Ngày 5-7-2010, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước tại VINASHIN. Theo đó, đồng chí Phạm Thanh Bình đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước tại Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng khiến VINASHIN bên bờ vực phá sản. Trong những năm qua Tập đoàn đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của doanh nghiệp; thành lập quá nhiều công ty con (gần 200) không đủ năng lực sản xuất kinh doanh; đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành công nghiệp tàu thủy; đầu tư mua nhiều tàu biển cũ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước; vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán. Bộ máy quản lý vốn nhà nước tại nhiều đơn vị thuộc tập đoàn thiếu năng lực. Đồng chí Phạm Thanh Bình còn bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trái quy định của Đảng và Nhà nước. Những sai phạm của đồng chí Phạm Thanh Bình trong huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn của Nhà nước là do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán, đến nay, nợ quá hạn và đến hạn không có khả năng thanh toán lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, hơn 5.000 lao động không có việc làm; các khoản nợ lương và bảo hiểm xã hội lên đến 234 tỷ đồng.
Những sai phạm của Tập đoàn VINASHIN và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phạm Thanh Bình là nghiêm trọng. Vì sao từ số vốn điều lệ vỏn vẹn hơn 100 tỷ đồng, công nghệ lạc hậu, chỉ đóng được những tàu pha sông biển vài nghìn tấn, Vinashin đã vươn lên phát triển rất nhanh về năng lực đóng mới và sửa chữa tàu, đưa Việt Nam đứng trong năm cường quốc đóng tàu mạnh nhất trên thế giới bằng kết quả đóng thành công các loại tàu hàng trọng tải hơn 100 nghìn tấn, tàu chở ô-tô 4.900 xe, tàu chở dầu thô 100 - 300 nghìn tấn, kho nổi chứa xuất dầu 150 nghìn tấn rồi nhanh chóng xuống dốc không phanh, đứng trên bờ vực phá sản? Khách quan nhìn nhận, VINASHIN cũng bị tác động của suy thoái kinh tế thế giới, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất-kinh doanh. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan và chủ yếu phải chăng là hệ thống lãnh đạo, quản lý của tập đoàn tỏ ra yếu kém, trình độ và phẩm chất cán bộ được giao quyền bất cập và tư lợi? Phải chăng do Tập đoàn đã không lượng được sức mình, phát triển theo chiều rộng, ồ ạt thành lập quá nhiều công ty con trong khi năng lực quản lý không theo kịp, gây ra những lỗ hổng nguy hiểm liên quan đến vấn đề quản lý đầu tư, công nợ, dòng tiền... Phải chăng Tập đoàn đã quá tham vọng, đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành công nghiệp tàu thủy, mua sắm tràn lan không hiệu quả, thất thoát vốn? Phải chăng quyền lực tập trung nhưng lại thiếu cơ chế hữu hiệu kiểm tra quyền lực dẫn đến lạm quyền, vi phạm quy định?... Có thể dẫn ra thêm nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan để mổ xẻ, phân tích và từ những nguyên nhân có thể rút ra bài học để không lặp lại tổn thất này.
Trong nhiều bài học, theo chúng tôi, bài học dễ nhận thấy nhất là bài học về kiểm tra, giám sát. Hiện nay việc kiểm tra, giám sát các đảng bộ tập đoàn, tập đoàn, trong đó có VINASHIN được giao cho Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, các bộ, ngành. Vấn đề là Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, các bộ, ngành chưa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này. Theo pháp luật, ai ra quyết định thành lập doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm về doanh nghiệp đó. Nhưng trên thực tế, Thủ tướng lại phân cấp cho các bộ thay mặt mình quản lý. Chúng ta lại gần như chưa có những quy định cụ thể nào về trách nhiệm của Đảng uỷ Khối, của các bộ đối với các tập đoàn, ví như nếu tập đoàn thua lỗ nặng thì Bí thư Đảng uỷ Khối, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm đến đâu? Phải xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Đảng uỷ Khối, các bộ thì mới kiểm tra, giám sát, quản lý được các tập đoàn. Chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn lại do Thủ tướng bổ nhiệm, họ coi mình có quyền báo cáo, xin ý kiến trực tiếp từ người đứng đầu Chính phủ nên trong nhiều trường hợp, tiếng nói của bộ trưởng đối với họ không đủ trọng lượng. Chúng ta có nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát, ngay trong tập đoàn cũng có thiết chế kiểm tra, giám sát, nhưng rõ ràng việc kiểm tra, giám sát chưa thực chất. Các ủy viên HĐQT phải có trách nhiệm giám sát và báo cáo các vấn đề của tập đoàn vì họ được cử đại diện phần vốn nhà nước ở đó. VINASHIN có nhiều sai phạm như vậy nhưng không thấy “tiếng còi” nào từ các cơ quan kiểm tra, giám sát! Hiện nay, nhiều thứ trưởng hoặc cán bộ cao cấp ở các bộ kiêm ủy viên HĐQT các tập đoàn. Về cơ cấu xem ra rất chặt nhưng thực chất những cán bộ cao cấp này còn có nhiều nhiệm vụ trực tiếp khác, trách nhiệm của họ về lãnh đạo, quản lý tập đoàn mờ nhạt. Trách nhiệm cá nhân của các thành viên HĐQT trong quản lý tập đoàn hiện nay có thể nói là không rõ.
Cần tổng kết mô hình tập đoàn để chấn chỉnh trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc thị trường, tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ về tập đoàn. Cần xác định cụ thể cơ chế phân cấp lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, trách nhiệm của đảng uỷ khối, các bộ, các ngành, từng cá nhân để ngăn ngừa những tổn thất cho nền kinh tế cũng như lợi ích của nhân dân. Đó là bài học không chỉ dành cho VINASHIN.
Nguyễn Thuý Hoàn