Suốt mấy tuần qua, tôi phải tắt máy điện thoại trốn về nhà làm báo cáo! Nào là báo cáo tổng kết năm của chuyên môn, nào là báo cáo tổng kết công tác xây dựng đảng của chi bộ, rồi báo cáo tổng kết công tác thông tin - dư luận xã hội và không dưới 10 loại báo cáo khác của các ngành, các tổ chức và đoàn thể mà tôi có tham gia. Mỗi loại báo cáo ít cũng vài trang đánh máy, nhiều lên đến chục trang. Rồi lục, tìm, đi xuống cơ sở để xin số liệu… Nhiều hôm mệt quá ngủ gục luôn tại bàn làm việc. Vợ tôi nói vui với con cháu là tháng này bố ăn ngủ với báo cáo. Tôi mới sực nhớ câu nói vui nhưng rất sâu sắc của anh bạn trước đây từng làm cấp phó của một huyện, anh xin được “phụ trách chung” một khoá rồi về hưu cũng được!
Vẫn biết rằng cần có số liệu tổng kết mặt được, chưa được, nguyên nhân, giải pháp để năm tới làm tốt hơn nhưng với cái gì cũng phải báo cáo sẽ tạo nên sự quan liêu cho cấp trên, không sát cơ sở. Còn cơ sở đôi khi làm đối phó, thậm chí phải “liều liệu" để có số mà báo cáo, bởi nếu không sẽ bị phê bình, sẽ không có điểm thi đua, mất khen thưởng…
Chúng ta đang thực hiện cải cách hành chính, giảm những thủ tục rườm rà không cần thiết, mọi cấp, mọi ngành đều đã có cán bộ phụ trách từng khâu. Nên chăng cần giảm, hoặc bỏ bớt chế độ báo cáo bằng văn bản, chuyển thành báo cáo trực tiếp, vừa nhanh lại phát huy được vai trò của cán bộ, nhất là cán bộ tham mưu. Cán bộ cơ sở không phải lo miệt mài, ngồi lì viết báo cáo, mà dành thời gian trực tiếp với dân, giải quyết vấn đề từ thực tiễn, đòi hỏi của cuộc sống, chắc chắn phong trào sẽ lên, bệnh quan liêu, giấy tờ sẽ bớt và... không còn nữa!
Phùng Văn Mùi
(Huyện ủy Con Cuông, Nghệ An)