Cao Bằng tăng cường đào tạo lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê phát biểu tại buổi làm việc với Sở Nội vụ về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính quyền.

Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ được các cấp ủy đảng ở Cao Bằng quan tâm thực hiện, qua đó, đội ngũ cán bộ này đã nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo quản lý, tư duy đổi mới, phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với cán bộ, công chức (CBCC), trong đó tập trung đào tạo đối với cán bộ được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương; cán bộ chủ chốt cấp huyện, thành phố và tương đương; CBCC, viên chức được quy hoạch vào các chức danh trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương; nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có tuổi đời dưới 45 tuổi đối với nam, dưới 40 tuổi đối với nữ... Phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ và công chức, viên chức trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, trong đó trình độ cao cấp, cử nhân chiếm 60%. Ngoài chỉ tiêu hằng năm của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực I, mỗi năm tỉnh chọn cử trên 90 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực I (hệ không tập trung) và đào tạo trình độ trung cấp lý luận cho trên 400 cán bộ tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong.

Để thực hiện đào tạo lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, cán bộ nguồn lãnh đạo, quản lý trẻ giai đoạn 2016 - 2020 đạt mục tiêu, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động, tích cực phối hợp với Học viện Chính trị khu vực I thống nhất nội dung, chương trình đào tạo cao cấp hệ không tập trung. Chỉ đạo Trường Chính trị Hoàng Đình Giong điều chỉnh kế hoạch đào tạo trung cấp lý luận chính trị năm 2017, chuyển đổi đối tượng đào tạo hệ tập trung 1 lớp thành 2 lớp cho cán bộ giữ chức danh trưởng, phó phòng và tương đương của các sở, ban, ngành; 2 lớp chuyển thành 4 lớp cho CBCC là lãnh đạo hoặc quy hoạch lãnh đạo cấp phòng và tương đương. Mở 15 lớp trung cấp chính trị hệ tập trung và hệ không tập trung cho 1.009 học viên, cụ thể: Đào tạo tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong 5 lớp trung cấp lý luận hệ tập trung cho 266 đồng chí (trong đó có 1 lớp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo); phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, Thành phố mở 10 lớp trung cấp lý luận hệ không tập trung cho 743 đồng chí tại các huyện, thành phố. 

Căn cứ chỉ tiêu được Trung ương giao năm 2017, Tỉnh ủy chọn cử 34 đồng chí là cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tham gia đào tạo chương trình cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực I; chọn cử 90 đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý được quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tham gia đào tạo chương trình cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung do Học viện Chính trị khu vực I mở tại Trường Chính trị Hoàng Đình Giong; trong quý III/2017, tiếp tục phối hợp với Học viện Chính trị khu vực I khai giảng 1 lớp gồm 90 đồng chí. Ngoài chương trình đào tạo trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, tỉnh chọn cử 3 đồng chí là nguồn quy hoạch tham gia đào tạo chương trình cử nhân chính trị chuyên ngành công tác Tổ chức, Kiểm tra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ quan, đơn vị chưa làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC; chưa chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ có trình độ cao và cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị hệ không tập trung mở tại các huyện chưa được thường xuyên. Một bộ phận CBCC đi đào tạo nhằm hợp thức hóa bằng cấp, chưa thật sự coi việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao hơn của tình hình, nhiệm vụ mới.
Thời gian tới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng tham mưu cho Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Trước hết là đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp, lãnh đạo các đơn vị về sự cần thiết và tính cấp bách của việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, tạo nguồn cán bộ trẻ để bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xác định đào tạo lý luận để đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định nhằm nâng cao năng lực làm việc, gắn đào tạo với sử dụng, đề bạt bổ nhiệm CBCC, viên chức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.  

Tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các văn bản của Trung ương và của tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với CBCC, đặc biệt là Chương trình số 12-CTr/TU, ngày 9-5-2016 của Tỉnh ủy về "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ giai đoạn 2016 - 2020" của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 19-6-2016 của Tỉnh ủy về “Đào tạo lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, cán bộ nguồn lãnh đạo, quản lý trẻ giai đoạn 2016 - 2020”; nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đề cao tinh thần học và tự học của CBCC; khuyến khích, tạo điều kiện cho CBCC nghiên cứu học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Xây dựng kế hoạch đào tạo lý luận trên cơ sở chiến lược và quy hoạch tổng thể của toàn tỉnh; trên cơ sở đó, các cấp, ngành, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị gắn với công tác quy hoạch, bố trí sử dụng, bổ nhiệm CBCC, viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và vị trí công việc...

Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình phù hợp với từng loại hình đào tạo và chức danh cán bộ, đánh giá thực chất kết quả đào tạo, bồi dưỡng. Gắn đào tạo lý luận cơ bản với bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, cập nhật kiến thức mới, năng lực thực hành và kỹ năng lãnh đạo quản lý; chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, hiện đại. Nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC làm công tác đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị của tỉnh. 

Xây dựng, hoàn chỉnh các quy định về quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng, cơ chế phối hợp chỉ đạo thống nhất giữa cấp ủy và chính quyền, giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ sở đào tạo và với các đơn vị có nhu cầu cử CBCC đi đào tạo lý luận chính trị.  

Tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách mới, trong đó quan tâm chế độ chính sách cho giảng viên, học viên; đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện tốt Đề án đào tạo lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, cán bộ nguồn lãnh đạo, quản lý trẻ giai đoạn 2016 - 2020.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất