Vì sao một TCCSĐ từ hoàn thành tốt nhiệm vụ đã vươn lên thành TSVM; rồi TSVM tiêu biểu? Đó là lý do thuyết phục chúng tôi tìm hiểu, phản ánh về một phong trào đang lên của một xã miền núi vốn còn nhiều khó khăn. Đi tìm câu trả lời đã đưa chúng tôi đến xã Hoài Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định.
Tại hội nghị Tổng kết công tác xây dựng đảng năm 2010 do Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định tổ chức, có một đảng bộ được nhận đến 3 quyết định khen thưởng: TCCSĐ TSVM tiêu biểu; về thành tích phát triển đảng viên mới; về thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Vì sao một TCCSĐ từ hoàn thành tốt nhiệm vụ đã vươn lên thành TSVM; rồi TSVM tiêu biểu? Đó là lý do thuyết phục chúng tôi tìm hiểu, phản ánh về một phong trào đang lên của một xã miền núi vốn còn nhiều khó khăn.
Từ ngã 3 Chương Hòa (quốc lộ 1A, xã Hoài Châu Bắc, Hoài Nhơn) ngược về phía tây hơn 10 km, chúng tôi về Hoài Sơn trong tiết trời se lạnh vào một buổi sáng đầu xuân 2011. Miền quê thanh bình, yên ả. Những ngôi nhà mới mọc lên cùng với những cánh rừng, cánh đồng bạt ngàn… như sự minh chứng cho sự đổi thịt, thay da đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên mảnh đất vốn đã chịu nhiều đau thương, mất mát qua các cuộc chiến tranh.
Nền kinh tế của xã đang trên đà phát triển, năm 2010 có mức tăng trưởng khá. Đảng ủy đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tiếp nhận sự chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; triển khai và tổ chức thực hiện nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm như: mô hình nhân giống lạc TB25, nuôi cá nước ngọt, trồng cây mây nếp… mang lại nhiều kết quả thiết thực; tăng giá trị trên một diện tích đất, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân.
Theo đồng chí Trần Quang Chính, Bí thư Đảng ủy xã, vì là địa phương thuần nông, có diện tích đất lúa đứng thứ hai sau Hoài Mỹ (trên 660 ha), sau đó là diện tích đất rừng nên Đảng ủy xã xác định cơ cấu kinh tế của xã là nông, lâm kết hợp thương mại, dịch vụ. Trong sản xuất lúa, điểm nổi bật là Hoài Sơn đã khắc phục triệt để tình trạng gieo sạ sớm so với lịch thời vụ; cán bộ, đảng viên là người gương mẫu và được thống nhất từ nội bộ đảng, mới đến nhân dân. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo triển khai công tác diệt chuột, ốc bưu vàng trước khi gieo sạ vụ đông xuân. Nhờ đó, năng suất lúa bình quân cả năm 2010 cao hơn cùng kỳ 3,5 tạ/ha. Xã được đánh giá là một trong số ít địa phương chỉ đạo tốt lịch thời vụ trong nhiều năm liên tiếp; năng suất lúa vụ đông xuân cao nhất huyện (khoảng 65 tạ/ha).
Thực tế cho thấy, nếu các hộ gần đường, gần bờ lớn tiến hành làm đất hoặc gieo sạ trước thì các hộ bên trong sợ sẽ không có lối cho máy và trâu đi vào nên cũng tiến hành làm đất và gieo sạ theo luôn. Nắm bắt được tâm lý này, trong quá trình chỉ đạo, để không ảnh hưởng bởi việc lây lan tâm lý giữa các hộ dân, UBND xã kiên quyết thuyết phục nhân dân không làm đất, không gieo sạ sớm và việc này phải được tiến hành đồng loạt. Kết quả là có đến 98% số diện tích lúa được gieo sạ đúng lịch thời vụ.
Có một kinh nghiệm mà chúng tôi tâm đắc đó là ngoài các thành viên ban chỉ đạo, xã hỗ trợ các điều kiện vật chất vận động các hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở tham gia phong trào diệt chuột. Từ những người nông dân đến thanh niên, học sinh hăng hái tìm biện pháp bắt chuột. Khi có dịch bệnh xảy ra ở cây trồng, các thành viên đứng chân địa bàn được phân công phối hợp với cán bộ khuyến nông trực tiếp xuống đồng, nếu phát hiện vùng ruộng nào bị sâu bệnh thì phải xác định ngay là sâu bệnh gì, sau đó dùng cây que cắm tại vị trí ruộng có nhiểm bệnh, đồng thời gắn theo tờ bướm hướng dẫn cụ thể loại thuốc cần sử dụng; cách thức và phương pháp phòng trừ. Theo đó, các hoạt động thăm đồng của cán bộ khuyến nông, đoàn thể xã, thôn chủ yếu được tiến hành vào sáng sớm hoặc gần chiều vì đây là thời điểm dễ tiếp cận với người nông dân để hướng dẫn cụ thể về phương pháp phòng trừ sâu bệnh.
