Trao đổi về một số bài viết trên Tạp chí Xây dựng Đảng

Tôi là Lê Thị Thanh, năm nay 78 tuổi đời, 60 tuổi Đảng ở chi bộ 11, Đảng bộ phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội. Tôi thường mượn Tạp chí Xây dựng Đảng của đồng chí bí thư chi bộ để đọc. Qua đây tôi hiểu sâu sắc thêm về Đảng và càng thêm tự hào, kính yêu Đảng, hết lòng tin tưởng ở Đảng. Tôi thiết nghĩ cán bộ, đảng viên ta nếu ai cũng tìm đọc Tạp chí Xây dựng Đảng thì chất lượng đội ngũ sẽ ngày càng tăng, làm được nhiều việc ích nước, lợi dân và từ đó tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Tôi muốn góp ý cụ thể vào một số nội dung bài viết mà theo thiển ý của tôi nếu thể hiện được như thế thì bài viết sẽ súc tích và hấp dẫn người đọc hơn. Trong Tạp chí số 6-2009, bài Cái uy của thủ trưởng (Minh Quang) là bài viết nhẹ nhàng và tương đối hấp dẫn nhưng mới nói đến những tiểu tiết, thủ thuật để có được cái uy, chưa nói đến cái lớn hơn là làm sao xuất phát từ lòng thương yêu cán bộ, nhân viên dưới quyền của mình mà luôn luôn tìm tòi sáng kiến, giúp đỡ họ tiến bộ không ngừng về trình độ, chuyên môn và có cuộc sống đỡ khó khăn về vật chất, thoải mái về tinh thần. Thủ trưởng không chỉ lo cho cán bộ, nhân viên của mình trong công việc ở cơ quan mà còn cần quan tâm đến đời sống và gia đình họ khi có niềm vui, nỗi buồn. Có thế cán bộ lãnh đạo mới thực sự có tâm và có tầm.

Bài Kinh nghiệm đánh giá cán bộ ở Bạc Liêu (Dương Thành Trung) là một bài khá, nhưng đoạn mở đầu quá dài. Cũng là bài kinh nghiệm nhưng bài Tuyển chọn và sử dụng cán bộ ở thành phố Đà Nẵng (Bùi Văn Tiếng) chỉ tóm tắt những việc làm chưa tốt và đi ngay vào kinh nghiệm - vấn đề người đọc muốn biết - nên đọc thấy thú vị hơn. Nhưng theo tôi, trong bài này tác giả nhấn mạnh về tiêu chuẩn tuyển chọn phải là đại học chính quy, phải có hộ khẩu ở TP. Đà Nẵng. Tôi thấy có nhiều người thông minh, mặc dù chưa học đại học chính quy nhưng rất giỏi, có người hộ khẩu nơi khác, nhưng là người có khả năng, nếu được tuyển chọn, sau đó đào tạo, bồi dưỡng để sử dụng thì rất tốt. Tại sao lại đưa ra tiêu chuẩn "cứng" như thế. Trong thực tế có một số người đại học chính quy hẳn hoi nhưng khả năng làm việc lại bình thường nếu không muốn nói là xoàng. Các nước người ta sử dụng người bất kể xuất xứ từ đâu. Ở CHLB Đức, nội các của Thủ tướng Mác Ken có một người Đức gốc Việt làm Bộ trưởng Y tế. Tuy nhiên, bài viết này đã nêu được những việc làm rất mạnh dạn và rất có hiệu quả của Đà Nẵng, rất đáng tham khảo học tập và áp dụng cho nhiều nơi khác.

Trong Tạp chí số 6-2009 tôi rất thích bài Chi bộ phát thanh đối ngoại Đài Tiếng nói Việt Nam làm theo lời Bác (Thu Huyền), Bài học từ một quyết định không chuẩn xác (Song Thuỷ), Bác Hồ với nhà báo nước ngoài (Bùi Công Bính), Đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức ở một số nước trên thế giới (Lê Quang).

Số 8-2009, bài Một bí thư chi bộ giàu tình người (Trần Thị Lan Phương), Ninh Bình với công tác phát triển đảng viên là người có đạo (Phạm Thị Lụa) cũng là 2 bài tốt.
Ban Biên tập cũng cần nghiên cứu cải tiến nội dung và hình thức sao cho Tạp chí đẹp, sáng, thoáng, hấp dẫn hơn. Tạp chí còn "khô" quá. Về nội dung, nên chăng thêm một vài tiểu mục như chuyện vui, góc biếm hoạ, phê bình những thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên, thơ ca về công tác xây dựng đảng. Nên có thêm nhiều bài viết về gương tốt của đảng viên hoặc của quần chúng đang phấn đấu vào Đảng. Có thêm nhiều bài viết về đổi mới sinh hoạt chi bộ, nhất là các chi bộ khu dân cư...

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất