Xác định nguồn gốc tham nhũng để xây dựng giải pháp phòng, chống hiệu quả
Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết và các quyết định phòng, chống tham nhũng, ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng, thành lập Uỷ ban Phòng, chống tham nhũng trực thuộc Chính phủ v.v.

Qua đó đã có nhiều cố gắng trong việc phòng, chống tham những, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, thu về nhiều nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Nhưng theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội "Tình hình tiêu cực và tham nhũng chẳng những không giảm mà ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn" đã hiện diện trong mọi hoạt động đời sống xã hội, đầu tiên là lĩnh vực kinh tế, kế đến các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế như hải quan, thuế rồi nhiễm sang lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đến các cơ quan công quyền, pháp luật và tổ chức…


Sở dĩ có tình hình trên là do chưa xác định đầy đủ nguồn gốc phát sinh tham nhũng để đề ra các giải pháp hữu hiệu ngăn chặn, làm giảm thiểu hành vi tham nhũng, trước khi đấu tranh trực diện với chúng thông qua pháp luật. Hoàn cảnh và môi trường ở Việt Nam hiện nay, ba lĩnh vực sau đây có thể gọi là nguồn gốc cơ bản sản sinh ra các hiện tượng tiêu cực và hành vi tham nhũng.


Một là, mô hình nhà nước lai tạp giữa pháp quyền (30%) và tập quyền tập trung quan liêu (70%), thực hiện thể chế kiểm tra dọc; lại đưa Uỷ ban Phòng, chống tham nhũng về trực thuộc cơ quan hành pháp sẽ không tránh khỏi chuyên quyền, độc đoán, quan liêu. Mô hình này như là bà mẹ sản sinh các tệ nạn tiêu cực và tham nhũng và ngày càng nảy nở tràn lan. Giải pháp giải quyết nguồn gốc thứ nhất này là phải làm xuất hiện tư duy mới về nhà nước để định hướng đổi mới, chuyển từ mô hình nhà nước lai tạp tập trung quan liêu nêu trên sang mô hình nhà nước pháp quyền XHCN phù hợp các nguyên lý của khoa học tổ chức, học thuyết Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Chuyển Uỷ ban Phòng, chống tham nhũng từ cơ quan hành pháp sang cơ quan lập pháp kiểm tra giám sát sẽ hiệu lực và hiệu quả hơn.


Hai là, công tác tổ chức cán bộ thời kỳ vận hành nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp chưa đổi mới cơ bản để thích nghi với nền kinh tế thị trường XHCN, đã trở thành tập trung quan liêu, do đó thiếu thông tin và thông tin thiếu chính xác, méo mó là điều kiện bất lợi cho việc đánh giá, tuyển chọn cán bộ không chuẩn xác.


Mặt khác, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ nhất là người đứng đầu tổ chức chưa rõ ràng, do đó nhiều nhiệm kỳ và nhiều thập kỷ qua không ai bị cách chức và từ chức, thể chế bầu cử chưa đổi mới phù hợp với nền dân chủ XHCN v.v... là những khe hở để những kẻ cơ hội luồn lách leo cao, để trục lợi tham nhũng, người hiền tài bị loại ra khỏi hệ thống lãnh đạo, dẫn đến chất lượng công tác tổ chức cán bộ ngày càng sút giảm, hiệu lực và hiệu quả hoạt động đạt thấp, làm sản sinh hiện tượng tiêu cực xã hội, lãng phí và tham nhũng ngày càng tăng.


