Vận dụng tốt nguyên tắc tập trung dân chủ theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng

Trong tình hình hiện nay, nguyên tắc tập trung dân chủ đang đặt ra một số vấn đề cần nhận thức đúng bản chất khoa học và cách mạng của mối quan hệ biện chứng giữa tập trung và dân chủ. Làm thế nào để thực hiện tốt nhất nguyên tắc này trong thực tiễn đổi mới và tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay?


Những người cơ hội, xét lại đã phản kích quyết liệt nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng ta. Họ cho rằng căn bệnh độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền là bạn đồng hành gắn liền với nguyên tắc tập trung dân chủ. Một số người lớn tiếng đòi thực hiện đa nguyên chính trị, mở rộng dân chủ vô giới hạn, hy vọng tạo ra trong Đảng nhiều phe phái đối lập nhằm phá hoại sự đoàn kết của Đảng. Một số cán bộ ta do không vững vàng về tư tưởng và hạn chế về nhận thức lý luận, mơ hồ về chính trị cũng dao động, nghi ngờ bản chất khoa học của nguyên tắc tập trung dân chủ.


Đúng là hiện tượng mất dân chủ đang diễn ra ở một số tổ chức đảng và trong nhiều tổ chức kinh tế, xã hội, có nơi mất dân chủ nghiêm trọng và kéo dài. Một số người ở cương vị lãnh đạo chủ chốt có biểu hiện xa dân, quan liêu, độc đoán, gia trưởng, thiếu tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của đảng viên, của nhân dân. Trong quản lý kinh tế, đã có lúc do nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề này nên chúng ta quá nhấn mạnh mặt tập trung, thống nhất mà chưa chú ý đến thực hiện dân chủ, thực chất là chưa thấy hết mối quan hệ hữu cơ giữa tập trung và dân chủ.


Thực tế đó đã hạn chế sự năng động, sáng tạo của quần chúng ở cơ sở, làm triệt tiêu động lực phát triển, làm cho kinh tế - xã hội nước ta trì trệ kéo dài. Song, không thể cho rằng những căn bệnh đó thuộc bản chất, là cái tất yếu nảy sinh từ việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó chỉ là kết quả tất nhiên của việc chưa nhận thức đúng bản chất khoa học và chưa vận dụng sáng tạo lý luận về nguyên tắc tập trung dân chủ vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta.


Điều lệ Đảng sửa đổi (Điều 9) khoá XI nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là: Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ). Cấp uỷ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp uỷ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.”


Nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp, sự thống nhất biện chứng của hai mặt tập trung và dân chủ. Về bản chất khoa học của vấn đề này, không có sự tách rời hay đối lập giữa tập trung và dân chủ. Dân chủ chỉ đúng nghĩa khi được thực hiện trên cơ sở của tập trung, và tập trung thực sự phải là tập trung dân chủ. Sự nhầm lẫn và thực hiện không đúng nguyên tắc này đã tạo ra một thứ tập trung giả hiệu không trên cơ sở dân chủ, cũng giống như cố tình tạo ra một thứ dân chủ hình thức không dựa trên cơ sở tập trung.


Tuyệt đối hoá mặt tập trung hay dân chủ đều có thể dẫn tới những sai lầm có hại cho sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đó còn là cơ sở nảy sinh những “ông quan cách mạng” mà Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở, phê phán.


Việc vận dụng nguyên tắc này vào giải quyết mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ trong các lĩnh vực xã hội là cần thiết. Nguyên tắc tập trung dân chủ chính là điều kiện bảo đảm cho các tổ chức đảng cũng như các tổ chức xã hội có sự cố kết chặt chẽ, thống nhất về ý chí và hành động, và phát huy tốt nhất tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, giữ đúng định hướng chính trị. Thực tế cho thấy, ở đâu vận dụng đúng nguyên tắc tập trung dân chủ thì ở đó có sự đoàn kết, thống nhất và khai thác, phát huy được mọi thành viên trong xã hội. Việc thực hiện dân chủ rộng rãi nhằm phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân trong tập thể và các tổ chức xã hội; nhưng nếu tuyệt đối hoá mặt dân chủ, thực hiện dân chủ không trên cơ sở tập trung thì sẽ dẫn đến tự do vô chính phủ, không có chỉ huy, lãnh đạo, các tổ chức chỉ tồn tại trên danh nghĩa không đúng với ý nghĩa chân chính của nó.


Việc thực hiện tập trung nhằm tạo ra sự thống nhất, đoàn kết, gắn bó giữa các cá nhân, bảo đảm tính tổ chức chặt chẽ, tính cộng đồng cao, nhưng nếu tuyệt đối hoá tập trung mà không dựa trên cơ sở dân chủ thì sớm muộn cũng dẫn tới phát sinh nhiều “bệnh”, “tệ” khác như “tập trung quan liêu”, “độc đoán gia trưởng”. Cả hai trường hợp đó đều trái với bản chất khoa học của nguyên tắc tập trung dân chủ.


Trong đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, chúng ta càng phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng kết hợp với mở rộng dân chủ trên mọi phương diện đời sống xã hội trên cơ sở giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, kỷ cương, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện đúng nguyên tắc này là điều kiện quan trọng cho việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc tạo ra thế mới, lực mới trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Do vậy, trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự đa dạng hoá các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, kinh tế quốc doanh phải vươn lên giữ vai trò chủ đạo chi phối các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân. Nếu Nhà nước xã hội chủ nghĩa không quản lý, kiểm soát được nền kinh tế, và nếu thành phần kinh tế quốc doanh không giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thì nhất định sự phát triển ấy sẽ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, sẽ có những biến động khó lường.


Để giữ vững ổn định chính trị, xã hội nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, chúng ta phải tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, mở rộng dân chủ, đồng thời phải giữ gìn kỷ cương phép nước. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, đồng thời từng bước khắc phục và đi đến loại trừ bệnh giáo điều, quan liêu, gia trưởng, tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội. Vận dụng tính khoa học của nguyên tắc tập trung dân chủ còn cho phép cải cách và kiện toàn bộ máy hành chính một cách đúng hướng và hiệu quả, đồng thời tiến hành đổi mới đồng bộ trên nhiều mặt.


Trước hết, làm cho mọi cán bộ, đảng viên quán triệt, nhận thức và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, các cán bộ, công chức, viên chức thực sự là những người hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân.


Thứ hai, phát huy dân chủ luôn đi đôi với tăng cường pháp chế xã hội xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân lao động, đồng thời cần gắn liền với nâng cao dân trí, bảo đảm cho mọi người dân đều có khả năng làm chủ.


Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa phát huy quyền làm chủ của nhân dân với đổi mới, kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, làm cho Nhà nước ta thật sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đội ngũ cán bộ nhà nước thật sự là những “công bộc của dân”.


Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về củng cố và tăng cường bộ máy nhà nước, đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.


Thứ năm, đấu tranh chống tệ gia trưởng, quan liêu, tham ô, lãng phí gắn với công tác xây dựng Đảng và củng cố bộ máy nhà nước, vì không thể có tổ chức đảng vững mạnh mà bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị lại yếu kém.  Từ bản chất của Đảng và vai trò là Đảng cầm quyền, trước thực trạng và yêu cầu phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội hiện nay, phải  nhận thức được vấn đề phát huy dân chủ trong Đảng vừa là mục tiêu, vừa là động lực để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.


Các tổ chức đảng, cấp ủy các cấp, mọi đảng viên phải tự giác thực hiện và kiên quyết đấu tranh với các tư tưởng, hành vi sai trái vi phạm dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Chỉ khi thực hiện tốt nhiệm vụ này mới giữ vững và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo toàn dân thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có như vậy mới giữ vững bản chất và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay.    

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất