Đi lên từ gian khó
Huyện Nậm Nhùn được chia tách, thành lập tháng 11-2012 từ huyện Sìn Hồ và Mường Tè. Những ngày đầu thành lập, huyện Nậm Nhùn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế ở điểm xuất phát thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, địa hình chia cắt, nhất là đường giao thông không thuận lợi đến nhiều xã, bản, trường học và các công trình thiết yếu khác thiếu thốn. Huyện có 11 xã thì có 9 xã thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn; đội ngũ cán bộ, công chức thiếu và yếu, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao; hệ thống chính trị ở cơ sở có mặt chưa đáp ứng yêu cầu…
Cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ huyện đã phát huy nội lực, trí tuệ tập thể, xác định những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội mà trước hết là kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở; gắn phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng với ổn định đời sống cho bà con di dân vùng tái định cư, xây dựng nông thôn mới. Chủ động xây dựng các nghị quyết, chương trình, dự án, đặc biệt, Đảng bộ huyện Nậm Nhùn xây dựng 3 Nghị quyết chuyên đề trong đó có Nghị quyết về bảo vệ và phát triển rừng; về phát triển chăn nuôi đại gia súc và Nghị quyết về công tác xóa đói, giảm nghèo.
Gắn thực hiện các nghị quyết với chương trình, dự án mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường giao thông, tu sửa và làm mới các công trình thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp học, nâng cấp hệ thống các trạm y tế... Lấy kinh tế rừng, sản phẩm công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc làm sản phẩm hàng hóa chủ lực và lâu dài; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giúp đỡ ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc; từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các huyện trong tỉnh… Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, chăm sóc bảo vệ rừng đầu nguồn lưu vực sông Đà. Phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giúp đỡ ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Gắn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, khối đại đoàn kết các dân tộc…
Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây, con mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, thu nhập cho đồng bào các dân tộc. Nhiều chương trình, dự án được triển khai lồng ghép, như chương trình tái định cư dự án thủy điện Lai Châu, chương trình 30a, chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển cây cao su, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế…Bên cạnh đó, huyện tập trung huy động nhiều nguồn lực, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, giải quyết đất ở, đất sản xuất, cải thiện điều kiện sản xuất, hỗ trợ giống - vốn để nhân dân phát triển sản xuất; hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để trồng cây ngắn ngày, phát triển chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng để tạo nguồn thu. Song song đó là lồng ghép và gắn việc giảm nghèo với các chương trình kinh tế - xã hội khác của địa phương, củng cố mạng lưới khuyến nông, tăng cường bồi dưỡng kiến thức và chuyển giao ứng dụng các khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho bà con...
Đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng trao đổi với lãnh đạo huyện Nậm Nhùn.
Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, hỗ trợ của Đảng và chính quyền các cấp, đồng bào đã ý thức được phải thoát nghèo, phải làm giàu từ đất, từ rừng. Đồng bào các dân tộc ở Nậm Nhùn đã biết sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng như trồng nhãn, vải, mít, nuôi cá lồng ở các xã Mường Mô, Lê Lợi, Nậm Manh; trồng lúa chất lượng cao ở Nậm Chà, Hua Bum, Nậm Manh, Mường Mô, Pú Đao…; cao su, mắc ca ở Nậm Pì, Lê Lợi; cây dong riềng ở Trung Chải…
Làm thế nào để nâng cao nhận thức, giúp bà con các dân tộc xóa bỏ tập quán canh tác cũ, các hủ tục trong đời sống, áp dụng khoa học mới vào sản xuất và sinh hoạt, xây dựng được các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khả thi, thiết thực ở mỗi địa phương, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh là yêu cầu huyện đặt ra đối với mỗi ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy được phân công phụ trách cơ sở và đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã. Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Năm 2013, Đảng bộ huyện có 33 tổ chức cơ sở đảng, 99 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với hơn 1.000 đảng viên; còn 20 bản, 8 trạm y tế, 11 trường học chưa có chi bộ, 6 bản, 3 trạm y tế chưa có đảng viên; 1.142 cán bộ, công chức, viên chức. Sau 5 năm thành lập, Đảng bộ huyện ngày càng lớn mạnh; đến nay, có 47 tổ chức cơ sở đảng, 137 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với gần 1.600 đảng viên; 100% bản, trường học, trạm y tế đã thành lập được chi bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng: Toàn huyện có 1.167 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 59,5%, nữ 53,7%, 46,4% có trình độ chuyên môn đại học và trên đại học, 25,7% trình độ lý luận chính trị trung cấp và cao cấp.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung quán triệt, học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; Chỉ thị số 03, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các nghị quyết, đề án, kết luận của Tỉnh ủy Lai Châu khóa XIII và chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của Huyện ủy Nậm Nhùn. Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền được đổi mới, phù hợp với tập quán, ngôn ngữ của đồng bào. Các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động đi vào cuộc sống, đã và đang tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiểm tra, giám sát được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm; đã tích cực chỉ đạo các tập thể, cá nhân thực hiện kế hoạch khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh; chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động được nâng lên, nhất là việc vận động Nhân dân thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thực hiện có hiệu quả công tác dân vận chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là vùng đồng bào có sinh hoạt tôn giáo, các khu, điểm tái định cư.
