55 năm qua, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã tiến hành xây dựng, củng cố và phát triển về mọi mặt, điều đó được thể hiện qua 8 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX được tổ chức vào tháng 3 năm 2011, xin điểm lại những mốc son của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào qua các kỳ Đại hội.
Tháng 10 năm 1930, theo quyết định của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương có nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia tiến hành cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc ở mỗi nước. Lúc đó, tổ chức đảng ở Lào là một bộ phận của Đảng Cộng sản Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, nhân dân các bộ tộc Lào đã giành thắng lợi vẻ vang, tuyên bố độc lập và thành lập Chính phủ Lào tự do (Neo Lào Ít-xa-la) ngày 12 tháng 10 năm 1945.
Trước tình hình ba nước Đông Dương và quốc tế có nhiều chuyển biến lớn, tháng 2 năm 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương họp Đại hội lần thứ hai. Đồng chí Cay-sỏn Phôm-vi-hản được cử tham gia Đại hội. Đại hội đã quyết định tổ chức ở mỗi nước một Đảng riêng để lãnh đạo cách mạng cho phù hợp với đặc điểm của từng nước. Từ đó, ở Việt Nam có Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), ở Lào và Căm-pu-chia cũng thành lập đảng riêng của mình để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do.
Đại hội lần thứ I (ngày 22 tháng 3 năm 1955):
Ngày 22 tháng 3 năm 1955, tại tỉnh Sầm Nưa (nay là Hủa Phăn) với 25 đại biểu ưu tú của những người cộng sản Lào - đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây - đại diện cho hơn 400 đảng viên trong cả nước tiến hành Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào (tức Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hiện nay). Đại hội đã bầu đồng chí Cay-sỏn Phôm-vi-hản làm Tổng Bí thư. Đại hội đề ra nhiệm vụ cách mạng trước mắt là: “Đoàn kết, lãnh đạo toàn dân phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện một nước Lào hoà bình, dân chủ, thống nhất và độc lập”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Đảng Nhân dân Lào từng bước lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào đấu tranh chống Mỹ, đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và “Chiến tranh đặc biệt tăng cường”, đưa cách mạng Lào giành những thắng lợi to lớn, toàn diện và vững chắc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (tháng 2 năm 1972):
Đại hội được triệu tập tháng 2 năm 1972, tại tỉnh Sầm Nưa (nay là Hủa Phăn) gồm 125 đại biểu, đại diện cho hơn 21.000 đảng viên trong cả nước. Đại hội sửa đổi Điều lệ Đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 29 đồng chí, do đồng chí Cay-sỏn Phôm-vi-hản làm Tổng Bí thư. Đại hội quyết định đổi tên Đảng nhân dân Lào thành Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Đại hội định ra Cương lĩnh chính trị, với nội dung: “Hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước... xây dựng một nước Lào hoà bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng; tích cực góp phần vào công cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương, Đông Nam Á và trên thế giới”.
Ngày 2 tháng 12 năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân các bộ tộc Lào đã đứng lên khởi nghĩa, lật đổ chế độ quân chủ lập hiến, khai sinh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Từ đó, ngày 2 tháng 12 đã trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Lào, đưa nước Lào bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 4 năm 1982):
Tại thủ đô Viêng-Chăn, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, với 228 đại biểu, đại diện cho 35.000 đảng viên trong cả nước. Đại hội đã thông qua Báo cáo Chính trị, quyết định đường lối chung với những mục tiêu cơ bản của cách mạng Lào trong thời kỳ quá độ, xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Đại hội xác định hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, hai nhiệm vụ này gắn chặt với nhau và nhiệm vụ cơ bản, quyết định là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất (1981 - 1985). Đại hội thông qua báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 55 đồng chí, do đồng chí Cay-sỏn Phôm-vi-hản làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần IV (từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 11 năm 1986):
Đại hội tiến hành tại Thủ đô Viêng-Chăn, với 296 đại biểu, đại diện cho 40.000 đảng viên. Đại hội thông qua Báo cáo Chính trị và nhận định: Sau hơn 10 năm giải phóng, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp đổi mới và đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, tạo điều kiện cho cách mạng Lào tiến lên giành nhiều thành tựu mới trên các mặt trận chính trị, kinh tế và xã hội; định ra nhiệm vụ, bước đi trong công cuộc đổi mới toàn diện của sự nghiệp cách mạng Lào xuất phát từ đặc điểm cụ thể ở Lào và phù hợp với bối cảnh mới của thế giới. Đại hội cũng thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ hai 1986 - 1990. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 60 đồng chí. Đồng chí Cay-sỏn Phôm-vi-hản tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (tháng 3 năm 1991):
Đại hội tiến hành tại thủ đô Viêng-Chăn, với hơn 500 đại biểu và khách mời, trong đó có 367 đại biểu chính thức. Đại hội xem xét, đánh giá quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định những thành tựu đạt được, phê phán nghiêm khắc những khuyết điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn. Đại hội lần thứ V thể hiện sự đổi mới cả về tư duy chính trị, tư tưởng, tổ chức và phong cách công tác của Đảng.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 55 đồng chí ủy viên chính thức và 4 đồng chí ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương khoá mới họp bầu Bộ Chính trị gồm 11 đồng chí. Theo Điều lệ Đảng sửa đổi của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đại hội đã bầu Đồng chí Cay-sỏn Phôm-vi-hản làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm ba đồng chí: Phu-mi Vông-vi-chit, Xu-pha-nu-vông và Xi-xổm-phon Lò-văn-xay. Ngày 21 tháng 12 năm 1992, đồng chí Cay-sỏn Phôm-vi-hản từ trần, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI (từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 3 năm 1996):
Đại hội tiến hành tại thủ đô Viêng-Chăn, với 381 đại biểu đại diện cho 78.000 đảng viên trong cả nước tham dự. Đại hội đề ra phương hướng, mục tiêu quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trải qua chặng đường nhiều gian lao và đầy thử thách, Đảng đã lãnh đạo đất nước tiến hành đổi mới và giành được nhiều thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Uy tín quốc tế của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào không ngừng được nâng cao. Đây là tiền đề quan trọng nhằm xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng, vì hạnh phúc của nhân dân các bộ tộc Lào, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI gồm 49 đồng chí (trong đó có 4 đồng chí nữ), bầu Bộ Chính trị gồm 9 đồng chí. Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII (từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 3 năm 2001):
Đại hội tiến hành tại thủ đô Viêng-Chăn với 452 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 100 nghìn đảng viên trong cả nước. Đại hội đề ra đường lối chiến lược là đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 đưa đất nước thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng, đưa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vững bước tiến vào thế kỷ 21, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII gồm 53 ủy viên, bầu Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII gồm 11 ủy viên. Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần VIII (tháng 3 năm 2006):
Đại hội tiến hành tại thủ đô Viêng-Chăn với hơn 498 đại biểu, đại diện cho gần 148.600 đảng viên trong cả nước. Đại hội VIII có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước Lào, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của cách mạng Lào với việc đề ra đường lối tăng cường đoàn kết toàn Đảng và toàn dân tộc, tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đổi mới, sớm đưa đất nước khỏi tình trạng kém phát triển, tạo tiền đề vững chắc cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn 2006-2100, CHĐCN Lào phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 7,5%/năm, bằng việc phát triển nông-lâm nghiệp gắn chặt với công nghiệp và dịch vụ một cách mạnh mẽ và có trọng điểm, phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân theo đầu người 800 USD/năm… Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khóa VIII gồm 55 đồng chí, bầu Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 11 đồng chí và bầu Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 7 đồng chí. Đồng chí Chum-ma-ly Say-nha-sỏn được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX (tiến hành trong tháng 3 năm 2011):
Hơn nửa thế kỷ đã qua, kể từ ngày ra đời (22-3-1955) Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi vẻ vang: Ngày 2 tháng 12 năm 1975, giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, lập nên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới: Hòa bình, Độc lập, Dân chủ, Thống nhất, Thịnh vượng.
Trong ba thập kỷ gần đây, Đảng đã lãnh đạo nhân dân Lào vượt mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên vững chắc, kinh tế tăng trưởng liên tục, tình hình chính trị ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quan hệ quốc tế ngày càng được mở rộng, là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trên trường quốc tế.
Lê Thanh Hải
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam