Tham nhũng hiện đã xuất hiện tại khắp các quốc gia trên thế giới. Vấn nạn này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trên toàn cầu, đặc biệt là dân nghèo ở các nước đang phát triển. Ngày 9-12 hằng năm đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn là “Ngày Quốc tế Phòng, chống tham nhũng”. Tại Việt Nam, công tác phòng, chống tham nhũng luôn luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.
Ngày 31-10-2003, Công ước Liên hợp quốc về PCTN đã được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14-12-2005. Công ước được phê chuẩn bởi hơn 2/3 trong tổng số 192 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc. Thực tế cho thấy, tham nhũng ảnh hưởng nhiều nhất tới người nghèo. Các chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ, phương tiện truyền thông và nhân dân trên toàn thế giới đang liên kết đấu tranh chống tham nhũng.
Ngày 30-6-2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về PCTN, có hiệu lực từ ngày 18-9-2009 dựa trên căn cứ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005. Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng bao gồm 53 hoạt động chính về tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng và nội dung Công ước, nội luật hoá các quy định để đáp ứng yêu cầu của Công ước.
Tháng 11-2010, tại hội thảo xây dựng, hoàn chỉnh văn bản quy định chế độ báo cáo công tác PCTN và hệ thống tiêu chí đánh giá, đo lường tham nhũng và công tác PCTN, đánh giá sau 3 năm triển khai, Thanh tra Chính phủ đã khẳng định, công tác PCTN đã có chuyển biến rõ rệt so với giai đoạn trước.
Nhận định về công tác PCTN tại Việt Nam kể từ khi thực hiện Công ước Liên hợp quốc về PCTN, ông Rolf Bergman, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam đã đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 cũng như bắt đầu một số hoạt động rất quan trọng trong việc soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin và việc tổ chức thành công Ngày sáng tạo Việt Nam năm 2009 với chủ đề “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng”.
Theo đánh giá của Đại sứ Vương quốc Thụy Điển, Chính phủ Việt Nam đã coi tham nhũng là vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự, tích cực ngăn chặn tham nhũng thông qua các cam kết quốc tế và xây dựng các chính sách quốc gia và luật pháp.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động hợp tác đa phương trong khu vực và quốc tế, nhất là trong lĩnh vực PCTN. Hoạt động hợp tác đa phương đã đạt nhiều kết quả, bước đầu góp phần thiết thực tăng cường hiệu quả công tác PCTN, nâng cao uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Hoài Vũ
(Nguồn: Đại đoàn kết online)