Màu áo mới trên bản làng vùng cao
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp và nỗ lực, quyết tâm vươn lên của Đảng bộ và nhân dân nên 5 năm qua đã tạo nên những bước phát triển quan trọng, đạt nhiều kết quả tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Kinh tế có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng, tăng 9,5 triệu đồng so với năm 2013; thu ngân sách đạt kết quả cao, nhất là thu trên địa bàn, năm 2016 đạt trên 48 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng so với năm 2013. Tổng sản lượng lương thực có hạt gần 11 nghìn tấn, tăng 2 nghìn tấn so với năm 2013, lương thực bình quân đầu người đạt 380 kg/người, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện.
Lĩnh vực nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, nhiều mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi tập trung đã, đang hình thành, bước đầu phát huy hiệu quả và nhân rộng. Công tác khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ rừng được quan tâm thực hiện, trồng mới rừng 685 ha, toàn huyện có trên 72.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng 52%, tăng 10% so với năm 2013; hiện tại huyện có gần 2.200 ha cây cao su, 100 ha cây mắc ca, 315 ha cây thảo quả, 50 ha cây ăn quả, sẽ là tiền đề để phát triển các cây công nghiệp trên địa bàn huyện. Chăn nuôi phát triển ổn định, tỷ lệ tăng đàn gia súc đạt 6%/năm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, đời sống nông dân, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt; với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, đến nay, huyện đã có 3 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới là Pú Đao, Lê Lợi và Mường Mô; các tiêu chí bình quân đạt 12,8 tiêu chí/xã, tăng 7,3 tiêu chí so với năm 2013.
Hoạt động thương mại, dịch vụ có bước phát triển; công nghiệp - xây dựng phát triển cả quy mô và loại hình, nhất là công nghiệp thủy điện, trên địa bàn huyện đã quy hoạch và thực hiện 10 công trình thủy điện, với tổng công suất thiết kế khoảng 1.400MW, trong đó có thủy điện Lai Châu công suất 1.200MW đã đi vào hoạt động, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, đóng góp phần lớn vào nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh (năm 2016 đạt 654 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2017 đạt 463 tỷ đồng), đã tạo cơ hội cho Nậm Nhùn sắp xếp ổn định dân cư, gắn với xây dựng nông thôn mới và định hướng về phát triển kinh tế, như du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản. Một số nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân. Đặc biệt huyện đã hoàn thành sắp xếp, ổn định dân cư cho 1.567 hộ với 6.339 nhân khẩu thuộc vùng tái định cư thủy điện Sơn La, Lai Châu tại nơi ở mới, từng bước ổn định đời sống đồng bào tái định cư.
Đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng với các kỹ sư tại Trung tâm điều hành Nhà máy Thủy điện Lai Châu (huyện Nậm Nhùn).
Hiện nay 10/10 xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 70% bản có đường xe máy đi lại thuận lợi, 10/10 xã có trạm y tế, 100% bản có lớp học mầm non, tiểu học, 70% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia,... đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của huyện.
Các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được đầu tư, đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia; nếp sống văn minh từng bước được hình thành. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 38,8%, bình quân giảm 5,5%/năm; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
5 năm qua là hành trình khởi đầu, tuy còn những hạn chế và nhiều gian khó phía trước, nhưng có thể khẳng định rằng: Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Nậm Nhùn đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện và vững chắc trên các lĩnh vực, đánh dấu bước trưởng thành và phát triển, tạo niềm tin, phấn khởi và lạc quan vào sự phát triển đi lên của huyện trong thời gian tới.
Những kết quả trên là những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo được Đảng bộ huyện Nậm Nhùn rút ra, đó là: Phải luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời cụ thể hóa, vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của huyện; đồng thời chủ động phát huy nội lực, đoàn kết thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo, luôn phát huy dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung lựa chọn những việc trọng tâm, đột phá để tổ chức thực hiện; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.
Xuân Vinh