Trở về lần thứ hai

Tiếng đồn về Thoại rất khác nhau… Kẻ bảo hắn bóc lột như một ông chủ tư bản. Bằng chứng là hắn điều khiển một lúc những 600 người. Nhà máy của hắn lại không thuộc sở hữu nhà nước. Lấy sử sách ra mà soi, không bóc lột giai cấp công nhân là gì? Người lại xem hắn như một ân nhân bởi không có hắn thì lấy đâu ra tiền nuôi những đứa con của họ đang tuổi ăn học? Bao nhiêu chiến sĩ xuất ngũ nhờ hắn mà không thất nghiệp. Lắm anh, nhà ngói đã thay những túp lều tranh.    

Lãnh đạo địa phương nói về hắn cũng không giống nhau. Người thì bảo đấy là nhân tố mới, là doanh nghiệp tư nhân điển hình tham gia vào quá trình CNH-HĐH đất nước. Người lại lo, cứ đà này thì sớm muộn hắn sẽ lạc đường, tha hóa và nếu nhiều kẻ làm theo hắn thì đất nước mình cũng chệch hướng...  


Thoại và tôi “4 cùng”: cùng quê, cùng tiểu đội hồi chống Mỹ, cùng tòng quân ở tuổi trăng tròn, cùng làm lính chưa được hai năm đã được dự trận quyết chiến mang tính chiến lược ở Tây Nguyên. Hắn chiến đấu dũng cảm, được kết nạp đảng ngay tại mặt trận. (Còn tôi đọc lời thề dưới lá cờ búa liềm muộn hơn hắn đúng hai mươi năm). Hết giặc, cả hai chúng tôi trở về lành lặn. Tôi tiếp tục đi học. Hắn không theo con đường chữ nghĩa mà đi theo con đường vào nhà máy, làm công nhân để kiếm sống. Thời bao cấp, khi chưa đổi mới, nhiều nhà máy trong tình trạng “sống mòn”. Hắn xin thôi việc về quê. Về quê, hắn không sinh hoạt đảng. Giấy giới thiệu sinh hoạt đảng, lý lịch… những giấy tờ thiêng liêng ấy hắn gói chặt và cất giữ như một kỷ vật. Ngoài gói “kỷ vật”, hắn viết:": Mình không sinh hoạt đảng nữa nhưng mãi mãi vẫn làm theo lý tưởng của người cộng sản".  


Viện nghiên cứu của tôi không còn "bầu sữa bao cấp" nữa. Sản phẩm không thể chỉ là những báo cáo khoa học đọc xong rồi cất vào ngăn kéo. Trở thành hàng hóa thì phải có người mua. Có khó khăn thật nhưng con đường khoa học đã rộng mở. Tôi nghĩ ngay đến Thoại. Tìm về quê, lúc này hắn đã trở thành ông chủ sau bao khó khăn chất chồng. Hai thằng tôi chẳng trò chuyện nhiều về con đường đi lên của hắn bởi tính hắn không thích nhắc đến những khó khăn trước đây, sợ phải nghe lại những lời ngợi khen sáo rỗng.  


Tôi thường xuyên về nhà máy của hắn. Khác với những ông giám đốc cổ cồn, hắn làm việc quần quật. Nói cách khác, hắn "bóc lột" cả ... chính mình. Phần lớn thời gian hắn ở các phân xưởng. Hắn thường không ngủ trước nửa đêm. Cảnh "khách một, chủ mười" xa lạ đối với hắn. Hắn nộp thuế đầy đủ, tiền đóng góp vào ngân sách nhà nước lên đến hàng tỷ. Hắn tham gia công tác từ thiện từ tấm lòng chứ không chạy theo mốt… Nói gọn, chất lính vẫn còn “sung mãn” trong con người hắn...  


Một hôm, xong việc khảo nghiệm một công cụ do viện tôi thiết kế, ngồi nhắc lại chuyện xưa, tôi hỏi: -
Tại sao hồi ấy, cậu dám bỏ sinh hoạt đảng? Như thế là vô kỷ luật! Nếu cấp trên mà biết, chắc chắn cậu đã xơi một... cái án khai trừ hẳn hoi! Liệu có được như ngày nay không?

Tôi đã đánh trúng vào tim đen của hắn. Sau một hồi im lặng, hắn thở dài: - Biết là sai nhưng không có cách nào khác. Cậu biết đấy, từ ngày ở chiến trường, tớ vẫn trả lời chỉ huy bằng hành động. Xưa, ngồi dưới chiến hào, chúng ta không sợ chết, chỉ ước ao được sống để có ngày trở về. Lần trở về ấy trọn vẹn. Bây giờ tớ lại mong được trở về lần thứ hai - trở về với Đảng. Cậu góp ý cho tớ cần phải làm gì để có một ngày như thế ?  

Câu hỏi này với tôi thật không hề đơn giản! Thế nhưng, cứ xem việc hắn làm thì cũng có thể tha thứ? Mà Đảng thì luôn rộng lòng với tất cả chúng ta nếu biết nhận ra lỗi lầm. Tôi đang đợi ngày hắn trở về lần thứ hai...

Phản hồi (2)

Lê Liêm 30/05/2011

Bài viết hay.

Bạch Yến 30/05/2011

Bài viết hay quá! Với những người như "hắn", chắc chắn Đảng luôn giang tay đón "hắn" trở về! Đảng cần lắm những doanh nhân giỏi, có tâm với Đảng, có lòng với sự nghiệp cách mạng này.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất