Tổ chức cơ sở đảng - Trường học thực tiễn của cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh tặng hoa cho các điển hình tiên tiến tham dự Đại hội.
Các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) lập thành nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở; là cầu nối liền Đảng với các cơ quan lãnh đạo cấp trên của Đảng, với quần chúng công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp nhân dân lao động khác; nơi giáo dục, rèn luyện, kết nạp và sàng lọc đảng viên; nơi đào tạo cán bộ cho Đảng; nơi xuất phát điểm cử ra cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng; nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng vào quần chúng và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách đó, đồng thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng… của quần chúng nhân dân cho Đảng.

Từ nhận thức vai trò, vị trí và tầm quan trọng của TCCSĐ, trong quá trình lãnh đạo, Tỉnh ủy Trà Vinh và các cấp ủy luôn quan tâm công tác xây dựng chi, đảng bộ nói chung, công tác tổ chức nói riêng, coi đây là một nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng đảng. Thực tiễn cho thấy, tháng 5-1992 khi mới tái lập tỉnh Trà Vinh số đảng viên chỉ có 1,07% so với dân số, trong đó số đảng viên là người dân tộc 6,81%, đảng viên nữ là 12,03% so với đảng số chung; toàn tỉnh còn 32 ấp chưa có đảng viên tại chỗ, số TCCSĐ yếu kém còn 12,42%, việc sắp xếp các loại hình chi bộ để đảng viên công tác và tham gia sinh hoạt cho phù hợp ở từng cơ sở đảng chưa được chú ý, công tác cán bộ ở xã, phường, thị trấn nhiều nơi chưa quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ… Nắm bắt được tình hình đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh đã tham mưu cho cấp ủy cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng của cấp ủy cấp trên. Để có các biện pháp tổ chức thực hiện, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn cụ thể cho cấp ủy chi bộ về các công tác trọng yếu như công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, tổ chức các buổi hội thảo xây dựng các chuyên đề về phát triển đảng viên là người dân tộc, đảng viên trong lực lượng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ, trong tôn giáo và lực lượng trí thức… đồng thời tham mưu cho Tỉnh uỷ có quy định về chức năng, nhiệm vụ của các chi bộ. Trên cơ sở đó sắp xếp lại các loại hình chi bộ trực thuộc đảng ủy và cụ thể hóa các tiêu chí trong các tiêu chuẩn đánh giá phân loại TCCSĐ và đảng viên cũng như công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, những cán bộ không đủ điều kiện đều được giải quyết chính sách… Ngoài ra Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh có Chỉ thị số 03-CT/TU “về việc tăng cường lãnh, chỉ đạo triển khai các hoạt động đỡ đầu đơn vị xã, phường” và Công văn số 237-CV/TU “Về việc phân công uỷ viên thường vụ cấp uỷ tham gia sinh hoạt tại chi bộ” đồng thời thông báo cụ thể việc phân công ngành tỉnh nhận đỡ đầu đơn vị xã, phường. Các huyện, thành ủy đều phân công cấp ủy viên phụ trách một xã, phường, thị trấn. Các đảng ủy cơ sở đều phân công cấp ủy gắn với chi bộ ấp, khóm; tiếp đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Công văn số 243-CV/TU “về việc phân công cán bộ đi cơ sở dự sinh hoạt định kỳ với chi, tổ hội đoàn thể và ban mặt trận ấp khóm”. Mặt khác còn thực hiện tốt việc giới thiệu đảng viên ở các cơ quan Đảng, Nhà nước … về sinh hoạt ở nơi cư trú (theo Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị). Để đảm bảo việc sinh hoạt chi bộ hằng tháng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Công văn 363-CV/TU “về việc thống nhất ngày sinh hoạt chi bộ ở các loại hình chi bộ”.

Với sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy và vai trò tham mưu của ban tổ chức của cấp ủy các cấp, sự phối hợp với các ban, ngành có liên quan nên số lượng quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng hằng năm đều tăng. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 38.912 đảng viên, chiếm tỷ lệ 3,87% dân số, trong đó số đảng viên là người dân tộc chiếm tỷ lệ 16,29%, đảng viên nữ là 29,67%, đảng viên trong ngành giáo dục, y tế là 20,77%, đảng viên trong tôn giáo là 18,64% so với đảng số chung, 100% ấp khóm, cơ quan và gần 99% trường học đã có chi bộ. Cuối năm 2014, toàn Đảng bộ có 50,65% cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, trong đó 20,38 % cơ sở đảng vững mạnh tiêu biểu; số TCCSĐ yếu kém còn 0,49 %; số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ chiếm tỷ lệ gần 94,11%, số đảng viên vi phạm tư cách hoặc không hoàn thành nhiệm vụ còn 0,30%. Đội ngũ cán bộ được đào tạo bồi dưỡng chức năng, nhiệm vụ của chi, đảng bộ ngày càng được nâng lên.

Kết quả trên cho thấy:

Trước hết là có sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, song cũng phải thấy rằng đội ngũ làm công tác tổ chức xây dựng đảng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm luôn gắn với cơ sở đảng và đảng viên, biết tham dự các buổi sinh hoạt đảng và lễ kết nạp đảng viên ở các loại hình chi bộ trực thuộc đảng ủy và đảng ủy cơ sở để tìm hiểu những vấn đề thực tiễn nhằm thực hiện sao cho có hiệu quả và cũng thông qua đó mà phát hiện những vấn đề bất cập để báo cáo với cấp ủy, lãnh đạo ban kịp thời uốn nắn.

Cán bộ làm công tác tổ chức phải nắm vững các điều, chương của Điều lệ Đảng, các nội dung quy định về thi hành Điều lệ Đảng của Ban Bí thư, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về nghiệp vụ công tác tổ chức đảng, chỉ có nắm vững được các nguyên tắc về xây dựng TCCSĐ thì trong quá trình thực hiện mới biết hướng dẫn và tổ chức thực hiện ở cơ sở đảng. Qua đây cũng cho thấy nếu các nguyên tắc của Đảng được thực hiện đúng và nghiêm thì vị trí vai trò uy tín sức mạnh của cấp ủy, chi bộ ngày càng tăng, chất lượng hoạt động của TCCSĐ càng mạnh.

Trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ cán bộ tổ chức phải biết linh hoạt nhưng phải đảm bảo tính nguyên tắc, biết cách tổng hợp nắm tình hình sao cho dễ hiểu, dễ tiếp thu; đồng thời phải biết phát hiện những vấn đề qua thực tiễn và trong báo cáo viết, báo cáo thống kê của cơ sở để kịp thời phân tích uốn nắn.

Trong các nội dung thực hiện nhiệm vụ phải được trao đổi kỹ, có kế hoạch cụ thể và có điểm chỉ đạo để rút kinh nghiệm; đồng thời sơ, tổng kết kịp thời. Sau đó mới phổ biến, nhân rộng mô hình, ví dụ như vấn đề đưa đảng viên, cấp ủy ra tự phê bình trước quần chúng nhân dân, vấn đề phát triển đảng viên, vấn đề xây dựng tổ chức và công tác cán bộ…                          

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất