Bất cập từ một mô hình

Cơ sở hình thành

Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn được xác định là một bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển đất nước, một trong những vấn đề kinh tế xã hội hàng đầu của Quốc gia. Thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp nhằm quan tâm toàn diện đến công tác DS-KHHGĐ trong đó có việc hình thành bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ.

 Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 216-CP ngày 26/12/1961 về việc sinh đẻ có hướng dẫn đến nay, tổ chức bộ máy nhà nước về DS-KHHGĐ ở nước ta đã 6 lần thay đổi theo các giai đoạn để phù hợp với sự phát triển và nhu cầu của xã hội. Năm 2007-2008, giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em sáp nhập bộ phận DS-KHHGĐ vào Bộ Y tế. Hệ thống tổ chức bộ máy tham mưu công tác DS-KHHGĐ từ trung ương tới cơ sở được sắp xếp lại và từng bước kiện toàn. Ở trung ương, thành lập Tổng cục DS-KHHGĐ thuộc Bộ Y tế. Ở địa phương, thành lập Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế và thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ.

Thông tư số 05/2008/TT-BYT, ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế  quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương. Theo đó “Trung tâm DS-KHHGĐ huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ đặt tại huyện, có chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật, truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện”.

Về mối quan hệ công tác: Trung tâm DS-KHHGĐ huyện chịu sự quản lý toàn diện của Chi cục DS-KHHGĐ (bao gồm cả tổ chức, cán bộ, viên chức); chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật về dịch vụ KHHGĐ, truyền thông giáo dục của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh; chịu sự quản lý nhà nước theo địa bàn của Ủy ban nhân dân huyện. Trong đó: Chịu sự kiểm tra, giám sát, điều hành của UBND huyện và thực thực hiện chế độ thông tin, báo cáo ... đối với UBND huyện. Thông qua Phòng Y tế huyện, tham mưu giúp Chủ tịch UBND huyện thực hiện xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ, trình HĐND về dành ngân sách địa phương cho công tác DS-KHHGĐ; đồng thời là đầu mối tham mưu để phối hợp liên ngành, huy động hệ thống chính trị, tổ chức xã hội tham gia thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện. 

Về quyền hạn: Trung tâm DS-KHHGĐ huyện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chuyên môn hoạt động về DS-KHHGĐ của trạm y tế xã, của cộng tác viên dân số thôn, bản; quản lý cán bộ chuyên trách xã và cộng tác viên dân số thôn, bản.

Cũng theo quy định tại Thông tư nêu trên, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã là viên chức của trạm y tế xã, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của trưởng trạm y tế xã, chịu sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện.

Thực trạng

Hiện nay có 62/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện. Riêng TP Hồ Chí Minh giao việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ cấp huyện cho một nhóm công chức của Phòng y tế và phân công 1 phó phòng y tế phụ trách công tác DS-KHHGĐ. Có 4 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Gia Lai, Bình Phước và Quảng Trị thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ thuộc UBND cấp huyện; các tỉnh còn lại thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ theo Thông tư của Bộ Y tế nhưng có sự khác nhau giữa các địa phương. Trong đó, một số tỉnh như Đồng Nai, Cà Mau... sáp nhập khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm y tế vào Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện. Biên chế sự nghiệp ở trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện được phân bổ tùy theo từng địa phương, trung bình 5,7 người/trung tâm. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ do chưa có quy định nên cũng khác nhau giữa các tỉnh/thành. Phần lớn giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện được hưởng phụ cấp lãnh đạo tương đương trưởng phó phòng cấp huyện (0,3) nhưng cũng có tỉnh/thành xếp mức phụ cấp tương đương mức của giám đốc Trung tâm y tế cấp huyện (0,7).

Về mô hình quản lý cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã của các địa phương có sự khác nhau. Tính đến 30/11/2010, có 38 tỉnh/thành chuyển toàn bộ cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã về cho trạm y tế cấp xã quản lý; các tỉnh còn lại đang trong quá trình chuyển cán bộ chuyên trách dân số về trạm y tế theo lộ trình hoặc vẫn giữ nguyên do UBND xã trực tiếp quản lý như trước đây. Các cán bộ dân số xã được chuyển vào trạm y tế xã hầu hết đã được hưởng lương viên chức, số còn lại hưởng các mức thù lao khác nhau theo từng địa phương.

Những bất cập

Qua thực tế, mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ và cán bộ chuyên trách dân số không do trung tâm DS-KHHGĐ quản lý toàn diện đã bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng nhiều tới kết quả công tác dân số của địa phương.

 Thứ nhất, Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế, có tư cách pháp nhân, là đơn vị hạch toán cấp II. Trung tâm DS- KHHGĐ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc chi cục DS-KHHGĐ, cũng là đơn vị có tư cách pháp nhân và là đơn vị hạch toán cấp III. Tỉnh/thành càng có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện thì “quy mô” quản lý và trách nhiệm về lĩnh vực tài chính đối với chi cục trưởng càng nặng nề. Việc lập kế hoạch, phân bổ, thanh quyết toán kinh phí phải qua khâu trung gian, mất thời gian và giảm trách nhiệm về tài chính của người đứng đầu đơn vị có tư cách pháp nhân.

