Lịch sử có sự trùng hợp tuyệt vời. Cách đây 65 năm, ngày 19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công ghi tên nước Việt Nam độc lập trên bản đồ thế giới. Cũng ngày này năm nay, tại Đại hội Liên đoàn Toán học thế giới tổ chức tại Ấn Độ, GS. Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Fields, ghi tên Việt Nam trên bản đồ những đỉnh cao trong khoa học của nhân loại. Đây là giải thưởng danh giá dành cho những nhà toán học đạt thành tựu kiệt xuất nhất trên thế giới được xem tương đương giải thưởng Nô-ben. Đây là một kỳ tích đem lại vinh quang đặc biệt cho Việt Nam-nước thứ hai ở châu Á có công dân được nhận giải thưởng này sau Nhật Bản. Đây là niềm tự hào của cả dân tộc, toả sáng trí tuệ Việt Nam, củng cố niềm tin cho các thế hệ trẻ vươn tới như Bác từng khẳng định: Dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, trí tuệ Việt Nam từng có những quyết định táo bạo làm nên Điện Biên Phủ chấn động địa cầu góp phần quan trọng lập lại hoà bình cho các nước Đông Dương. Trí tuệ Việt Nam bừng sáng làm nên Điện Biên Phủ trên không dẫn đến chiến thắng 30 tháng Tư thống nhất đất nước. Sự kiện thế giới vinh danh Ngô Bảo Châu có trở thành Điện Biên Phủ trong khoa học để rồi điểm sáng này sẽ được lan toả sâu rộng, trở thành ngọn lửa thắp sáng tên Việt Nam trên những đỉnh cao trí tuệ loài người ở những lĩnh vực khác, cú hích quyết liệt đổi mới tư duy giáo dục, cơ chế sử dụng nhân tài, đưa nước ta vươn lên thoát khỏi bẫy trung bình hay không là vấn đề mà những người lãnh đạo, quản lý đất nước phải suy ngẫm.
Bởi quá trình đi lên của Ngô Bảo Châu cho thấy thành công của anh là sự kết hợp tài năng bẩm sinh, môi trường đào tạo toán học trong nước và môi trường học tập nghiên cứu tiên tiến ở nước ngoài. Chồi non toán học Ngô Bảo Châu sớm được phát hiện, chăm sóc, vun trồng từ gia đình đến những người thầy giỏi yêu toán và khát khao cống hiến, xây dựng nền toán học Việt Nam ngang tầm thế giới. Khát khao này có ở những người lãnh đạo đất nước chí công vô tư, tâm huyết, tài năng, có tầm nhìn chiến lược như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, những tư lệnh ngành như các giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm. Ngay trong khói lửa chiến tranh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nghĩ đến tái thiết đất nước khi hòa bình và quyết định thành lập các lớp chuyên toán để chọn lựa học sinh có năng khiếu bồi dưỡng, phát triển nhân tài. Ngô Bảo Châu đi học đã được hưởng thành quả của quyết sách đúng đắn và chính xác đó, được những người thầy giỏi nhất truyền thụ không chỉ kiến thức mà cả tâm huyết, lòng say mê toán và khát vọng vươn tới đỉnh cao toán học.
Trong các kỳ thi Ôlimpic quốc tế, giống như Ngô Bảo Châu, nhiều tài năng đã đem về cho Tổ quốc những huy chương vàng, bạc, đồng và không hiếm những thủ khoa thi đỗ vào các trường đại học với số điểm xuất sắc. Có nên căn cứ vào sở trường, nguyện vọng mà cử họ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước trong một chương trình quốc gia thay vì cử cán bộ đã trong biên chế? Nên chăng tổng kết, thống kê chính xác số lượng thủ khoa cao đẳng, đại học ra trường từ Đại hội Đổi mới của Đảng (1986) đến nay, tìm hiểu họ được bố trí, sử dụng ra sao để có những quyết sách phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ trẻ này? Những đối tượng trên có nên đưa vào diện tạo nguồn cán bộ từ xa của Đảng để họ được tạo điều kiện thuận lợi phát huy cao độ trí tuệ và khả năng cống hiến cho đất nước? Xác định được câu trả lời đúng đắn, chính xác và có cơ chế thực hiện là trách nhiệm của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bởi đó là nội dung đào tạo và sử dụng nhân tài - nguyên khí quốc gia - của Đảng.
Nguyễn Thúy Hoàn