Ngoài ra, xã đã phối hợp triển khai dự án rừng Việt Đức và 661 với diện tích gần 650 ha, với trên 400 hộ dân tham gia. Việc phát triển chăn nuôi cũng đã được xã quan tâm đúng mức. Do vậy, tổng đàn trâu, bò của xã năm 2010 lên đến gần 5.000, chiếm gần ¼ tổng đàn trâu bò của toàn huyện.
Công tác giáo dục, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dụcthể thao trên địa bàn xã được duy trì thường xuyên. Công tác tài chính, ngân sách đạt kết quả khá. Tổng thu ngân sách xã đạt 217,4%, thu các loại thuế đạt 138% chỉ tiêu kế hoạch. Từ đó, xã đã chi cho đầu tư phát triển với hàng chục hạng mục, công trình phúc lợi, dân sinh; an ninh - quốc phòng được giữ vững; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ.
Công tác xây dựng đảng được quan tâm thực hiện. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được các cấp ủy, chính quyền triển khai, tổ chức sâu rộng đến mọi cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Hoài Sơn nổi lên như một điểm sáng về công tác kết nạp đảng viên, trong năm 2010, đã kết nạp 19 đảng viên, trong đó: đoàn viên 11, nữ 4; chiếm tỷ lệ 6% trên tổng số đảng viên toàn Đảng bộ; trong khi đó, mức bình quân chung của huyện chỉ là 4,6%. Số đảng viên mới được kết nạp có tuổi đời bình quân trẻ hơn, trình độ học vấn cao hơn số đảng viên được kết nạp của những năm trước đây. Theo đồng chí Nguyễn Nam Hà, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, rút kinh nghiệm của những năm trước là trước khi đưa đối tượng đi bồi dưỡng tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, Đảng ủy tiến hành rà soát tiêu chuẩn; kiểm tra trình độ văn hóa qua thực tế xem xét bằng tốt nghiệp THCS chứ không phải chỉ nghe đối tượng trình bày. Thực tế, những năm trước chỉ nghe đối tượng trình bày là “đã học hết cấp hai”; sau đó, đưa đi bồi dưỡng, lập hồ sơ phát triển đảng mới phát hiện là mới chỉ học hết lớp 9 chứ chưa có bằng tốt nghiệp THCS.
Đảng ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt quy chế, các nguyên tắc, tổ chức và sinh hoạt đảng; về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư. Điều đáng nói, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong đảng đã được Đảng ủy, UBKT Đảng ủy coi trọng. Ngay từ đầu năm, Đảng ủy, UBKT Đảng ủy đã tiến hành xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện đạt 100% chỉ tiêu; tất cả các chi bộ trực thuộc đều duy trì chế độ sinh hoạt cấp ủy, chi bộ theo quy chế đã đề ra; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra đảng viên chấp hành theo kế hoạch đã đề ra, đúng quy trình, nâng cao chất lượng… Theo các ban xây dựng đảng Huyện ủy, Hoài Sơn là đơn vị dẫn đầu, là 1 trong 3 xã làm tốt công tác phát triển đảng viên và công tác kiểm tra, giám sát.
Trên cơ sở kết quả do 29 ngành đánh giá, năm 2010, xã Hoài Sơn thuộc nhóm có hệ số điểm cao; có 17/20 số chi bộ trực thuộc đạt danh hiệu TCCSĐ TSVM (chiếm 85%), là 1/10 đảng bộ được Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định khen thưởng danh hiệu TCCSĐ TSVM năm 2010 và là 1/3 đảng bộ được khen là TCCSĐ TSVM tiêu biểu năm 2010.
Thuận lợi cũng có nhưng khó khăn vẫn còn nhiều, đó là: Làm sao công trình hồ chứa nước Cẩn Hậu do tỉnh làm chủ đầu tư sớm hoàn thành để khắc phục việc thiếu nước trầm trọng cho cây trồng vụ hè thu; biện pháp nào để giúp dân loại bỏ tập quán chăn thả gia súc trên núi dẫn đến trâu, bò chết hằng loạt vào mùa mưa. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao… đó là nỗi niềm băn khoăn, trăn trở của đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.
Dù vậy, trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2011, Đảng ủy xã đã mạnh dạn đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tiếp tục củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị TSVM. Với một địa phương biết phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, các tiềm năng sẽ được khai thác, hy vọng Hoài Sơn sẽ giữ vững phong trào, xứng đáng với danh hiệu TCCSĐ TSVM tiêu biểu.
Phạm Dân
(Huyện ủy Hoài Nhơn, Bình Định)