Giải pháp xử lý nguồn gốc thứ hai này cần sao cho phù hợp với môi trường và hệ thống các quy luật kinh tế thị trường XHCN, mới làm xuất hiện đội ngũ cán bộ chất lượng cao, điều hành tổ chức hiệu lực và hiệu quả. Để làm được điều đó cần chuyển từ thể chế Đảng quyết định trực tiếp mọi khâu công tác tổ chức, cán bộ và cả hệ thống tổ chức, chuyển sang "thể chế phân cấp", Trung ương và Bộ Chính trị chỉ quyết định người đứng đầu tổ chức trực thuộc như: Bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố và bộ trưởng v.v... Đồng thời lãnh đạo định hướng thông qua chiến lược về công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, tạo nguồn theo chức năng từng vị trí công tác, phân cấp giao quyền cho người đứng đầu tổ chức và cấp ủy cùng cấp trực thuộc trực tiếp tuyển chọn và xử lý theo luật định người dưới quyền, nhân sự mà mình sử dụng và chịu trách nhiệm mọi hành vi của người dưới quyền và nhân sự mà mình sử dụng trước cấp trên và pháp luật. Đổi mới thể chế bầu cử dân chủ bằng hình thức tranh cử tranh tài, để cử tri căn cứ chương trình tranh cử của ứng cử viên mà lựa chọn, sẽ làm xuất hiện người tài đề cử vào các vị trí lãnh đạo, làm hạn chế những phần tử cơ hội luồn lách, leo cao, làm tha hóa Đảng, thể chế bầu cử, tranh cử sẽ làm cho Đảng vững mạnh, lãnh đạo đất nước phát triển nhanh và bền vững, theo kịp các nước trên thế giới.


Ba là, chế độ tiền lương để kéo dài sự vi phạm giá trị sức lao động như hiện nay cũng là tác nhân gây ra tham ô, hối lộ và tham nhũng. Tiền lương hiện nay chỉ bằng xấp xỉ 50% giá trị sức lao động, vô hình trung có nghĩa Nhà nước và chủ các doanh nghiệp còn nợ người lao động 50% giá trị sức lao động, những người thuộc diện nghèo mà không được hưởng chính sách xóa đói, giảm nghèo. Theo các chuyên gia ở các nước phát triển tổng kết thì "Tiền lương là một trong sáu giải pháp phòng chống tham nhũng". Chế độ tiền lương ở nước ta hiện nay đã tự đánh mất vai trò phòng, chống tham nhũng, mà trở thành một trong những nhân tố dẫn đến hành vi tham nhũng, bởi vì chế độ tiền lương hiện nay không đủ trang trải sinh hoạt gia đình ở mức tối thiểu, buộc không ít người chấp nhận các hành vi tiêu cực…  trước sự bức bách của cuộc sống ("để tự cứu mình"), dần dần dẫn đến tha hóa phẩm chất, đạo đức, bán rẻ lương tâm và sự cống hiến của mình, rồi dấn thân vào tệ tham nhũng.


Giải pháp xử lý nguồn gốc thứ ba là, xác định mức lương tối thiểu sao cho phù hợp giá trị sức lao động (ở thời điểm hiện nay xấp xỉ 2.000.000đ). Từ đó tìm kiếm các nguồn thu ngân sách đáp ứng khoản chi lương phù hợp. Quá trình phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục điều chỉnh lương theo biến động giá và tăng lương phù hợp năng suất lao động.


Nếu không có bước đổi mới các lĩnh vực nêu trên phù hợp với các tiêu chí khoa học thì Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ giảm thiểu hiệu lực, bởi vì Luật không thể tự nó định chế các hành vi tiêu cực và tham nhũng, mà phải thông qua vai trò điều hành của Nhà nước và vai trò của cán bộ công quyền, nhất là người đứng đầu tổ chức. Mặt khác Quốc hội cơ cấu như hiện nay không đủ điều kiện (trình độ và quỹ thời gian) để ban hành luật pháp đạt chuẩn mực để điều hành nền kinh tế thị trường XHCN (nền kinh tế thị trường TBCN hay CNXH đều cần Quốc hội chuyên trách và đại biểu đạt trình độ chuẩn mực) để bảo đảm chất lượng và số lượng các đạo luật, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh phát huy mặt ưu điểm và khắc phục mặt khuyết điểm của nền kinh tế thị trường nhằm phát triển nền kinh tế-xã hội bền vững.


Điều hành luật pháp phải thông qua con người cụ thể; việc tuyển chọn, đào tạo nhân sự hiện nay không đủ sức để gạt ra khỏi đội ngũ cán bộ những kẻ thiếu tâm và không đủ tầm (mà thực tế đã kiểm nghiệm, minh chứng qua nhiều vụ việc tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, tham ô, lãng phí và tham nhũng ngày càng tinh vi khắp các lĩnh vực hoạt động đời sống xã hội). Thiết nghĩ, cần phải có bước đổi mới đột phá các lĩnh vực nêu trên sao cho phù hợp với môi trường và hệ thống các quy luật của nền kinh tế thị trường XHCN, làm giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực, đồng thời tập trung đấu tranh trực diện thông qua pháp luật để có thể xóa bỏ về cơ bản tệ nạn tham nhũng.


