Giai đoạn 2005-2010, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội Nghệ An vẫn có bước phát triển khá. 21/28 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra đạt và vượt, tạo tiền đề quan trọng trong nhiệm kỳ mới. Tình hình chính trị-xã hội, quốc phòng, an ninh ổn định và giữ vững. An sinh xã hội chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Công tác xây dựng đảng được tăng cường. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và phát triển. Đạt được kết quả đó là nhờ Nghệ An luôn quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đúng vào dịp kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2008), Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU và xây dựng chương trình hành động nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ trên địa bàn tỉnh. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chỉ tiêu xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra như: chất lượng TCCSĐ, trình độ cán bộ xã, phường, thị trấn, công tác phát triển đảng viên, củng cố, xây dựng tổ chức đảng tại xóm, bản chưa có chi bộ, đảng viên… Từ đó, nêu rõ nhiệm vụ:
Trước hết, cấp ủy đảng các cấp tăng cuờng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiền phong gương mẫu, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hai là, hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình TCCSĐ gắn với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội.
Ba là, đẩy mạnh phát triển đảng viên, nhất là những địa bàn, đơn vị chưa có tổ chức đảng, chưa có đảng viên.
Bốn là, coi trọng chủ trương trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, thể chế hóa và từng bước nhất thể hóa chức danh cán bộ, tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở.
Năm là, nâng cao chất lượng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các loại hình TCCSĐ theo hướng mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, khắc phục tính hình thức, đơn điệu, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt.
Trên cơ sở chương trình hành động của Tỉnh ủy, các đảng bộ trực thuộc đều xây dựng chương trình hành động của cấp mình nhằm thực hiện Nghị quyết 17 của Tỉnh ủy. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được coi trọng và gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thông qua học tập chuyên đề, tìm hiểu tư tưởng đạo đức của Người, báo công lên anh linh Bác, viết thu hoạch cá nhân của các địa phương, đơn vị đã thúc đẩy Cuộc vận động lan toả nhanh, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về triển khai bước “làm theo” Bác bằng những việc cụ thể của mỗi người, tạo động lực khơi dậy phong trào thi đua yêu nước ở mọi cấp, mọi ngành, mọi đoàn thể và địa phương trong tỉnh.
Nâng cao sức chiến đấu của TCCSĐ phải đi từ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xác định rõ quan điểm này, các TCCSĐ trong tỉnh đều coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên nhiều lĩnh vực như tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận, quản lý nhà nước, pháp luật, tin học, ngoại ngữ, quốc phòng - an ninh… Tính riêng trong 3 năm qua, tỉnh Nghệ An đã tổ chức và cử đi đào tạo, bồi dưỡng hơn 270.000 lượt cán bộ các cấp, trong đó hơn 90.000 lượt cán bộ trẻ, gần 49.000 lượt cán bộ người dân tộc thiểu số. Đến nay, Nghệ An đã có 30 cán bộ được đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và học ngoại ngữ theo tiêu chuẩn Đề án 165 của Bộ Chính trị về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng ngân sách nhà nước. Bình quân mỗi năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại chức và tập trung gần 170 cán bộ các cấp…
Công tác luân chuyển được chú trọng. Trong 3 năm, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển trên 700 lượt cán bộ từ tỉnh xuống huyện, huyện về xã và ngược lại. Việc luân chuyển cán bộ đúng đối tượng, đúng địa chỉ đã giúp cho cán bộ sâu sát cơ sở, đổi mới tư duy, năng động, nhạy bén trong tiếp cận nhiệm vụ và áp dụng kinh nghiệm công tác tham mưu vào thực tiễn, vận dụng thực tế đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống.
Công tác phát triển đảng viên mới, nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng lãnh đạo của tổ chức đảng được Đảng bộ Nghệ An làm khá tốt. Trong 3 năm, hơn 34.000 quần chúng tích cực được bồi dưỡng để phát triển đảng. Trung bình mỗi năm, Nghệ An kết nạp hơn 6.000 quần chúng ưu tú vào Đảng. Năm 2009 và 2010, các đảng bộ làm tốt công tác phát triển đảng viên là TP.Vinh, các huyện Diễn Châu, Thanh Chương, Kỳ Sơn, Nghi Lộc và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp. Đặc biệt là tại huyện vùng cao Kỳ Sơn, một trong số 63 huyện nghèo của cả nước lại có tỷ lệ kết nạp đảng viên cao nhất tỉnh. Thêm nhiều đảng viên trẻ, đảng viên dân tộc thiểu số ở Kỳ Sơn đã có tác động tích cực trong giảm hộ nghèo một cách bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Chất lượng đảng viên mới kết nạp trong tỉnh được nâng lên với trên 80% là đoàn viên, 16,5% là người dân tộc thiểu số. Số có trình độ trung học phổ thông từ 93 đến 94%, trung học chuyên nghiêp, đại học và trên đại học 40-46,5%. Trong đó đảng viên mới có trình độ cao đẳng và trên đại học có tỷ lệ gần 34%, tăng gần 7%. So với năm 2007, toàn tỉnh đã tăng thêm hơn 400 chi bộ; giảm số thôn, bản chưa có chi bộ từ 179 xuống còn 130.
Thực hiện Nghị quyết 17 của Tỉnh ủy, hơn 3 năm qua, Đảng bộ Nghệ An có những chuyển động bước đầu về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ ở 28 đảng bộ trực thuộc. Nếu như năm 2007, đảng bộ tỉnh có 17 TCCSĐ bị xếp loại yếu kém, tăng 7 đơn vị so với năm 2005, thì năm 2008 chỉ còn 7 đơn vị, chiếm 0,42% và 2 năm 2009, 2010 chỉ còn 4 đơn vị chiếm 0,24%. Theo so sánh tương ứng, số chi bộ yếu kém thuộc đảng ủy cơ sở từ 0,28% giảm còn 0,12%. Năm 2008, năm đầu thực hiện chương trình hành động có 1.142 TCCSĐ trong sạch, vững mạnh (chiếm 69,1%) thì 2 năm qua có gần 1.270 TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, đạt 76,4% tổng số TCCSĐ toàn tỉnh.
Bài và ảnh: Phan Thanh Toàn
Báo Nghệ An