Giải pháp xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Thanh Hoá
Một cơ sở sản xuất dược liệu ở Thanh Hóa

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp và mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, những năm gần đây tốc độ phát triển các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Thanh Hóa tăng khá nhanh. Hiện toàn tỉnh có trên 7.000 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ tổ chức đảng, đoàn thể ở các doanh nghiệp này còn rất thấp. Hiện mới chỉ có 178 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có tổ chức đảng (chiếm khoảng 2,5% tổng số doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước toàn tỉnh, trong đó có 37 đảng bộ cơ sở, 98 chi bộ cơ sở, 43 chi bộ trực thuộc đảng uỷ xã với 4.251 đảng viên). Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể lúng túng về tổ chức và phương thức hoạt động. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng hạn chế, nội dung sinh hoạt đảng nghèo nàn. Tự phê bình và phê bình còn yếu, việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên chưa rõ. Vai trò tập hợp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động của các tổ chức đoàn thể nhân dân chưa có hiệu quả.

Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, xem nhẹ việc phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Một số địa phương, đơn vị tuy có quan tâm nhưng chưa có giải pháp cụ thể và bước đi, cách làm phù hợp. Kinh phí hoạt động cho tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp rất khó khăn. Đội ngũ cán bộ thiếu và yếu, uy tín đối với chủ doanh nghiệp chưa cao. Cán bộ làm công tác đảng chủ yếu kiêm nhiệm. Việc bồi dưỡng kiến thức xây dựng đảng cho đội ngũ cán bộ này chưa được quan tâm đúng mức...

Xác định xây dựng tổ chức đảng ở các loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010-2015), Tỉnh uỷ Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015. Theo đó, phấn đấu các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước sử dụng ổn định từ 30 lao động trở lên đều có tổ chức đảng, đoàn thể; 80% các đảng bộ, chi bộ hằng năm đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, các cấp ủy đảng xác định tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, các chủ doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và củng cố tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, làm cho chủ doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng về vai trò, vị trí, tác dụng của tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh, đúng hướng, có hiệu quả; đảm bảo lợi ích chính đáng của chủ doanh nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.


Hai là, làm tốt công tác công tác phát triển đảng viên và thành lập tổ chức đảng ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng. Ban thường vụ các huyện, thị, thành uỷ quan tâm chỉ đạo các cấp uỷ xác định rõ mục tiêu, xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên ở từng doanh nghiệp; phân công trách nhiệm cho cấp uỷ, chi bộ, đảng viên và các tổ chức đoàn thể giúp đỡ quần chúng phấn đấu vào Đảng. Cấp uỷ cấp trên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chi uỷ, chi bộ thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc, thủ tục và kịp thời uốn nắn sai sót.

Ba là, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp. Cấp uỷ đề ra chủ trương, nhiệm vụ, biện pháp tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng sinh hoạt, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.

Bốn là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp; xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa tổ chức đảng, đoàn thể với các chủ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp ủy cấp trên, nhất là cấp uỷ cấp trên trực tiếp. Cần thành lập Ban Chỉ đạo công tác xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư thường trực làm trưởng ban. Cấp uỷ cấp trên trực tiếp xây dựng kế hoạch củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng đã có trong doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Căn cứ quy mô, tính chất hoạt động và số lượng đảng viên của từng doanh nghiệp mà cấp ủy cấp trên quyết định việc thành lập tổ chức đảng và đặt trực thuộc cấp uỷ cấp trên phù hợp. Những doanh nghiệp chưa có đảng viên cấp uỷ cấp trên nơi doanh nghiệp đóng có kế hoạch cụ thể để phân công cấp uỷ viên, đảng viên có kinh nghiệm, phối hợp với các đoàn thể trong doanh nghiệp phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất