Ngày 1 tháng 10 năm 2010, tại Hà Nội khai mạc trọng thể 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Mùa thu năm Canh Tuất - 1010, Ðức vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô về Thăng Long, nơi có "thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (Chiếu dời đô). Cuộc dời đô lịch sử từ Hoa Lư - nơi núi non hiểm trở về trung tâm châu thổ sông Hồng khẳng định ý chí xây nền độc lập, thống nhất quốc gia, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của nước Ðại Việt.
Là nơi lắng hồn núi sông, lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được bồi đắp bằng những chiến công hiển hách. Từ thế kỷ XIII, Thǎng Long đã vang dội lời thề "Sát thát" của Hội nghị Diên Hồng - biểu hiện sức mạnh đoàn kết toàn dân ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông. Sang thế kỷ XV, người anh hùng dân tộc Lê Lợi và quân sư Nguyễn Trãi đã buộc quân Minh phải xin hoà ở Thǎng Long - Đông Đô, tự nguyện rút quân về nước. Mồng 5 tết Kỷ Dậu (1789), người anh hùng áo vải Quang Trung chỉ trong buổi sáng đã san bằng đồn Ngọc Hồi, làm nên chiến thắng Đống Đa oanh liệt, quét sạch 27 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi.
Mặc dù bị đàn áp khốc liệt, Hà Nội vẫn là cái nôi ra đời Đông dương Cộng sản Đảng, âm thầm nuôi dưỡng chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập nǎm 1929. Đây là những viên than hồng ấp ủ, nhen nhóm, thổi bùng ngọn lửa Cách mạng Tháng Tám, chặt đứt gông xiềng nô lệ, lật nhào chế độ thực dân, phong kiến. Ngày 2-9-1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đêm 19-12-1946, Hà Nội nổ súng lệnh toàn quốc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược để ngày 10-10-1954 giải phóng Thủ đô. Từ Hà Nội, trái tim của cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến "...Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" (1946) và "Không có gì quý hơn độc lập tự do... đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" (1966). Chiến thắng vang dội "Điện Biên Phủ" trên bầu trời Hà Nội (1972), bắn tan xác 32 pháo đài bay B52 là đòn chí tử buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Pa-ri, thực hiện sứ mệnh đánh cho Mỹ cút dẫn đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh cho nguỵ nhào, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Là nơi lắng hồn núi sông, Thăng Long - Hà Nội kết tụ, chung đúc, toả sáng các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh nhân loại. Từ Vǎn Miếu, Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam - đến 82 bia tiến sĩ của chính nơi đây và Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Hà Nội được thế giới vinh danh, UNESCO công nhận là Di sản ký ức nhân loại và Di sản văn hóa thế giới khẳng định bề dày lịch sử văn hiến của Thủ đô. Tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm quyết thắng ngoại xâm luôn hòa quyện với sức mạnh vô biên của lòng nhân ái, tinh thần hòa hiếu và khát vọng hòa bình, Thăng Long-Hà Nội xứng đáng với danh hiệu Thành phố vì hoà bình do UNESCO trao tặng.
Là nơi lắng hồn núi sông, trải qua bao sự kiện trọng đại quyết định đến vận mệnh của dân tộc, Thǎng Long - Hà Nội ngày càng được bồi đắp thêm về tầm cao và thế đứng, biểu tượng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Kỷ niệm Thǎng Long - Hà Nội một ngàn năm tuổi là dịp cả nước ôn cố tri tân, tự tin, thấy rõ trách nhiệm xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não về chính trị, vǎn hoá và khoa học kỹ thuật, đồng thời là trung tâm kinh tế lớn và giao dịch quốc tế của cả nước, là thượng đô kinh sư mãi muôn đời, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định.