Chính là sự quan tâm, tôn trọng, chân tình của Tạp chí với cộng tác viên
Nhà báo Minh Hằng, Thư ký Tòa soạn Báo Thái Nguyên

Lần đầu tiên được dự hội nghị cộng tác viên của Tạp chí Xây dựng Đảng, tôi muốn nhắc đến một kỷ niệm. Kỷ niệm đã khiến tôi trở thành cộng tác viên (CTV) thân thiết và thường xuyên của Tạp chí như ngày nay.

Khoảng 5 năm trước, tôi có tham dự một cuộc hội thảo về báo chí địa phương khu vực trung du, miền núi phía Bắc, tổ chức tại tỉnh Phú Thọ. Tại đây, tôi có gặp lại đồng nghiệp Mạnh Tấn, công tác ở Báo Lào Cai. Chúng tôi ngồi cạnh nhau ở Hội thảo và thấy có 2 người tìm gặp, nói chuyện rất thân mật với Mạnh Tấn. Sau đó, tôi biết đó là chị Nguyễn Thúy Hoàn, Phó tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng và bạn Trần Thu Thủy, phóng viên của Tạp chí. Mạnh Tấn tự hào khoe với tôi một số bài viết của Tấn đăng trên Tạp chí được đánh giá khá, tốt, có tác phẩm được khen thưởng và sự chu đáo, thân tình của Tạp chí đối với CTV như thế nào. Nhìn thái độ thân mật đối với CTV của những người công tác ở tạp chí Xây dựng Đảng và nhận xét của Mạnh Tấn, tôi thấy thật sự thiện cảm và muốn được cộng tác với Tạp chí. Tôi xin số điện thoại của Thủy và Fax bài viết đầu tiên nói về vai trò mờ nhạt của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ở Thái Nguyên hiện nay. Ngay sau khi Fax bài đi (khi ấy chúng tôi chưa liên lạc qua Email như bây giờ) Thủy alô ngay cho tôi rằng: Cô Hoàn khen cách viết của chị đấy, cô bảo chị viết mềm, hợp với dạng phóng sự, nhưng bài này chưa hợp với Tạp chí, chị viết bài khác cho Tạp chí nhé.

Rõ ràng là không được đăng nhưng tôi vẫn thấy mát lòng bởi sự động viên gián tiếp từ chị Hoàn nên lại hăng hái thử sức ở lĩnh vực khác.

Tôi tìm đọc các số Tạp chí đã phát hành và thử viết một bài nho nhỏ cho mục Ý kiến đảng viên. Đó là bài: Một số nghĩa là không ai cả. Tôi thấy ở nhiều bản báo cáo của cấp ủy, tổ chức đảng cũng như của chính quyền từ cấp Trung ương đến cấp xã, phường, kể cả ở thôn, xóm mà tôi đọc được, phần thành tích thì nêu rất rõ, có con người, địa chỉ cụ thể nhưng phần khuyết điểm thì toàn thấy dùng từ “một số” - một số tập thể, một số cá nhân… Đây là từ theo tôi thuộc loại chung chung nhất, né tránh nhất, kém sức chiến đấu nhất, nhưng vẫn đang tồn tại phổ biến. Bài viết được đăng ngay và tại buổi nhận xét, đánh giá số Tạp chí hằng tháng, bài viết được tòa soạn bỏ phiếu bình xét thuộc loại khá và được thưởng bằng 80% nhuận bút. Điều đấy đã khích lệ tôi tiếp tục viết cho tạp chí.

Thú thực viết bài cho Tạp chí Xây dựng Đảng không dễ chút nào, vì phải nắm khá chắc về công tác xây dựng đảng, về vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Hiểu biết lý luận về xây dựng đảng để viết những bài có tính nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thì tôi chưa đủ tầm, mà viết mộc mạc dân dã quá lại không phù hợp với Tạp chí. Rất hiểu tâm trạng này và “tạng” viết của tôi, Thủy đã cùng tôi bàn bạc, tìm đề tài và “ràng” vấn đề cho tôi ngay từ đầu năm. Những bài viết của tôi sau đó như gương đảng viên hiến đất, chi bộ Đảng ở xứ đạo, những đảng viên - giáo viên đi gieo chữ trên vùng cao, gương đảng viên làm công tác tổ chức xây dựng đảng giỏi và nhiều bài khác cho mục Ý kiến đảng viên đã được đăng trên tạp chí và khoảng 80% trong số đó được khen thưởng…

