Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: Vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên nông thôn là sự bảo đảm cho việc nâng cao năng lực cầm quyền của các tổ chức đảng ở nông thôn, tạo nền móng vững chắc cho “sự sinh tồn và phát triển” của Đảng hiện nay.
Dân số nông thôn Trung Quốc chiếm 63,8% tổng số dân toàn quốc với 2/3 tổng hộ dân(1). Đội ngũ đảng viên nông thôn chiếm tỷ lệ đông trong hơn 70 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, xu hướng thành thị hóa, công nghiệp hóa đã tạo ra thay đổi lớn cả tích cực lẫn tiêu cực về kinh tế, xã hội, môi trường nông thôn cũng như tâm lý, tập quán, lối sống, quan niệm về giá trị của người dân. Đảng viên nông thôn ở Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu thế đó, bị ảnh hưởng sâu sắc đến việc giác ngộ lý tưởng, trình độ chính trị, sự tu dưỡng đạo đức, lối sống, tố chất năng lực và tính tiên phong của người cộng sản. Đặc biệt, do điều kiện kinh tế-xã hội vùng nông thôn còn thấp, năng suất lao động chưa cao, thu nhập tăng chậm và áp lực “mưu sinh”, làm giàu mà không ít đảng viên thờ ơ với việc tham gia sinh hoạt đảng, ít chấp hành nghĩa vụ đảng viên, mất dần sự ủng hộ của quần chúng, “ở một số địa phương, số đảng viên đó chiếm trên 50% tổng số đảng viên nông thôn”(2).
Vì vậy, việc giữ gìn, nâng cao tính tiên phong của đảng viên nông thôn được Đảng Cộng sản Trung Quốc quan tâm, đặt lên hàng đầu. Trong điều kiện lịch sử mới - cải cách, mở cửa, khi nói về tính tiên phong của đảng viên, Chủ tịch Giang Trạch Dân nhấn mạnh: “Tăng cường rèn luyện tính đảng bằng năm gương mẫu: gương mẫu giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, gương mẫu gian khổ phấn đấu, vô tư cống hiến, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, gương mẫu làm việc đến nơi đến chốn, cố gắng không ngừng, tận tụy công tác, gương mẫu chống lại các hiện tượng tiêu cực hủ bại, phát huy tác phong mới xã hội chủ nghĩa”(3).
Đối với đảng viên nông thôn, ngoài những qui định chung về tiêu chuẩn mang tính nguyên tắc, còn phải: dẫn đầu trong việc thi đua lao động sản xuất lớn hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp; đi trước trong việc làm giàu cho bản thân, gia đình, biết dẫn dắt quần chúng cùng giàu lên theo đúng pháp luật và luôn giúp đỡ người nghèo khó. Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm lao động, sản xuất kinh doanh, nghề nghiệp, vị trí công tác của từng loại đảng viên nông thôn mà có yêu cầu cụ thể hơn. Đảng viên thuộc tầng lớp doanh nghiệp tư nhân, sản xuất, buôn bán cá thể thì phải giúp đỡ, dẫn dắt nông dân làm giàu, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi. Đảng viên làm việc lưu động ở các đô thị đóng vai trò gương mẫu trong việc cung cấp thông tin thị trường, đầu tư vốn về nông thôn. Đảng viên thuần nông là chủ các hộ chuyên chăn nuôi, trồng trọt phải làm gương trong áp dụng khoa học, kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, phát triển qui mô nông trại hợp lý để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm nông nghiệp...
Từ cuối những năm 1990, Đảng Cộng sản Trung Quốc mở nhiều cuộc tọa đàm về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng nông thôn, lấy chi bộ làm hạt nhân và là khâu đột phá trong xây dựng, chỉnh đốn tác phong của đảng viên nông thôn. Năm 1994, Ban Chấp hành Trung ương ra thông báo “Ý kiến về tăng cường và cải tiến công tác giáo dục đảng viên” và triển khai các phong trào học tập lý luận Đặng Tiểu Bình, học tập Điều lệ Đảng, giáo dục tư cách đảng viên.
Đầu năm 2005, phong trào nâng cao, bảo vệ tính tiên phong của đảng viên được phát động, hơn 15 triệu đảng viên nông thôn tham gia học tập thuyết “3 đại diện” và đã thu được những kết quả nhất định.
Tiền phong, gương mẫu của đảng viên nông thôn là con đường trực tiếp nhất, cơ bản nhất để quần chúng nông thôn nhận thức đúng về Đảng và tin theo Đảng. Bởi vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương tiếp tục nâng cao tính tiền phong của đảng viên nông thôn:
Một là, hướng dẫn, giáo dục, định hướng cho đảng viên có nhận thức mới về làm giàu và làm giàu đúng đắn. Đó là, đảng viên của Đảng phải giàu lên trước, giàu một cách hợp lý, hợp pháp; biết dẫn dắt, giúp đỡ những đảng viên nghèo và quần chúng cùng làm theo; tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong sản xuất và đời sống của nhân dân để cùng giàu lên; làm giàu nhưng phải góp phần đắc lực vào việc phân phối thu nhập của xã hội nông thôn theo hướng công bằng, hợp lý nhằm tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân nông thôn được thụ hưởng nhiều lợi ích thực tế từ những tấm gương của đảng viên.
Hai là, giáo dục, tuyên truyền đảng viên nông thôn nhận thức rõ mối quan hệ giữa nghề nghiệp và tính đảng; từ vị trí công tác của từng đảng viên mà xác định tính tiên phong để từ đó gương mẫu vận động, hướng dẫn những lao động dôi dư, nhàn rỗi trong sản xuất nông nghiệp biết cách chuyển sang làm những ngành, nghề khác có lợi hơn, tránh lãng phí sức lao động. Đảng viên nông thôn phải đóng vai trò thúc đẩy ngày càng nhiều lao động trên lĩnh vực nông nghiệp tham gia các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ để tăng thu nhập và rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo, phân tầng trong xã hội nông thôn hiện nay.
Ba là, tổ chức đảng triển khai sâu, rộng hoạt động học tập của đảng viên, coi đó là yếu tố căn bản để nâng cao tính tiên phong. Nội dung học tập phải đa dạng, phong phú, phải căn cứ vào nghề nghiệp của đảng viên, môi trường và yêu cầu mới của xã hội; kết hợp học tập lý luận chính trị với học văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng làm giàu. Hình thức học tập phải linh hoạt, sáng tạo, kết hợp giữa trường đảng, các trường đại học, cao đẳng với học từ xa và qua các phương tiện thông tin truyền thông. Đi liền với học tập phải có cơ chế kiểm tra, đánh giá, khen thưởng để động viên, khuyến khích đảng viên học tập, rèn luyện.
Bốn là, xuất phát từ đặc điểm của đảng viên nông thôn mà thiết lập cơ chế quản lý mới với nội dung, hình thức phù hợp để quản lý, theo dõi đội ngũ đảng viên. Việc xây dựng cơ chế mới theo hướng: lập nhiều nhóm, tổ hoạt động, sinh hoạt sôi nổi của đảng viên để đi sâu vào từng đối tượng trên địa bàn dân cư nông thôn, dẫn dắt quần chúng phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định an ninh, trật tự xã hội ở cơ sở; chuyển trọng tâm từ giáo dục tư tưởng, giám sát hành vi là chính sang hướng dẫn tư tưởng, định hướng, quản lý hành vi, quan tâm đến đời sống là chính, nhất là những đảng viên, những gia đình quần chúng còn nghèo khó cần có sự giúp đỡ để vươn lên.
Năm là, xây dựng cơ chế kiểm tra, đánh giá đảng viên; định kỳ, tổ chức đảng tiến hành khảo sát việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách, việc gương mẫu của đảng viên để kịp thời uốn nắn lệch lạc, biểu dương những đảng viên tiên tiến, đi đầu trong các phong trào của quần chúng ở nông thôn. Đồng thời, tiến hành thanh lọc những đảng viên vi phạm tiêu chuẩn, vận động những đảng viên không còn tiên phong, gương mẫu ra khỏi Đảng.
Sáu là, chú trọng bồi dưỡng những quần chúng ưu tú trong lao động ở nông nghiệp biết làm giàu, tuân thủ pháp luật, biết giúp đỡ người khác trở thành đảng viên, thành những cán bộ của thôn. Đẩy mạnh kết nạp những chủ doanh nhiệp tư nhân, những người buôn bán, kinh doanh cá thể, những người có nhiều cống hiến trong việc thay đổi quê hương nông thôn đứng vào hàng ngũ của Đảng.