Tiến hành triển khai có hiệu quả các giải pháp nêu trên, chúng ta sẽ thực hiện được bốn không “không muốn tham nhũng, không cần tham những, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng” mà các nước đi tiên phong trong việc phòng chống tham nhũng đã tổng kết, là điều kiện làm trong sạch Đảng và làm lành mạnh hóa Nhà nước, đẩy lùi nguy cơ và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phản hồi (6)

Nguyen Ky Nam 10/04/2012

Em dong y voi bai viet cua Bac. Ben canh do em bo sung: Nguon goc cua tham nhung xuat phat tu 3 nguyen nhan co ban: 1- Viec quan ly khong chat che (cung nguyen nhan thu nhat cua Bac) 2- Che tai xu ly chua nghiem (dieu nay tao dieu kien cho nguoi tham nhung cang nhieu hon, tinh ran de yeu) 3- Luong thap (cung voi noi dung 3 cua Bac).Giai phap chong tham nhung, la tap trung giai quyet 3 nguyen nhan tren.

Trần Minh Hải 29/03/2012

Tác giả đã phản ánh đúng về thực trạng tình hình tham nhũng và công tác đấu tranh phong chống tham nhũng hiện nay ở nước ta. Tôi là thế hệ trẻ, nhưng tôi cũng nhận thấy một điều, muốn giải quyết triệt để tệ tham nhũng hiện nay thì giải pháp tiền lương và các chế độ đãi ngộ cho cán bộ là rất cần thiết. Các đồng chí hãy sũy nghĩ một lý gỉải của tôi sau đây: Một cán bộ sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, xin đi làm và vào làm cán bộ công chức nhà nước, với mức lương như hiện nay thi sau bao nhiêu năm người đó mới có thể mua được nhà, mua được xe để đi lại. Do lương thấp, lại không có chế độ đãi ngộ rõ ràng dẫn đến người cán bộ đó sẽ nảy sinh tư tưởng tham nhũng. Chính vì vậy khi có điều kiện để tham nhũng, người cán bộ đó sẽ tham nhũng ngay, vì người đó đang có nhu cầu cần tiền để mua nhà... Vì vậy theo cá nhân tôi muốn triệt tiêu được tư tưởng tham nhũng cua cán bộ, thì cần phải có chính sách đãi ngộ như sau: Một cán bộ sau khi tốt nghiệp đại học đi làm được 3 năm trở nên, xét về năng lực và khả năng đảm nhiệm công việc tốt, cơ quan cần có chính sách đãại ngộ " Mua nhà trả góp " cho cán bộ đó, nếu nhà nước đảm bảo sự yên tâm cho cán bộ thì người cán bộ đó chỉ biết có làm việc để bù đắp lại sự quan tâm của nhà nước đối với mình và sẽ không có tư tưởng tham nhũng nữa.

Nguyễn Mạnh Thắng 27/03/2012

Tác giả Nguyễn Kim Đĩnh rất thẳng thắn khi đưa ra vấn đề này. Vấn đề tác giả trình bày có cơ sở lý luận và thực tiễn rất cao. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để nội bộ Đảng trong sạch. Trong quy định về công tác tổ chức của Đảng nhận thấy UBKT trực thuộc đảng ủy cùng cấp. Theo như hướng dẫn cụ thể thi hành Điều lệ Đảng khóa XI, UBKT phải xây dựng kế hoạch công tác kiểm tra tập thể và cá nhân trong 1 năm. Thế nhưng không phát hiện được sai phạm. Nếu kiểm tra chỉ trông vào giấy tờ, hồ sơ thì chưa đủ. Vì thường kế hoạch kiểm tra được thông báo trước. Như vậy thì đơn vị có điều kiện để hợp thức hồ sơ. Thế nên, việc kiểm tra phát hiện sai phạm của cá nhân và tập thể cần căn cứ vào mức thu nhập, mức sống của gia đình để so sánh với trước khi nhậm chức. Cần nghe dư luận xung quanh để xem xét, kiểm tra... Tôi rất đồng tình với tác giả. Hy vọng sắp tới chúng tôi sẽ có cơ hội phần đấu nhiều hơn.

1 2

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất