Tôi đang công tác tại Khoa Lịch sử Đảng - Xây dựng đảng, Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng. Khoa tôi đảm nhận giảng dạy 3 môn: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Xây dựng Đảng. Việc đọc Tạp chí Xây dựng Đảng, nghiên cứu những thông tin về xây dựng Đảng là điều cần thiết đối với tất cả giảng viên trong Khoa. Với tôi, một giảng viên mới 24 tuổi, kinh nghiệm thực tiễn thật sự là ít. Để giảng được môn Xây dựng Đảng đòi hỏi phải có những kiến thức thực tế làm cho bài giảng sinh động và thu hút học viên. Do đó, càng phải nghiên cứu Tạp chí nhiều hơn. Tôi gắn bó và xem Tạp chí như người thầy để học tập, tích lũy nhiều kiến thức cho công việc của mình.
Dễ nhận thấy sự phát triển về “chất” rõ rệt của Tạp chí. Từ hình thức trình bày, đến nội dung các bài viết đều ngày càng chất lượng, tập trung vào các vấn đề thực tiễn cần giải quyết. Đó là sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của cả một tập thể. Đọc bài “Tâm và tầm của người biên tập” của Trí Dũng (8-2005) và bài “Một hoạt động nghiệp vụ có nền nếp, hiệu quả” của Nguyễn Thành Nam (8-2007), hẳn nhiên các độc giả - như tôi, càng thấy rõ hơn sự đầu tư nghiêm túc đến từng chi tiết của Tạp chí.
Nỗ lực phấn đấu.
Có thể nói, ở Tạp chí Xây dựng Đảng những hình ảnh được đăng từ trang bìa đến các trang trong đều rất chọn lọc. Đặc biệt là trang bìa, hình ảnh đã toát lên nội dung trọng tâm của tháng, là điểm nhấn của số Tạp chí. Các trang trong, chữ rõ, dễ đọc và đặc biệt tôi chưa phát hiện được lỗi chính tả nào. Điều này cho thấy, để có được quyển Tạp chí Xây dựng Đảng như vậy, Ban Biên tập và cả tập thể Tòa soạn đã nỗ lực đến thế nào.
Là Tạp chí xuất bản định kỳ, nhưng những nội dung được đăng tải trong mỗi số Tạp chí vẫn mang tính thời sự. Những vấn đề tiêu biểu của tháng luôn được đề cập cụ thể bằng các bài viết tâm đắc, sâu sắc. Như kỷ niệm ngày sinh của V.I.Lênin, Tạp chí có bài “Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin vào cải cách nền hành chính nhà nước Việt Nam” của Trung tá Trần Đình Thắng - Học viện Kỹ thuật Quân sự (4-2009). Kỷ niệm ngày sinh của Các Mác có bài “Tầm cao trí tuệ” của PGS. Trần Đình Huỳnh (5-2009), rồi kỷ niệm ngày sinh của Bác, của các vị anh hùng dân tộc, kỷ niệm các ngày chiến thắng, các ngày lễ, các sự kiện v.v… Tạp chí luôn kịp thời có những bài viết về các vấn đề được dư luận quan tâm, ví như chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới, đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư… đặc biệt là loạt bài về vấn đề mà những ai đang làm công tác đảng đều quan tâm, đó là thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND.
Tạp chí - cánh tay đắc lực.
Khoa chúng tôi giảng dạy môn Xây dựng Đảng - đây là một trong những môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị, vì thế việc tìm hiểu Tạp chí Xây dựng Đảng để bổ sung kiến thức cho bài giảng là một điều tất yếu.
Môn học Xây dựng Đảng gồm 3 phần lớn: Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng Đảng; những nội dung cơ bản về xây dựng tổ chức cơ sở đảng hiện nay và một số vấn đề nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở. Chúng tôi nhận thấy những nội dung mà Tạp chí đăng tải bao hàm đầy đủ những nội dung mà chúng tôi giảng dạy. Đọc Tạp chí, chúng tôi có thể cung cấp cho học viên những ý kiến của những người có trình độ lý luận, những người có kinh nghiệm thực tế, những người chuyên sâu về công tác xây dựng đảng. Chúng tôi có thể đưa ra những điển hình xây dựng TCCSĐ TSVM. Đó không chỉ là lý thuyết mà còn là thực tiễn. ở đó, chúng tôi có thể cung cấp cho học viên những kinh nghiệm, cách làm để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của những cơ sở điển hình, làm thế nào để xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong các TCCSĐ, công tác chính trị - tư tưởng là thế nào, hoặc những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác xây dựng đảng v.v… Khi trao đổi về vấn đề nghiệp vụ, chúng tôi sử dụng những tình huống thực tế trong mục Trả lời bạn đọc của Tạp chí để học viên xử lý, giải quyết bằng vốn thực tiễn của bản thân. Điều đó tạo sự lý thú cho những giờ học.
Tạp chí còn là nguồn tư liệu phong phú cho học viên của chúng tôi viết tiểu luận tốt nghiệp cuối khóa môn Xây dựng Đảng. Bởi vì, những kiến thức được đăng tải là những vấn đề lý luận đã được thực tế kiểm chứng, những tấm gương, những điển hình tiêu biểu để trân trọng phát huy.
Không chỉ có thế, những bài viết của Tạp chí còn có ý nghĩa trong việc định hướng cho nhận thức của đoàn viên, thanh niên.
Tại Sóc Trăng, các diễn đàn của đoàn viên, thanh niên thường đề cập đến vấn đề đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên. Một trong những vấn đề được quan tâm đó là vào Đảng để làm gì? Phấn đấu vì lý tưởng của Đảng đến bao giờ? Có phải vào Đảng để thăng quan, để tiến chức?… Đọc bài viết “Vào Đảng để làm gì và phấn đấu vì lý tưởng của Đảng đến bao giờ” của Ths. Phạm Văn Hiểu (Xây dựng Đảng điện tử 9-5-2009) tôi thật sự tâm đắc. Có thể nói đây là vấn đề mà những người đi trước luôn trăn trở, luôn suy tư. Bởi nếu trong Đảng tư tưởng không thông, lý tưởng dao động thì làm sao có một Đảng tiên phong vững mạnh?
Tôi rất mong, sẽ có nhiều hơn nữa những bài viết bàn về lý tưởng, bản lĩnh chính trị của đoàn viên, thanh niên và cả những người đã là đảng viên. Tạp chí Xây dựng Đảng sẽ là cuốn cẩm nang cho những người trẻ tuổi hoạt động đoàn - đội hậu bị tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đôi lời góp ý.
Tạp chí nên tăng thêm tính diễn đàn để độc giả có thể phản hồi, trao đổi những ý kiến đa chiều. Đó có thể là một tình huống do Tạp chí chọn đăng, hoặc có thể là ý kiến phản hồi từ một bài viết đã được đăng trong tạp chí, để qua đó chúng tôi có thể trao đổi và học hỏi lẫn nhau nhiều hơn nữa. Đồng thời, những người viết bài cũng “thu hoạch” được những ý kiến phản hồi qua bài viết, bài phân tích khác. Theo tôi, việc này rất cần thiết.
Tôi luôn mong Tạp chí ngày càng phát triển, tiếp tục là cánh tay đắc lực cho những người tâm huyết với công tác xây dựng đảng. Tạp chí sẽ mãi là người bạn, là người thầy, là mũi tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng.
Tô Nài Não
Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng