Phải chăng chưa thực sự dựa vào dân?
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: "Cán bộ là đày tớ của nhân dân".
Trong cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời khi được hỏi về đánh giá cán bộ công chức: Tôi không tin tỷ lệ 1%. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết chỉ có 1% cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, đạo đức kém. Nhân dân có tin tỷ lệ 1% không? Câu trả lời: Không. Vì sao vậy? Bởi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã khẳng định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Một bộ phận “không nhỏ” không thể chỉ là 1%. Nhưng là bao nhiêu, cụ thể là ai, ở đâu? Câu hỏi này vẫn chưa có lời đáp chính xác dẫu việc thực hiện Nghị quyết đã đi được một chặng đường không ngắn.

Làm sao đây? Các nhóm giải pháp đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ nhưng vì sao kết quả thực hiện chưa được như mong muốn? Phải chăng, chưa thực sự dựa vào dân? Mấy mươi năm qua, từ khi ra đời, đảm đương trách nhiệm vụ lịch sử giao phó, lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược vang dội địa cầu, cùng với đường lối đúng đắn, Đảng luôn dựa vào dân, đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân đi theo, trở thành sức mạnh vô địch. Dân là chỗ dựa, là sức mạnh quan trọng nhất. Xa dân, Đảng sẽ không còn sức mạnh. Thiết nghĩ, lời nhắn nhủ của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” cần được các tổ chức đảng suy ngẫm, thực hiện bởi chống “bộ phận không nhỏ”, trong đó chống tham nhũng là cuộc chiến đấu với kẻ địch trong chính mỗi người, khó gấp vạn lần chống kẻ địch có chiến tuyến rõ ràng. Cũng bởi kẻ địch trong chính mỗi người nên cuộc chiến cần thời gian và vô cùng khó khăn. Khó nhưng không phải không thể. Trên thế giới có bao nhiêu quốc gia đã chống tham nhũng quyết liệt và đã thành công. Gần chúng ta như Xin-ga-po đã được Tổ chức Minh bạch thế giới xếp vào hàng các nước có mức độ tham nhũng ít nhất thế giới.  

Lịch sử các nước trên thế giới đều có những diễn biến khác nhau, nhưng đều giống nhau ở điểm chung xuyên suốt mọi thời đại: Sự làm gương của bậc đứng đầu trăm họ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính sự. Minh quân sẽ gắn với tôi trung. Ngược lại, hôn quân sẽ dung dưỡng bọn cơ hội, bọn quan lại vô tích sự, bọn nịnh thần. Vinh quang hay bi kịch của nhiều đất nước qua các thời đại lịch sử đều như thế. Đồng thời, quyền lực mà không không được kiểm soát thì luôn có xu hướng tha hóa. Đó là quy luật của mọi thời đại, trong mọi chế độ. Ở nước ta, nhân dân tổng kết: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một đúc kết thừa nhận, vinh danh việc đi đầu, làm gương của người đảng viên. Trong chiến tranh cứu nước, dân tin và làm theo Đảng, dù có phải trả bằng mạng sống, bằng tài sản của mình, bởi lúc đó dân tin Đảng qua hình ảnh và hành động cụ thể của người đảng viên, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì sự sống còn và hạnh phúc của nhân dân.

Trong thời bình hiện nay, hơn lúc nào hết, việc làm gương của cán bộ, đảng viên trở thành cấp bách trong hệ thống chính trị cả nước, cũng như trên bình diện toàn xã hội. Nhưng đó phải là những sự làm gương với những nội hàm, nội dung thật cụ thể, hiện rõ ra ở đời thường, từ trong cái ăn, cái ở, cái mặc, cái học, cái làm, cái nói, cái chơi, trong cách sống và lối sống, với sự giám sát chặt chẽ của nhân dân qua một định chế rõ ràng, minh bạch. Từ khi Đảng phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phải thừa nhận kết quả có nhưng chưa nhiều, chưa có cán bộ cao cấp nào được nêu gương trong cuộc vận động này.

Trị bệnh cho “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... phải dựa vào dân, trị tận gốc. Gốc ở đây là những lỗ hổng của cơ chế, thể chế phát sinh tiêu cực. Nguồn sạch, nước trong là vậy. Bình tĩnh nhưng phải kịp thời và quyết liệt hành động. Lịch sử có quy luật của nó. Chần chừ sẽ mất thời cơ. Mà thời cơ thì không có mãi, không còn mãi. Vì thế, phải nắm bắt và thực hiện quyết liệt. Nếu dựa vào dân không có gì là không làm được.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất