Có đủ thương yêu?

Ngày 19-7, Ban Bí thư đã ra Quyết định số 1718 QÐNS/TƯ thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô do  thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh với gái mại dâm, vi phạm tư cách đảng viên, cấp ủy viên, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, gây bất bình trong Ðảng và xã hội, khi kiểm điểm thiếu thành khẩn. Ngày 21-7, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1248-QÐ/TTg đình chỉ chức vụ đối với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô. Ngày 28-7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Giang đã họp và bãi nhiệm chức danh Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khóa XV và bãi nhiệm đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XV đối với ông Nguyễn Trường Tô.
Việc Trung ương xử lý kỷ luật nghiêm minh, công bố công khai đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm gần đây được dư luận đồng tình, hoan nghênh, chỉ rõ được địa chỉ cụ thể trong “một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hoá, biến chất” mà thường báo cáo tổng kết nào cũng nhắc tới một cách chung chung.

Trong trường hợp cụ thể, cán bộ, đảng viên, quần chúng không khỏi đặt câu hỏi vì sao nên nỗi? Vì tổ chức đảng quản lý cán bộ đảng viên lỏng lẻo? Vì Bí thư Tỉnh uỷ nể nang, bao che? Vì đã là Chủ tịch UBND tỉnh - người đứng đầu chính quyền nên không ai dám “đụng đến”? Vì chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp, “dĩ hoà vi quý”, nể nang, né tránh? Vì không sử dụng thứ vũ khí sắc bén mà Bác ân cần dặn lại trong Di chúc: phải tự phê bình và phê bình bằng tình thương yêu đồng chí?
Vi phạm bắt đầu phát hiện từ năm 2005, chẳng lẽ trong suốt 5 năm ấy, năm nào cũng có kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đảng viên, đánh giá, phân tích chất lượng cán bộ, đảng viên, mà không ai nhắc nhở, phê bình? Bác Hồ từng chỉ rõ: Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, không phải chờ có khai hội mới tự phê bình và phê bình. Cũng trong bấy nhiêu năm, có khi nào chủ tịch tự phê bình? Hay phê bình và tự phê bình chỉ còn là hình thức, không hiệu quả? Nếu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương không vào cuộc, liệu đến bao giờ những vi phạm được phát hiện, sửa chữa bằng tự phê bình và phê bình? Trước từng câu hỏi, mỗi người đều có thể tự suy ngẫm, trả lời và rút ra bài học. Phải có tự chỉ trích, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của bản thân và nhắc nhở, giám sát, kiểm tra của đồng chí, đồng nghiệp, của tổ chức thì những vi phạm mới được kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi. Nếu không kịp thời, thường xuyên bằng vũ khí phê bình mà giúp đồng chí mình thoát khỏi vũng bùn tội lỗi thì có đủ tình thương yêu đồng chí?

Phản hồi (2)

Nguyễn Viết Lệ 13/08/2010

Tạp chí đã đưa ra một vấn đề, theo tôi rất quan trọng nhưng hiện nay không mấy ai thực hiện thực lòng:Tự phê bình và phê bình. Tôi rất băn khoăn: Làm thế nào để phê bình và tự phê bình có chất lượng? Trong sự việc cụ thể Tạp chí nêu, trong 5 năm ấy, ít nhất mỗi năm 1 lần phải tự phê bình và phê bình theo quy định của Trung ương. Tôi dám chắc chắn rằng nếu UBKT Trung ương không vào cuộc thì có khi ông Tô còn tiếp tục vào cấp uỷ mới... Xin Tạp chí có tiếp những bài về vấn đề này.

Vi Quang Định 07/08/2010

Đúng như Tạp chí nói:"Trước từng câu hỏi, mỗi người đều có thể tự suy ngẫm, trả lời và rút ra bài học". Nhưng mỗi người ở đây là ai? Tôi và đồng chí, những người đảng viên thường thì bài học có rút ra được cũng chỉ là để cho bản thân. Cơ bản phải là những cán bộ lãnh đạo, quản lý-những người phải làm gương và bằng những quy định, buộc mọi người phải thực hiện, lâu dần thành tự giác. Tự phê bình và phê bình mà không tự giác thì trở thành hình thức, mất thời gian mà thôi. Và tự phê bình và phê bình không thì ít tác dụng, chỉ có tác dụng ngăn ngừa là chính. Phải quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý kiên quyết như đối với ông Tô này, tuy là hơi muộn. Hoan nghênh Ban Bí thư xử lý nghiêm khắc và hoan nghênh Tạp chí có ý kiến kịp thời...

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất