Năm Đinh Mão (1927)
Liên tiếp các Kỳ bộ: Trung kỳ (tháng 1-1927), Bắc kỳ (tháng 3-1927) và Nam kỳ (giữa năm 1927) của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập.
Cũng năm này, từ những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại các lớp tập huấn cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã được Bộ Tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp và xuất bản thành sách “Đường Kách mệnh”. Đây là cuốn sách có vai trò đặc biệt quan trọng trong chuẩn bị về chính trị, tư tưởng cho việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Năm Kỷ Mão (1939)
Từ ngày 6 đến 8-11-1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp ở Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Dự Hội nghị còn có các đồng chí Lê Duẩn, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, v.v... Hội nghị quyết định điều chỉnh sự chỉ đạo chiến lược cách mạng ở Đông Dương cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Trung ương khẳng định: Lúc này, bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng độc lập. Vì vậy, tất cả mọi vấn đề cách mạng, kể cả vấn đề ruộng đất cũng phải nhằm mục đích ấy mà giải quyết. Khẩu hiệu cách mạng ruộng đất phải tạm gác lại và thay vào khẩu hiệu chống địa tô cao, chống cho vay nặng lãi, tịch thu ruộng đất của thực dân đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc đem chia cho dân cày nghèo. Để thực hiện nhiệm vụ chính trị ấy phải lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, thu hút tất cả các dân tộc, giai cấp, đảng phái và cá nhân yêu nước ở Đông Dương nhằm chống chiến tranh đế quốc, chống phát xít, đánh đổ đế quốc Pháp và bè lũ tay sai, giành lại độc lập hoàn toàn cho các dân tộc ở Đông Dương.
Năm Tân Mão (1951)
Từ 11 đến 19-2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra tại Chiêm Hóa - Tuyên Quang. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết. Đến dự Đại hội còn có các đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Thái Lan.
Đại hội đã thảo luận Báo cáo Chính trị do đồng chí Hồ Chí Minh trình bày, báo cáo Luận cương cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh trình bày, báo cáo về các tổ chức và Điều lệ Đảng do đồng chí Lê Văn Lương trình bày và báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, về chính quyền dân chủ nhân dân, quân đội nhân dân, kinh tế tài chính và về văn nghệ.
Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội cũng quyết định sẽ tổ chức ở Lào và Căm-pu-chia mỗi nước một đảng cách mạng riêng, phù hợp với đặc điểm của từng nước (thực hiện chủ trương này, tháng 6-1951, ở Căm-pu-chia đã thành lập Ban Vận động thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Căm-pu-chia và ở Lào, ngày 22-3-1955 đã thành lập Đảng Nhân dân Lào). Đại hội cũng thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ của Đảng.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên chính thức, 1 ủy viên dự khuyết, bầu Ban Bí thư để giải quyết công việc hằng ngày của Đảng. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm Quý Mão (1963)
Sau Hội nghị lần thứ tám (5-1963) bàn và quyết định phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp chủ yếu phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) ở miền Bắc, tháng 12-1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ chín, vạch rõ phương hướng nỗ lực và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam.
Trên cơ sở đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải và có khả năng kiềm chế và thắng địch trong loại “Chiến tranh đặc biệt”... Tuy nhiên, ta phải luôn luôn nâng cao cảnh giác và tích cực chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó nếu đế quốc Mỹ mạo hiểm mở rộng cuộc chiến tranh ở miền Nam thành “Chiến tranh cục bộ”.
Hội nghị lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng còn thảo luận và thông qua nghị quyết về nhiệm vụ quốc tế của Đảng.
Năm Ất Mão (1975)
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta mùa Xuân năm 1975 toàn thắng. Nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Non sông thu về một mối. Tháng 9-1975, Hội nghị lần thứ hai mươi bốn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết nhấn mạnh: Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của nhân dân cả nước vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam... Thống nhất đất nước tạo ra sức mạnh mới, thuận lợi mới để phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố quốc phòng và tăng cường ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, thống nhất càng sớm, thì càng phát huy nhanh sức mạnh toàn diện của Tổ quốc.
Năm Kỷ Mão (1999)
Tháng 1-1999, Hội nghị Trung ương sáu (lần 2) thông qua Nghị quyết “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng đảng hiện nay”. Trên cơ sở phân tích sâu sắc ưu điểm, khuyết điểm, Hội nghị đã đề ra một số nhiệm vụ cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng đảng hiện nay:
Một là, tăng cường sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động, nói và làm theo nghị quyết, thực hiện đúng Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và pháp luật nhà nước. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc của Đảng, của cách mạng đã được ghi trong Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và Nghị quyết Đại hội VIII; xử lý nghiêm minh, kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc đổi mới có nguyên tắc, đúng định hướng; đẩy mạnh việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, từng bước làm rõ hơn một số vấn đề bức xúc cũng như những vấn đề lý luận cơ bản về mô hình và con đường đi lên CNXH, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tăng cường và đổi mới phương pháp giáo dục cán bộ, đảng viên về Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; có quy định cụ thể chế độ học tập lý luận chính trị cho mọi cán bộ, đảng viên. Trong sinh hoạt đảng phải luôn luôn quan tâm đến nhận thức tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên.
Hai là, giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đảng viên phải tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu giữ gìn bản chất người chiến sĩ cộng sản, đề cao tinh thần đoàn kết, chống chủ nghĩa cá nhân trong điều kiện và môi trường mới; chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, pháp luật nhà nước. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương trong quần chúng và giáo dục, thuyết phục gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương và chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Các tổ chức đảng phải thường xuyên quản lý, giáo dục, kiểm tra cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống...
Coi trọng tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, nêu gương “người tốt, việc tốt”, đẩy lùi tiêu cực. Củng cố các cơ quan kiểm tra, thanh tra, cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả; xử lý nghiêm minh và kịp thời các vụ tham nhũng đã phát hiện.
Ba là, chấn chỉnh việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng. Củng cố các tổ chức cơ sở đảng. Sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể; giảm biên chế và cải cách chính sách tiền lương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực.
Để tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương quyết định: Mở đợt sinh hoạt tư tưởng sâu rộng trong toàn Đảng; nghiên cứu, học tập Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng, bắt đầu từ 19-5-1999 đến 19-5-2001, và sau đó nội dung cuộc vận động này là nội dung sinh hoạt thường xuyên của Đảng.
Tháng 8-1999, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 thảo luận và thông qua Nghị quyết “Một số vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước” và Nghị quyết “về việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng”.
Tháng 11-1999, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 cùng với thảo luận, quyết định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2000, quyết định về định hướng chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng.
Năm Tân Mão (2011)
Toàn Đảng, toàn dân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đặc biệt, Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng bước sang tuổi 81 với nhiệm vụ sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X), đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Lê Thủy (sưu tầm)