Đảng bộ huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) lãnh đạo xây dựng nông thôn mới
               
 Xã Quang Lộc (Hậu Lộc) đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM, tháng 3-2017.

Ngay từ khi bắt tay xây dựng NTM, Huyện ủy Hậu Lộc đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình và vận động nhân dân tích cực hưởng ứng. Với phương châm “Việc gì dễ làm trước, khó làm sau, làm dần, làm chậm nhưng chắc và bền vững”, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, phát huy thế mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; đồng thời chỉ đạo các ban, ngành kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các xã trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, các cuộc họp từ Huyện ủy đến cơ sở đảng đã được tổ chức để tranh thủ ý kiến đóng góp của cán bộ và nhân dân về những cách làm hay, sáng tạo

Công tác tuyên truyền trong nhân dân được Huyện ủy quan tâm chỉ đạo, nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc đóng góp công sức, tiền của cũng như chia sẻ, cảm thông với chính quyền địa phương, góp phần hoàn thành các tiêu chí. Điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, ở xã Tiến Lộc và Hưng Lộc, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản đồ quy hoạch xây dựng nông thôn mới được đóng thành khung treo tại hội trường thôn để nhân dân được biết, từ đó bà con nhận thức rõ việc tham gia xây dựng NTM là vì dân, do dân và dân được hưởng thụ nên họ sẵn sàng hiến đất, hiến tài sản gắn liền trên đất, hiến ngày công lao động để mở rộng đường, đóng góp tiền đối ứng để cùng vốn của ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, công trình phúc lợi... 

Câp ủy các xã đều xây dựng nghị quyết trên cơ sở tập trung dân chủ, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; lựa chọn các tiêu chí đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong đó, xây dựng đường giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá then chốt. Để thực hiện tiêu chí này, huyện đã chỉ đạo các xã triển khai lấy ý kiến nhân dân, lựa chọn các tuyến đường cần làm mới, nâng cấp hay sửa chữa theo trình tự ưu tiên. Ngoài sự hỗ trợ từ nhà nước, huyện tích cực vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công và hỗ trợ vật liệu để làm đường giao thông nông thôn và đường giao thông nội đồng... Nhờ vậy, đã xây dựng được hàng ngàn mét đường bê tông các loại và hàng trăm công trình cầu cống.
 
Bên cạnh đó, Huyện ủy Hậu Lộc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM, trong đó ưu tiên phát triển nhanh các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh, có tỷ lệ gia tăng trên doanh thu cao như: nuôi lợn, gà, vịt, thỏ, thủy sản…; phát triển các sản phẩm tiềm năng như: lạc, rau, củ, quả. Nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, nhất là có liên kết với doanh nghiệp như: sản xuất ngô ngọt ở xã Phú Lộc, vùng sản xuất giống lúa VS1 ở Tuy Lộc, nuôi tôm he chân trắng ở Minh Lộc. Năm 2013 xây dựng 2 mô hình sản xuất rau an toàn và mô hình cơ giới hóa đồng bộ ở xã Phú Lộc; năm 2014 có 4 mô hình điểm: Trồng ớt trên diện tích đất nhiễm mặn tại xã Đa Lộc, chăn nuôi thỏ công nghiệp tại xã Tuy Lộc, trồng nấm tại xã Lộc Tân và nuôi trồng thủy sản tại xã Văn Lộc. 

Năm 2015 có mô hình khoai lang xuất khẩu, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, nuôi thỏ công nghiệp, bò sinh sản, cơ giới hóa đồng bộ tập trung tại các xã Hưng Lộc, Quang Lộc, Phú Lộc, Liên Lộc, Tiến Lộc, Phong Lộc, Văn Lộc… Các ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển như: làng nghề truyền thống cơ khí nhỏ tại Tiến Lộc, nấu rượu gạo xã Cầu Lộc, nghề mộc Minh Lộc, nghề đóng thuyền ở Hòa Lộc, nghề làm muối ở Hải Lộc, Hòa lộc... Một số nghề mới dược du nhập như: Thêu ren, móc hộp, mây giang xiên, khâu bóng Denta…, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong huyện. Nhờ đó, thu nhập của người dân trong huyện từng bước được nâng lên. Năm 2011, bình quân thu nhập của nhân dân trong huyện đạt 13,2 triệu đồng/người/năm; năm 2015 đạt 24 triệu đồng/người/năm; năm 2016 đạt 27 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2011.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, cách tổ chức khoa học, hiệu quả, với tinh thần xây dựng NTM hướng về nhân dân, tin chắc rằng, chương trình xây dựng NTM của huyện Hậu Lộc sẽ sớm về đích.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất