Chừng nào có nhiều cán bộ lãnh đạo sâu sát với dân, bắt được "nhịp thở" của dân, ắt sẽ có nhiều quyết sách mang ý Đảng, lòng dân, sẽ có nhiều đầy tớ trung thành với nhân dân đúng như mong muốn của Bác Hồ. Và Đảng ta sẽ có nhiều đảng viên ưu tú xứng đáng với niềm tin yêu của dân.
Thời phong kiến, có một số vị vua giả dạng thường dân thâm nhập vào cuộc sống dân dã để tận mắt xem dân tình dưới thời họ cai trị sinh sống ra sao. Đó là nghĩa cử cao đẹp của người trị nước đáng được tôn vinh. Đảng và Bác Hồ từng dạy cán bộ, đảng viên ta phải là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, việc gần gũi, sát cánh bên dân là việc làm rất bình thường.
Đời sống xã hội thay đổi đã đẩy một bộ phận cán bộ, đảng viên nhanh chóng “thích nghi” với cuộc sống “đổi đời”: nhà cao cửa rộng, tiện nghi đầy đủ, quen ăn cao lương mỹ vị, uống rượu ngoại… Trong số họ, ít ai có dịp gần gũi với người lao động chân lấm tay bùn, với công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ… Ít ai trong số họ hiểu tường tận những cơ cực của người dân …
Cán bộ lãnh đạo nên “vi hành” các “điểm nóng” như nơi nộp thuế, hoàn thuế, nơi làm hồ sơ nhà đất, nơi kiểm định các phương tiện giao thông, vận chuyển hành khách, bến tàu xe, bệnh viện, vùng sâu, vùng xa… để “tai nghe, mắt thấy” tường tận, để xem tổ chức đảng ở đó hoạt động ra sao, từ đó có những quyết sách sát đúng. Hồi xưa, các vua, chúa làm được điều khó khăn ấy. Bác Hồ của chúng ta cũng xắn quần lội ruộng, “3 cùng” với dân. Bây giờ sao hiếm thấy cán bộ lãnh đạo từ cấp huyện trở lên băng rừng lội suối, vào vùng sâu, vùng xa, những nơi giao thông khó khăn, những nơi người dân thấp thỏm, vật lộn với cuộc sống qua ngày, nơi mà người dân không đủ điều kiện đón Tết, mừng xuân...?
Nguyễn Thanh Liêm
10/120A khu 5 Trà Ôn, Vĩnh Long