Thứ hai, việc tham mưu cho UBND huyện về quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của chương trình DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện phải qua Phòng Y tế huyện; do đó để cán bộ phòng nắm được đúng vấn đề để giải trình, tham mưu phải “tập huấn nghiệp vụ về DS-KHHGĐ” cho cán bộ phòng hiểu, nên có khi một nội dung thành “tam sao thất bản”. Do không thuộc UBND huyện nên việc giải quyết các mối quan hệ giữa Trung tâm DS-KHHGĐ với các cơ quan tham mưu khác của UBND huyện, các tổ chức trong hệ thống chính trị và việc huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ tại địa phương rất khó khăn.

Thứ ba, theo quy định, cán bộ dân số xã đã được chuyển về là viên chức của trạm y tế xã, vừa chịu sự chỉ đạo trực tiếp của trưởng trạm y tế, vừa chịu sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện. Thông tư 05 cũng chưa gắn trưởng trạm vào công tác dân số vì vậy, trưởng trạm chưa nhận phần việc này mà nếu có thì chỉ coi là việc nhận thêm. Nhiều nơi cán bộ dân số được phân công thêm các công việc khác của trạm, thậm chí “được” phân công trực ngoài giờ trong khi không có chuyên môn về y tế. Lương và các chế độ chính sách khác đối với cán bộ chuyên trách dân số xã do Trung tâm y tế huyện chi trả. Nếu không được sự đồng ý của trưởng trạm và giám đốc trung tâm y tế thì cán bộ dân số không thể đi dự giao ban hàng tháng hoặc đi tập huấn chuyên môn do Trung tâm DS-KHHGĐ huyện và cấp trên tổ chức. Ở những nơi địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn việc tổ chức tập huấn chuyên môn hay giao ban với cán bộ dân số xã của trung tâm dân số huyện đang là bài toán khó giải, do Trung tâm y tế không đảm bảo được việc chi trả công tác phí. Mặc dù Trung tâm DS-KHHGĐ được quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ dân số xã nhưng do không nắm “đồng tiền bát gạo” nên không tránh khỏi tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Việc tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ tại địa phương phải thông qua trưởng trạm y tế, nhiều nội dung bị hạn chế do trưởng trạm y tế không thực sự am hiểu về DS-KHHGĐ, phải thuyết minh qua khâu trung gian.

Đề xuất

Công tác DS-KHHGĐ là một công tác mang tính xã hội hóa rất cao, rất cần thiết phải huy động được nguồn lực của toàn xã hội. Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII của Đảng đã chỉ rõ: “Huy động lực lượng của toàn xã hội tham gia công tác DS-KHHGĐ, đồng thời phải có bộ máy chuyên trách đủ mạnh để quản lý theo chương trình mục tiêu, bảo đảm cho các nguồn lực nói trên được sử dụng có hiệu quả và đến tận người dân”. Vì vậy, trong hệ thống tổ chức bộ máy cần được sắp xếp lại cho phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu của công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay.

Qua thực tiễn thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ thuộc UBND cấp huyện, cán bộ dân số cấp xã là viên chức tại trạm y tế do Trung tâm DS-KHHGĐ huyện quản lý của TP Hà Nội cho thấy, mô hình này khắc phục cơ bản các bất cập nêu trên. Vai trò của giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ được nâng lên: Trung tâm dân số trực tiếp tham mưu (qua phối hợp với Phòng Y tế); trực tiếp điều phối với các thành viên Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ cấp huyện; kiểm tra, đôn đốc hoạt động và đánh giá cán bộ chuyên trách dân số cấp xã. Việc dự toán ngân sách không phải qua cấp trung gian. Hàng năm được UBND huyện bổ sung kinh phí mua sắm, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn. Huy động được sự “vào cuộc” của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cấp huyện, cấp xã đối với công tác DS-KHHGĐ.

Công tác dân số ở mỗi địa phương hiện nay có những đặc điểm khác nhau vì vậy mỗi địa phương có bài giải khác nhau về mô hình tổ chức, cán bộ dân số. Nhưng thiết nghĩ, rất cần có sự sắp xếp lại cho thống nhất mô hình quản lý công tác DS-KHHGĐ tại cấp huyện, cấp xã theo hướng nhân rộng mô hình của thành phố Hà Nội. Đó là: Trung tâm dân số thuộc UBND cấp huyện, cán bộ chuyên trách dân số cấp xã là viên chức thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện nhưng “cắm” tại trạm y tế xã. Áp dụng mô hình này vẫn đảm bảo việc thực hiện cải cách hành chính, không tăng thêm số biên chế hiện có, không làm xáo trộn đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, quản lý cán bộ có hiệu quả và khắc phục được các bất cập nêu trên. Điều cần quan tâm khi thực hiện mô hình này là chú ý đúng mức việc ổn định cán bộ lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ. Quá trình tuyển dụng, bố trí cán bộ làm công tác dân số từ huyện tới xã phải đảm bảo có trình độ chuyên môn, chuyên ngành phù hợp.

Để lãnh đạo thực hiện có hiệu quả một công tác luôn được xác định là một bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển đất nước, một trong những vấn đề kinh tế xã hội hàng đầu của quốc gia, rất cần sự lãnh đạo của các tổ chức đảng quan tâm chỉ đạo giải quyết trên thực tế vấn đề này.

Phản hồi (1)

vũ kim 04/02/2012

Theo tôi nên sát nhập ba đơn vị: TT y tế huyện, Phòng y tế và Trung tâm dân số vào một đầu mối và thực thuộc UBND huyện là phù hợp với điều kiện thực tế của y tế cơ sở do vừa thiếu laị vừa yếu như hiện nay. Đồng thời cũng phù hợp với chức năng dự phòng cần phải có sự chỉ đạo toàn diện của cấp uỷ, chính quyền cấp huyện, xã.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất