Thực tế cho thấy cần bổ sung những quy định cụ thể, định lượng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn cho từng tổ chức, cá nhân trong hoạt động của doanh nghiệp. Khi xảy ra vi phạm phải tìm được cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm ở mỗi cấp có liên quan.
Ngày 16-4-2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với ông Vũ Quốc Hảo - nguyên Giám đốc Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo Kiểm toán nhà nước công bố, năm 2009, Công ty cho thuê tài chính II lỗ 3.000 tỷ đồng. Số tiền này bằng một nửa số tiền (7.000 tỷ đồng) Chính phủ dự định giảm thuế thu nhập cho 200 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ và bằng số tiền mà Nhà nước hỗ trợ đột xuất (bao gồm cả hỗ trợ tiền điện) cho 15 triệu người nghèo và đối tượng chính sách.
Sai phạm ở ALC II có nhiều nguyên nhân. Trong đó, cách bố trí cán bộ ở Agribank tạo kẽ hở cho thất thoát. Ở vị trí Chủ tịch HĐQT Agribank kiêm Chủ tịch HĐQT ALC II, ông Đỗ Tất Ngọc (nay đã nghỉ hưu) có điều kiện thuận lợi để ký một số văn bản trái quy định của Ngân hàng nhà nước, mở đường cho ALC II sai phạm. Không chỉ ở ALC II, tại nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện nay, cán bộ lãnh đạo, quản lý được sử dụng như công chức, viên chức, chỉ được thay thế khi đến tuổi hưu, hoặc có vi phạm nghiêm trọng. Đây là một rào cản trong công tác cán bộ. Do vậy, doanh nghiệp, dù tìm được người tài cũng khó tiến cử vì không thay nổi nhân sự cấp cao hiện hành. Doanh nghiệp thiếu cơ sở và chưa thường xuyên giám sát, đánh giá về hội đồng quản trị và những người giữ vị trí quản lý, điều hành. Chưa có những quy định cụ thể điều chỉnh kịp thời về cán bộ, chưa có tiêu chuẩn định lượng để đánh giá ai hoàn thành nhiệm vụ và ngược lại làm sao doang nghiệp có thể luôn có những cán bộ đủ đức, tài thực hiện nhiệm vụ, hạn chế sai phạm?
Một nguyên nhân khác hầu như nhà quản lý nào cũng thấy và không chỉ ở trường hợp ALC II nhưng những giải pháp được thực hiện không có hiệu quả. Đó là trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm thuộc nhiều cơ quan khác nhau, ở nhiều cấp khác nhau, người chịu trách nhiệm chính không quy định rõ ràng. Giữa các cơ quan đó lại phối hợp với nhau không chặt chẽ, cung cách làm việc với doanh nghiệp quan liêu, tập trung chủ yếu vào việc yêu cầu doanh nghiệp báo cáo; kiểm tra, giám sát trên cơ sở báo cáo thì việc thất thoát là không tránh khỏi. Chúng ta không thiếu cơ quan giám sát nhưng những vụ thất thoát ở doanh nghiệp nhà nước ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng. Những vi phạm của ALC II diễn ra trong thời gian dài cho thấy hệ thống kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước này đã bị vô hiệu hoá. Hưởng lương từ doanh nghiệp, những người trong ban kiểm soát trở thành nhân viên dưới quyền của hội đồng quản trị và những người điều hành doanh nghiệp. Trách nhiệm của tổ chức đảng và cá nhân bí thư cấp uỷ chịu trách nhiệm đến đâu trong vi phạm, khi quy định chỉ chung chung là hạt nhân chính trị tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh?
Thực tế cho thấy cần bổ sung những quy định cụ thể, định lượng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn cho từng tổ chức, cá nhân trong hoạt động của doanh nghiệp. Khi xảy ra vi phạm phải tìm được cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm ở mỗi cấp có liên quan. Đồng thời phải xử lý nghiêm tất cả những người có trách nhiệm theo nguyên tắc quyền càng cao thì trách nhiệm càng lớn và trừng phạt càng nặng. Nhưng quan trọng hơn là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có chất lượng, có quy chế bảo đảm tính công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không chỉ trong công tác cán bộ mà trong toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp để ngăn chặn những vi phạm. Bởi phòng bao giờ cũng hiệu quả hơn chống và cái gốc của mọi công việc bao giờ cũng là cán bộ.
Nguyễn Thuý Hoàn