng được cấp giấy tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng do Đảng ủy tổ chức, Đảng ủy lập danh sách và phân công các chi bộ ở doanh nghiệp và chi bộ thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội trực tiếp đến doanh nghiệp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thủ tục, quy trình kết nạp đảng viên. Với việc thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, sát thực tiễn, kết quả năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Đảng ủy đã thành lập mới được 11 tổ chức đảng. Trong đó, có 5 tổ chức đảng ở doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, 5 tổ chức đảng ở doanh nghiệp trong nước, 1 tổ chức đảng là cơ quan hành chính Nhà nước. Đã mở được 6 lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 346 quần chúng ưu tú là trưởng phòng nhân sự - hành chính, chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn và công nhân lao động trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, mở 3 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 131 đảng viên mới. Kết nạp 143 đảng viên mới, nâng số lượng đảng viên toàn Đảng bộ lên 900 đảng viên.
Thực tế hoạt động cho thấy, dù tỷ lệ tổ chức đảng còn khá khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (chiếm 11,6%), số đảng viên chỉ chiếm 0,62% tổng số lao động trong các khu công nghiệp, nhưng đa số các tổ chức đảng đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị cơ sở, cùng với các tổ chức đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị của người lao động để tham gia với chủ doanh nghiệp giải quyết, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp, hạn chế những vụ tranh chấp, đình công, lãn công xảy ra trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các tổ chức đảng đã thực hiện tốt chức năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp, tạo được niềm tin của chủ doanh nghiệp đối với hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp.
Một số kinh nghiệm
Một là, cần chú trọng việc tuyên truyền, tạo sự thống nhất nhận thức cho các cấp ủy về vai trò, sự cần thiết thành lập tổ chức đảng trong các doanh nghiệp khu vực này. Đảng ủy phải quan tâm chỉ đạo, trực tiếp gặp gỡ chủ doanh nghiệp để vận động, thuyết phục, tạo sự đồng thuận.
Hai là, thường xuyên tiến hành rà soát, thống kê số lượng đảng viên trong doanh nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, thuyết phục các chủ doanh nghiệp và đảng viên hiểu, nhận thức được mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp.
Ba là, các tổ chức đảng trong doanh nghiệp phải bám sát hoạt động của các đơn vị, chủ động đề ra nội dung, phương thức hoạt động thiết thực gắn với lợi ích của doanh nghiệp. Thường xuyên hướng dẫn nội dung, trau dồi kỹ năng, phương pháp hoạt động, chăm lo cho cán bộ làm công tác đảng trong các doanh nghiệp.
Bốn là, để làm tốt công tác tạo nguồn kết nạp Đảng, chi bộ cần bám sát, chỉ đạo cụ thể tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong doanh nghiệp, thông qua các tổ chức đoàn thể này để bồi dưỡng, giúp đỡ công nhân, người lao động hiểu về Đảng và phấn đấu vào Đảng. Trước hết là ưu tiên cán bộ công đoàn, cán bộ quản lý lao động trực tiếp, gắn bó lâu năm với doanh nghiệp.
Năm là, từng bước thực hiện chủ trương nhất thể hóa các chức danh, cấp ủy và lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu. Đối với doanh nghiệp mà người đứng đầu và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mà có chủ tịch công đoàn và phụ trách nhân sự của công ty là đảng viên thì cần cơ cấu đảm nhiệm bí thư cấp ủy. Những doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước mà người đứng đầu, chủ tịch công đoàn và phụ trách nhân sự của công ty chưa phải là đảng viên thì phải có kế hoạch vận động, thuyết phục, giáo dục, giúp đỡ họ phấn đấu trở thành đảng viên để có điều kiện bổ sung cấp ủy nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với doanh nghiệp.
Sáu là, định kỳ cấp ủy làm việc với ban chấp hành các tổ chức đoàn thể để nghe báo cáo về tình hình hoạt động, xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các đoàn thể hoạt động đúng hướng, hiệu quả.
Bài, ảnh: Phạm Giang