UBND Tp. Đà Nẵng vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành không tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước. Việc này gây tranh cãi trong dư luận.
Ý kiến đồng tình với việc cấm cho rằng đào tạo tại chức kém chất lượng. Cấm là để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Cấm là để bảo đảm công bằng, vì thi vào đại học rất khó. Sau khi tốt nghiệp, nếu không có tiền hoặc có “dây mơ, rễ má” rất dễ thất nghiệp. Trong khi vào học tại chức không khó, quá trình học tập và thi, kể cả thi tốt nghiệp cũng không chặt bằng chính quy. Sau tốt nghiệp, chỉ cần có tiền, là con ông cháu cha hoặc quen biết là có thể vào giữ những vị trí “ngon”…
Ý kiến phản đối cho rằng làm như vậy là sai Luật Cán bộ công chức. Luật Cán bộ công chức không cấm người có bằng tại chức dự tuyển công chức. Nhà nước không phân biệt bằng cấp trong hệ thống giáo dục quốc gia. Không phải ai tốt nghiệp hệ tại chức cũng không có năng lực. Cấm tuyển người tốt nghiệp tại chức là ứng xử không công bằng giữa các loại bằng cùng do Nhà nước cấp. Hơn nữa, khi đã có tiêu cực trong tuyển dụng thì dù có cấm vẫn lọt những người không đủ năng lực…
Ý kiến đồng tình và phản đối đều có lý riêng của mình và có thực tiễn chứng minh. Trong thực tế, không chỉ Đà Nẵng, nhiều cơ quan không chỉ đạo bằng văn bản chính thức nhưng cũng không tuyển những người có bằng tốt nghiệp tại chức. Vì sao vậy? Điều đó có lý do chính là chất lượng đào tạo tại chức thấp và mục đích cấm là để tuyển chọn được những người có đủ đức, tài nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hoạt động của tổ chức, bộ máy. Cấm là hình thức chặn ngay từ cửa những người kém chất lượng vào cơ quan. Nhưng liệu đó có là cách tối ưu? Liệu có nhờ cấm mà nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức? Chưa hẳn. Bởi chừng nào còn tiêu cực trong học và thi, trong tuyển dụng cán bộ, công chức thì chừng đó cấm không hiệu quả. Ai dám khẳng định những người có bằng chính quy đều tài giỏi và ai có bằng tại chức cũng đều yếu kém?
Cấm là biện pháp ngọn, giải quyết tình thế, không phải biện pháp giải quyết từ gốc. Giải pháp hữu hiệu phải là mở rộng dân chủ, công khai trong công tác cán bộ, tạo môi trường bình đẳng cho những ai có trình độ, năng lực được thi tuyển công bằng, được đánh giá, lựa chọn chính xác, bất kể họ có loại bằng nào. Căn cơ hơn, phải nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, diệt trừ các kiểu “chạy” mới tuyển dụng được nhiều hiền tàì, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong thế giới đầy thách thức hiện nay.
Nguyễn Thuý Hoàn