Một trong những nhân vật tôi đề cập trong bài viết của mình  là anh Ma Đình Đối, Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Định Hóa đã được Ban Biên tập Tạp chí mời về Hà Nội tham gia chương trình truyền hình trực tiếp. Sau chương trình giao lưu tại Hà Nội về anh Đối điện cho tôi và có nhiều nhận xét rất tốt đẹp. Cũng từ những bài viết của mình, tôi càng thấm thía một điều: Viết về Đảng, về tổ chức xây dựng Đảng là viết về những điều giản dị nhất. Bác Hồ đã dạy rằng: “Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta. Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo. Ngay cả đến tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo…”. Như vậy, Đảng hiện hữu trong dân, trong mọi mặt của cuộc sống nên không hề bí hiểm, không hề khó hiểu, không hề xa xôi. Suy nghĩ đó đã “cởi nút” khó khăn cho tôi, khiến tôi vững tin hơn, thoải mái hơn khi viết bài cho Tạp chí.

Mối quan hệ giữa tôi và Tạp chí ngày càng gắn bó hơn bởi những cử chỉ thể hiện sự tôn trọng, quan tâm đến CTV của Tạp chí, như tặng thiếp chúc mừng năm mới, tặng sổ tay; tặng Tạp chí hằng tháng dù có bài đăng trong số đó hay không; email lại bài đã sửa để hỏi ý kiến xem có đồng ý không; nhuận bút tuy không cao nhưng nhanh chóng, sốt dẻo. Hơn thế nữa, nhiều lần tôi về Hà Nội, đồng nghiệp Trần Thu Thủy - người của Tòa soạn còn “chịu khó” đi nghe thơ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám với tôi, đưa tôi đi chơi, tham quan Hà Nội… khiến tôi cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc khi mình “kết duyên” với Tạp chí.

Tôi biết, không chỉ riêng tôi nhận được sự quan tâm này của Tạp chí. Nhưng tôi nghĩ rằng, và chắc có nhiều người cùng suy nghĩ với tôi, lý do để trở thành CTV thân thiết, thường xuyên với Tạp chí chính là sự quan tâm, tôn trọng, chân tình của Tạp chí với CTV chúng tôi.

Nhân đây, tôi cũng tâm sự thêm: 5 năm cộng tác với Tạp chí nhưng đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào tòa soạn, đó cũng là điều thiệt thòi. Theo tôi, ngoài việc thường xuyên tổ chức Hội nghị CTV, tôi mong muốn Tạp chí có định hướng, chỉ ra những vấn đề đang quan tâm, đang được đặt ra trong công tác tổ chức xây dựng đảng ở cơ sở như thế nào và có sẵn sàng chấp nhận nêu những vấn đề gai góc nhưng là thực tế ở cơ sở. Ví dụ như việc bỏ sinh hoạt đảng khi về hưu, khi phục viên, xuất ngũ của một số đảng viên đang là hiện tượng; vấn đề một bộ phận thanh niên ít thiết tha vào Đảng; việc doanh nghiệp tư nhân hiện nay ít quan tâm đến thành lập tổ chức đảng trong đơn vị vv…Viết về những vấn đề này khó và còn là thử thách nữa nhưng theo tôi đó là những vấn đề cuộc sống đang cần được lý giải từ thực tiễn. Tạp chí của chúng ta bàn về những vấn đề vĩ mô nhưng thấu hiểu cả những chuyện vi mô thì sẽ thu hút bạn đọc hơn, không chỉ là cán bộ, đảng viên mà cả những người dân bình thường. Để ý tưởng của CTV gặp được ý tưởng của Tòa soạn, tôi đề nghị nên tổ chức một chương trình tập huấn cho CTV, nhất là những người hay viết bài theo kiểu “đứng trên mũi giáo” như chúng tôi để chúng tôi viết trúng hơn, sâu sắc hơn, có tác phẩm chất lượng hơn.

Một vấn đề nữa tôi cũng muốn đề nghị là Tạp chí nên tổ chức cuộc thi báo chí (ví dụ đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống hay Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…) sẽ tạo động lực cho CTV nâng cao chất lượng bài viết hơn.

Mong rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên này sẽ mở ra nhiều ý tưởng cho CTV chúng tôi. Chúc cho tình cảm của chúng ta mãi mãi bền vững, thắm tươi cả từ hai phía.

                                                                                                          Nhà báo Minh Hằng

                                                                                         Thư ký Tòa soạn Báo Thái Nguyên

 

 

                                                              

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất