Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào có 143 huyện. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng NDCM Lào, việc cải cách bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương, nhất là cấp huyện cần phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế khi tiến hành sự nghiệp đổi mới. Các giải pháp là:
1. Xây dựng và ban hành luật, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật làm nền tảng pháp lý cho cải cách bộ máy nhà nước cấp huyện.
Bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện là một tập hợp các cơ quan nhà nước đóng tại địa bàn huyện. Để các cơ quan đó hoạt động có hiệu quả cần xác định đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm phù hợp tình hình thực tiễn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy CNH, HĐH đất nước. Bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện giải quyết các vấn đề thực tế nảy sinh ở cơ sở và là đơn vị kế hoạch-tài chính. Là nơi tổ chức triển khai đường lối, chính sách, các quy định pháp luật của nhà nước và đồng thời tổ chức nhân dân tại địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định trên. Huyện đảm nhiệm chức năng giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp, đoàn kết nhân dân các bộ tộc, quản lý mọi hoạt động của nhân dân tại địa phương, vấn đề hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, đăng ký kết hôn, hoạt động văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh, đảm bảo ổn định chính trị, nâng cao đời sống của nhân dân. Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện phải được quy định rõ, đảm bảo hiệu lực pháp lý cho bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện được tổ chức và hoạt động đáp ứng yêu cầu quản lý- kinh tế xã hội bằng pháp luật.
Trong phương hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN phải tăng cường điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật phù hợp với các công ước quốc tế mà CHDCND Lào đã tham gia. Trong đề án xây dựng nhà nước pháp quyền đề ra kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi một số luật đã được ban hành trong đó có Luật Hành chính địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Cán bộ, công chức, Luật về thị xã, thị trấn...
Cần rà soát và hệ thống hoá các văn bản pháp luật, loại bỏ những quy định chồng chéo, trùng lắp và không phù hợp điều kiện xã hội hiện nay, không có kẽ hở có thể lợi dụng tham nhũng và lãng phí. Đổi mới quy trình xây dựng và ban hành luật, tuân thủ nguyên tắc dân chủ theo một quy trình khoa học, công khai với sự tham gia góp ý của nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp, giám sát, phản biện giữa các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp trong quá trình soạn thảo văn bản luật, khắc phục tình trạng thiếu khách quan, lợi ích cục bộ trong xây dựng văn bản luật. Việc xây dựng và ban hành, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật phải đồng bộ, bảo đảm bộ máy hành chính cấp huyện phát huy được dân chủ tại cơ sở, thông suốt, hiệu quả cao trong thực hiện phát triển kinh tế-xã hội. Phải phân định đúng, rõ ràng hình thức văn bản pháp luật trong tổ chức, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện, loại nhiệm vụ nào cần luật điều chỉnh, loại nhiệm vụ nào cần văn bản dưới luật điều chỉnh. Các văn bản luật đã được ban hành phải đăng công báo, đưa tin, tuyên truyền trên các phượng tiện truyền thông rộng rãi cho nhân dân biết và chấp hành nghiêm.
2. Hoàn thiện thể chế nền hành chính nhà nước dân chủ - pháp quyền cấp huyện có sự tham gia tích cực của người dân.
Bộ máy hành chính nhà nước là một thiết chế gồm nhiều bộ phận cấu thành. Để bộ máy đó hoạt động có hiệu quả yêu cầu phải xác định đúng chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan. Thực tế những năm qua ở cấp huyện hệ thống thể chế chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tế. Chưa có cơ chế để người dân tham gia vào quá trình quản lý nền hành chính do vậy hiệu lực, hiệu quả thấp. Để nền hành chính cấp huyện phù hợp với điều kiện thực tế thì phải mở rộng dân chủ, có ý kiến đóng góp từ mọi công dân Lào. Đồng thời phải có sàng lọc, tiếp thu những ý kiến hay, khoa học, hợp lý để xây dựng nền hành chính nhà nước cấp huyện một cách khoa học, có hiệu lực, đạt đến hiệu quả cao trong dịch vụ công.
Cần điều chỉnh làm rõ và thực hiện đúng chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các cơ quan cấp huyện trở thành các đơn vị hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý vi mô. Định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các phòng, ban và người đứng đầu cấp huyện. Phân công, phân cấp, nâng cao tính chủ động của các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một dấu. Thực hiện triệt để việc tách quản lý hành chính nhà nước với quản lý sản xuất, kinh doanh và quản lý hoạt động của tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công.
Xóa bỏ về cơ bản các thủ tục hành mang tính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp. Hoàn thiện các thủ tục hành chính theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện cho dân. Các cơ quan trong hệ thống hành chính cấp huyện phải được xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng. Chuyển một số công việc và dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận. Cơ cấu của cơ quan hành chính cấp huyện tiến tới gọn nhẹ, hợp lý theo nguyên tắc sáp nhập ngành, lĩnh vực có chức năng, nhiệm vụ gần nhau.
3. Xác lập mô hình tổ chức hành chính cấp huyện bảo đảm hoạt động có hiệu quả, phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển và hội nhập.
Huyện cấp 1 là huyện đông dân, diện tích đồng bằng nhiều, có nhiều đô thị, vì vậy xây dựng mô hình gồm 13 đầu mối cơ quan hành chính nhà nước và có điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ:
Văn phòng huyện: Kiện toàn tập trung chủ yếu vào chức năng tham mưu cho huyện trưởng quản lý, điều hành các phòng chuyên môn quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tách bộ phận phụ trách công tác đảng khỏi văn phòng huyện. Các phòng khác là: tư pháp, tài chính, nông lâm, công thương, công chính và vận tải, kế hoạch và đầu tư, giáo dục, y tế, quản lý đô thị, truyền thông và văn hóa, thể thao và du lịch, lao động và phúc lợi xã hội, quản lý tài nguyên (khoáng sản, đất, nước) và môi trường.
Huyện cấp 2, dân số tương đối đông, có nhiều rừng, vẫn có đất nông nghiệp, có đô thị, nên tổ chức mô hình gồm 12 đầu mối, gồm: Văn phòng huyện, các phòng: tư pháp; tài chính; nông lâm; kế hoạch và đầu tư ; công thương; giáo dục; công chính và vận tải; y tế; truyền thông, văn hóa, thể thao và du lịch; lao động và phúc lợi xã hội; cơ quan quản lý tài nguyên (khoáng sản, đất, nước) và môi trường.
Huyện cấp 3, nhiều rừng, rất ít đất nông nghiệp, ít dân, giao thông chưa phát triển, không có hoặc ít đô thị, Trung ương chi ngân sách là chủ yếu. Tổ chức mô hình gồm 11 đầu mối: Văn phòng huyện, các phòng: tư pháp; nông lâm; công thương; tài chính, kế hoạch và đầu tư; giáo dục; công chính vận tải; y tế; truyền thông, văn hóa, thể thao và du lịch; lao động và phúc lợi xã hội; cơ quan quản lý tài nguyên (khoáng sản, đất, nước) và môi trường.
Khi sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện phải tiến hành đồng bộ với việc cải cách hệ thống chính trị ở huyện. Văn phòng huyện hiện đang thực hiện cả công tác đảng, cần được kiện toàn theo hướng tách công tác đảng thành văn phòng riêng, thành lập văn phòng huyện ủy cùng với các ban tổ chức, tuyên huấn, ủy ban kiểm tra, chuyên trách công tác xây dựng đảng. Các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Lào xây dựng Tổ quốc, đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Lào, hội liên hiệp phụ nữ, công đoàn, liên hiệp cựu chiến binh ở huyện phải hoạt động đúng với vai trò, chức năng là tổ chức đại diện cho đoàn viên, hội viên, công đoàn viên của mình. Khắc phục tình trạng "hành chính hóa" trong hoạt động đoàn thể.
4. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy hành chính cấp huyện.
Cán bộ có vai trò quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại trong tổ chức thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong thời kỳ đổi mới của đất nước, với điều kiện và hoàn cảnh mới, vai trò của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp huyện càng trở nên quan trọng. Đổi mới và hoàn thiện công tác quản lý cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tiến hành tổng điều tra, đánh giá, rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức nhằm xác định chính xác số lượng, chất lượng của toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện. Trên cơ sở đó quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đúng với yêu cầu công tác. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức để từng bước tiếp cận dần với hệ thống quản lý cán bộ, công chức bằng tin học ở cơ quan hành chính Nhà các cấp. Sửa đổi, bổ sung các quy định về cán bộ, công chức đã ban hành. Quy định rõ tiêu chuẩn chức danh nghiệp vụ cán bộ, công chức. Phân định rõ các chức danh của từng cán bộ, công chức để phù hợp với yêu cầu từng vị trí công việc, là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ và biết được năng lực, phẩm chất của họ. Xác định biên chế cán bộ, công chức hợp lý gắn với yêu cầu công việc thực tế và điều kiện của từng huyện. Hoàn thiện chế độ tuyển dụng cán bộ, công chức cấp huyện, tổ chức thi tuyển. Trong thi tuyển phải đảm bảo tính dân chủ, khoa học và công bằng, công khai, để sàng lọc lấy người đủ năng lực và phẩm chất, đúng tiêu chuẩn. Đồng thời phải thực thi triệt để công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý cấp huyện. Thực hiện tinh giản biên chế, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức không đủ tiêu chuẩn. Thực hiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức. Có chế độ đãi ngộ phù hợp, khuyến khích cán bộ, công chức gắn bó với địa phương, nhân dân, yên tâm công tác và phát huy được trí tuệ của họ.
5. Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các phòng cấp huyện.
Các phòng chức năng cấp huyện cần được hiện đại hóa, trang bị các phương tiện kỹ thuật phù hợp với từng chức năng. Tăng ngân sách, các nguồn thu khác cho việc nâng cấp một số trụ sở cấp huyện để có nơi làm việc khang trang. Đổi mới hệ thống, phương thức tiếp dân, phục vụ nhân dân theo hướng văn minh. Nhà nước cần đầu tư mạnh một số nội dung sau:
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hành chính nhà nước nói chung và hành chính nhà nước cấp huyện nói riêng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho việc quản lý hành chính có hiệu quả hơn: Cập nhật thông tin nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm thời gian. Các cấp lãnh đạo, nhờ công nghệ thông tin, có thể thường xuyên nắm được tình hình biến động cũng như chất lượng công tác hành chính, công tác phục vụ nhân dân một cách nhanh chóng và chính xác. Xử lý cơ sở dữ liệu bằng các phần mềm máy tính với các phương pháp thích hợp đảm bảo tính khoa học, chính xác với độ tin cậy cao. Công nghệ thông tin giúp cho việc nhận định, đánh giá công tác hành chính nhà nước toàn diện và chính xác, trên cơ sở đó có thể dự kiến các phương hướng, đề ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn. Công nghệ thông tin là phương tiện hữu hiệu để khách quan hóa công tác hành chính nhà nước cấp huyện.
Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các trụ sở văn phòng cấp huyện, trang bị các thiết bị văn phòng bảo đảm hoạt động quản lý, xử lý thông tin. Cải cách bộ máy hành chính nhà nước đặt ra yêu cầu phải đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới các trụ sở văn phòng, nơi làm việc của các phòng, ban và cơ quan tương đương ở cấp huyện. Đồng thời phải mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị văn phòng hiện đại như máy vi tính, máy photocopy, tủ tài liệu, bàn làm việc, điện thoại, máy fax... bảo đảm điều kiện làm việc thuận lợi cho các cơ quan và cán bộ, công chức.
6. Có chế độ công vụ chuyên nghiệp, đảm bảo tính trách nhiệm, công khai, minh bạch hoạt động công vụ. Có sức đề kháng cao với tệ quan liêu, tham nhũng.
Phân định chức năng công quyền với quản lý sự nghiệp, cung ứng dịch vụ công. Xây dựng cơ chế, chế độ công vụ khoa học, công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ. Xây dựng cơ cấu công chức theo yêu cầu công tác từng loại cơ quan, theo chiến lược phát triển và nhiệm vụ ưu tiên của công việc từng giai đoạn. Quy định rõ yêu cầu, tiêu chuẩn đối với từng chức danh và mối quan hệ phối hợp giữa các vị trí công tác. Bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện được tổ chức tinh gọn, rõ thẩm quyền và trách nhiệm. Hoàn thiện chế độ thủ trưởng, đề cao vai trò người đứng đầu các cơ quan công quyền, phát huy tính quyết đoán, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đẩy mạnh phân cấp trung ương - địa phương (tỉnh - huyện) và xã hội hóa cung ứng dịch vụ công để nền hành chính gần dân. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đã ban hành và sử dụng các chế tài pháp luật để xử lý vi phạm nhằm chấn chỉnh trật tự, kỷ cương.
Cải cách, đổi mới bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện cần tiến hành trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Đảng, chỉ thị, hướng dẫn của Chính phủ, nhất là bài học, kinh nghiệm cải cách bộ máy hành chính của 6 huyện đã được làm thí điểm. Bảo đảm bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện thực sự là bộ máy công quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân theo định hướng XHCN.