Phát huy vai trò, tiềm năng trí tuệ của các hội trong công cuộc đổi mới

I. Tổ chức và nguyên tắc hoạt động của các hội trong giai đoạn hiện nay

Ngày 21-4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, nguyên tắc hoạt động và quản lý nhà nước đối với các hội, thay thế Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30-7-2003. Nghị định này không áp dụng đối với các tổ chức chính trị-xã hội truyền thống như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các tổ chức giáo hội.

Trong số các hội nói chung, có 28 hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp các hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam…

Hội là tổ chức tự nguyện của công dân Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hội có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động rõ ràng; không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc; có tên, biểu tượng, trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.

Hội xây dựng tổ chức và hoạt động theo 5 nguyên tắc cơ bản: Tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội.

Về hình thức tổ chức, hội có các mô hình tổ chức với những tên gọi khác nhau: Hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân…

Về tính chất hoạt động đã được quy định cụ thể như: Tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội…

Phạm vi hoạt động: Có những hội hoạt động trong phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh; có hội hoạt động trong tỉnh, thành phố, hoặc chỉ trong phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; có hội chỉ hoạt động trong phạm vi xã, phường, thị trấn…

Về thẩm quyền: Bộ trưởng Bộ Nội vụ được cấp phép thành lập và phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh; chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố được cấp phép thành lập và phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh và ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp huyện được cấp phép thành lập và phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi xã, phường, thị trấn.

Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội trong phạm vi cả nước. Bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hội hoạt động trong lĩnh vực do bộ, cơ quan ngang bộ quản lý; tham gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cấp phép thành lập, phê duyệt điều lệ hội; ban hành cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho hội hoạt động.

II. Chức năng, nhiệm vụ và quyền của các hội

Hội cần thực hiện tốt các nhiệm vụ theo điều lệ hội đã được phê duyệt. Đồng thời xây dựng tổ chức, tuyên truyền và phát huy vai trò của hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội và hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của hội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các hội là tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước; tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan tới lĩnh vực hoạt động và sự phát triển của hội; cung cấp dịch vụ công về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của hội. Hội được quyền tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề, truyền nghề và các hoạt động dịch vụ khác và được cấp chứng chỉ hành nghề khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của hội; xây dựng quỹ hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu hợp pháp để tự trang trải kinh phí hoạt động; được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ Nhà nước giao; được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Cơ quan Trung ương hội ở những hội có phạm vi hoạt động trong cả nước được tham gia công tác đối ngoại nhân dân, gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện các thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật. Các hội không được lợi dụng hoạt động hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác…

Các hội đặc thù ngoài việc thực hiện những quyền và nghĩa vụ trên đây, còn được quyền: Tham gia với các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ công thuộc lĩnh vực hoạt động của hội.

III. Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành Trung ương và của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với các hội

Trên đất nước ta, hiện có hàng trăm hội hoạt động trong phạm vi cả nước, hàng nghìn hội hoạt động ở các địa phương. Hầu như ngành nghề và lĩnh vực hoạt động nào cũng có tổ chức hội chuyên ngành, chuyên lĩnh vực, riêng Ngành Nông nghiệp đã có hàng chục hiệp hội chuyên ngành kinh tế hoạt động trong phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh như các hiệp hội cà phê, hồ tiêu, mía đường, cao su, tôm, cá… các hội nói trên đã tập hợp được đông đảo các nhà doanh nghiệp, các trí thức có tài trên từng lĩnh vực hoạt động. Vấn đề đặt ra là các ngành, các cấp làm thế nào để phát huy được vai trò, tiềm năng trí tuệ và kinh nghiệm hoạt động của lớp người tài năng này, trong các hội. Các cấp ủy và chính quyền cần coi đây là một lực lượng nội sinh quan trọng của đất nước trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Lâu nay, trong công tác vận động quần chúng, chúng ta mới chú trọng việc xây dựng hệ thống tổ chức và triển khai các hoạt động của 6 tổ chức chính trị-xã hội truyền thống đã đồng hành với Đảng và Nhà nước suốt quá trình cách mạng dân tộc dân chủ, cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các cấp ủy đảng và chính quyền cần nhận thức rõ: Chăm lo xây dựng tổ chức, quản lý, chỉ đạo hoạt động của các hội, đoàn thể nhân dân là một bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng và Nhà nước, phải đưa vào chương trình, kế hoạch công tác của các cấp, các ngành, các đơn vị. Định kỳ nghe báo cáo về các hội, các đoàn thể nhân dân thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm nhằm phát huy có hiệu quả vai trò, tiềm năng của hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ngay từ năm 1941, Bác Hồ đã từng căn dặn chúng ta: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, phải “vận động tốt cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào”. Người chỉ rõ: “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể (Đoàn thể ở đây là chỉ Đảng Cộng sản, vì lúc này Đảng chưa hoạt động công khai-BT) và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân… đều phải phụ trách dân vận”(1).

Cương lĩnh và Báo cáo chính trị được Đại hội XI của Đảng thông qua đã đánh giá rất cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng xác định: “Các đoàn thể nhân dân tùy theo tính chất, tôn chỉ và mục đích đã được xác định, vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên chấp hành luật pháp, chính sách; chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; giúp đoàn viên, hội viên nâng cao trình độ về mọi mặt và xây dựng cuộc sống mới; tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội”, “tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hóa, phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh…”(2).

Về phần mình “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”, “các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân; tin dân, tôn trọng những người có ý kiến khác, làm tốt công tác dân vận, có cơ chế, pháp luật để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình”(3).

Được như vậy, chắc chắn các hội, đoàn thể nhân dân trong cả nước sẽ phát huy được vai trò, tiềm năng trí tuệ, kinh nghiệm của từng tổ chức, cá nhân trong hoạt động của mình góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

_____

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, tập 5, tr.698, 699, 700. (2) Văn kiện Đại hội XI của Đảng, NXB CTQG, tr.87, 246. (3) Sđd, tr.87, 240.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất