Theo nhận thức của tôi, đối với tạp chí chuyên ngành nói chung và nhất là tạp chí chuyên ngành về tổ chức xây dựng đảng như Tạp chí của chúng ta thì tính hấp dẫn chủ yếu được thể hiện thông qua tính định hướng và chất lượng nội dung của nó. Bạn đọc tìm đến Tạp chí Xây dựng Đảng, cảm nhận được sự hấp dẫn của cơ quan ngôn luận này trước hết là do xuất phát từ nhu cầu được định hướng xung quanh những vấn đề về xây dựng đảng. Nhu cầu ấy càng lớn khi bước vào năm đại hội đảng bộ các cấp, bởi đại hội đảng bộ các cấp là điểm nhấn trong quá trình xây dựng đảng và là sinh hoạt chính trị quan trọng vào thời điểm “giao thừa” giữa hai nhiệm kỳ. Chính vì thế chọn và khai thác cho đúng những vấn đề cần quan tâm trong năm đại hội đảng bộ các cấp là cách để nâng cao tính định hướng mà cũng là để nâng cao tính hấp dẫn của Tạp chí. Từ thực tiễn hơn mười năm làm cộng tác viên của Tạp chí trên những cương vị công tác khác nhau như bí thư cấp uỷ huyện, phó trưởng ban rồi trưởng ban tổ chức cấp uỷ tỉnh, tôi xin đề xuất lựa chọn ba vấn đề cần tập trung khai thác như sau:
Một là, vấn đề mở rộng dân chủ nội bộ Đảng mà cụ thể là mở rộng dân chủ trong đại hội đảng bộ các cấp. Trước hết là quyền dân chủ trực tiếp của đại biểu đại hội. Có thể nói, Đảng ta đang nỗ lực để ngày càng có nhiều dân chủ hơn trong đại hội đảng bộ các cấp, chẳng hạn từ chỗ chủ yếu bầu tròn theo danh sách ban chấp hành đương nhiệm chuẩn bị đến chỗ bầu phải có số dư theo một tỷ lệ được quy định cụ thể, từ chỗ ai cầm bút ghi vào phiếu bầu là biết ngay người đó không bầu cho ứng viên duy nhất đến chỗ ai cũng phải cầm bút để thể hiện quan điểm đồng ý bầu hoặc không đồng ý bầu cho ứng viên duy nhất ấy; từ chỗ hầu như không ai tự ứng cử vì sợ bị đánh giá là “thiếu khiêm tốn” đến chỗ khuyến khích nhiều người tự ứng cử kể cả những người không nằm trong danh sách ban chấp hành đương nhiệm chuẩn bị… Đặc biệt hiện nay toàn Đảng đang thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ và đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ… Tôi nghĩ Tạp chí cần đi sâu khai thác vấn đề này nhằm nâng cao tính định hướng, tính hấp dẫn. Ở đây còn rất nhiều khía cạnh cần định hướng, chẳng hạn tâm lý những đại biểu khi thực hiện quyền ứng cử tại đại hội đảng bộ các cấp. Người ứng cử bị áp lực tâm lý đã đành (sợ bị cho là thiếu khiêm tốn, là có ý đồ tranh giành quyền lực…) mà người không ứng cử cũng bị áp lực tâm lý (sợ bị quy kết là nội bộ không thuần nhất, không “nhất hô bá ứng”…). Áp lực tâm lý không chỉ tác động trong lúc bầu cử, còn tác động cả sau khi có kết quả bầu cử. Nhất là đối với người tự ứng cử mà không trúng cử, đặc biệt đối với người gần như duy nhất được đề cử lại không trúng cử trong khi người tự ứng cử lại đắc cử. Tạp chí sẽ nâng cao được tính định hướng và tính hấp dẫn nếu như có được một diễn đàn trao đổi rộng rãi nhằm bình thường hoá các biểu hiện tâm lý có thể xuất hiện trong quá trình mở rộng dân chủ của Đảng ta. Hoặc có tất yếu là sẽ nhiều dân chủ hơn khi mở rộng từ dân chủ đại diện (bầu cử thông qua ban chấp hành khoá mới) sang dân chủ trực tiếp (tự tay đại biểu hoặc đảng viên dự đại hội bầu cấp ủy, bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư). Nói khác đi, có tất yếu là nhiều người bỏ phiếu sẽ dân chủ hơn ít người bỏ phiếu, hàng trăm người bầu cử sẽ dân chủ hơn hàng chục người bầu cử? Và trong điều kiện nào thì điều đó có thể trở thành tất yếu?
Hai là, vấn đề đại hội ra nghị quyết cho cả nhiệm kỳ. Thực tế khi vào đại hội thì mối quan tâm của người dự đại hội nói chung chỉ tập trung vào công tác nhân sự và nhất là vào kết quả bầu cử; còn chuyện sau đại hội, đảng bộ sẽ lãnh đạo đảng viên và nhân dân làm cái gì và làm như thế nào thì rất ít người chú ý. Vì lẽ đó, không khí tranh luận, phản biện tại đại hội hết sức hạn chế. Đoàn chủ tịch đại hội cũng hiếm khi đặt ra một vài phương án khác nhau để đại hội thảo luận và lựa chọn phương án tối ưu. Đó là chưa kể các ý kiến tham gia - kể cả ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên - cũng thường được đoàn chủ tịch tiếp thu một cách hình thức chứ ít khi được nghiên cứu nghiêm túc, chọn lọc tìm ra những ý tưởng sâu sắc và mới mẻ để bổ sung chỉnh lý dự thảo nghị quyết khi thông qua đại hội. Yêu cầu này càng có ý nghĩa khi đại hội được quyền thông qua một dự thảo nghị quyết tương đối chi tiết và cụ thể như quy định hiện hành. Tạp chí Xây dựng Đảng có thể nêu vấn đề này để bạn đọc thảo luận, trao đổi, hiến kế về việc tạo không khí tranh luận, phản biện tại đại hội đảng bộ các cấp.
Ba là, vấn đề“kịch bản” và sự điều hành của đoàn chủ tịch. Kinh nghiệm cho thấy nếu biết chủ động xây dựng một “kịch bản” tương đối hoàn chỉnh và đoàn chủ tịch đại hội điều hành chương trình nghị sự của đại hội theo đúng “kịch bản” thì đại hội diễn ra mạch lạc thông suốt, và ngược lại. Có đồng chí vốn hạn chế về năng lực, nói năng trước đại hội đông người, lại thêm tình huống “quan trên trông xuống người ta trông vào” sinh ra luống cuống; cũng có đồng chí ngày thường nói năng đâu ra đấy nhưng khi tham gia đoàn chủ tịch điều hành công việc của đại hội thì lúng ta lúng túng, nhớ trước quên sau… Thậm chí có cấp ủy viên được mời dự đại hội của đảng bộ bạn thì chê trách người ta sai chỗ này, sót chỗ nọ nhưng đâu ngờ đến lượt mình cũng chịu cảnh “cười người hôm trước…”. Chung quy đều do thiếu “kịch bản” tốt hoặc có “kịch bản” tốt nhưng người diễn tuỳ tiện thoát ly “kịch bản” để ứng khẩu diễn cương. Nói cách khác là thiếu cụ thể hóa, văn bản hóa các khâu trong quy trình điều hành chương trình nghị sự của đại hội, chưa dự đoán đầy đủ các tình huống bất ngờ có thể nảy sinh. Thậm chí có nơi còn chưa kịp thời cập nhật những thông tin mới, quy định mới… Vậy liệu Tạp chí Xây dựng Đảng có thể mở cuộc thi xây dựng “kịch bản” điều hành chương trình nghị sự của đại hội theo từng loại hình khác nhau (đại hội đảng viên khác đại hội đại biểu, đại hội chỉ bầu ban chấp hành khác với đại hội trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư và phó bí thư…)? Tôi nghĩ một cuộc thi như thế sẽ rất hấp dẫn và quan trọng hơn là sẽ góp phần làm cho công việc điều hành đại hội đảng bộ các cấp trở nên bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, tránh tình trạng cứ mỗi lần tổ chức đại hội là một lần bị ca cẩm rằng ở đời không có sợi dây nào dài cho bằng sợi dây “kinh nghiệm”, dài tới mức mấy mươi năm rồi mà vẫn phải tiếp tục… rút kinh nghiệm.
Bùi Văn Tiếng
UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng