BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
BAN TỔ CHỨC
Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2018
Số: 129-KH/BTCTW
KẾ HOẠCH
Thông tin, tuyên truyền về công tác tổ chức xây dựng Đảng,
xây dựng hệ thống chính trị năm 2018
I- TÌNH HÌNH
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy kết quả từ các năm trước; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bước đầu đã có sự chuyển biến ngày càng rõ nét, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hoan nghênh, ủng hộ. Không khí dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng và phát huy, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ được củng cố và nâng cao.
Bên cạnh những thuận lợi, tình hình trong nước và thế giới, khu vực vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong nước, những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ nhiều năm của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt mới có thể giải quyết được. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội tiếp tục tăng cường chống phá dưới nhiều hình thức, bằng những thủ đoạn tinh vi nhằm chia rẽ nội bộ Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn là nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tích cực thực hiện 12 nhiệm vụ tổng quát và 6 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra, trong đó có 2 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng, đó là: (1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. (2) Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đồng thời, các cấp ủy đảng tiến hành sơ kết, tổng kết nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các nhiệm kỳ trước. Tiếp tục đổi mới nhận thức và phương thức hoạt động trước yêu cầu mới của tình hình đất nước và quốc tế hiện nay.
Công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018 được xác định là năm bản lề, có nhiều việc mới và khó, nhạy cảm với những nhiệm vụ trọng tâm: Một là, tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 những nội dung về tổ chức xây dựng Đảng; tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và xây dựng Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Hai là, tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo dức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Ba là, tiếp tục bổ sung, kiện toàn các văn bản, quy định, quy chế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Bốn là, thực hiện công tác cán bộ thường xuyên, đột xuất. Tham mưu lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ và quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là lãnh đạo chủ chốt. Năm là, tổ chức có hiệu quả công tác tham mưu chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác. Bảy là, coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận; đẩy mạnh tuyên truyền, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tám là, thực hiện tốt các nhiệm vụ về chính sách cán bộ, đào tạo cán bộ, về cơ sở đảng, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ và nhiệm vụ đột xuất do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp giao.
Tình hình thế giới, trong nước và những nhiệm vụ trọng tâm công tác tổ chức xây dựng Đảng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với thông tin, tuyên truyền phải có hiệu quả, nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh theo mục tiêu mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
II- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội để mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy rõ vai trò quan trọng của công tác xây dựng Đảng; tạo sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
- Thông tin đa chiều về kết quả và những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập… trong công tác tổ chức xây dựng Đảng để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó tăng thêm niềm tin, tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.
- Kịp thời phản ánh những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tổ chức xây dựng Đảng; biểu dương những cán bộ, đảng viên gương mẫu và xây dựng hình ảnh tích cực của người cán bộ làm công tác đảng ở các cấp để đảng viên và quần chúng noi theo.
- Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, cán bộ, đảng viên và nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tham gia phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
- Thông qua tuyên truyền về công tác tổ chức xây dựng Đảng cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, cùng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào thực chất, cụ thể, thiết thực và đạt hiệu quả cao.
2. Yêu cầu
- Thông tin tuyên truyền về công tác tổ chức xây dựng Đảng phải bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, trọng tâm là 8 nhiệm vụ trong năm 2018; vừa đáp ứng yêu cầu thường xuyên, cơ bản, lâu dài, vừa đáp ứng nhiệm vụ đột xuất, trước mắt.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền về tổ chức xây dựng Đảng trên báo chí theo hướng kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là cơ bản, chiến lược, lâu dài, lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
- Định hướng thông tin, dư luận vào những vấn đề mới liên quan công tác tổ chức xây dựng Đảng, được dư luận quan tâm; chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền; tích cực tuyên truyền những mô hình mới, cách làm hay, gương sáng điển hình trong công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, phản ánh những mặt hạn chế, yếu kém để rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh. Phản ánh sinh động kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, tập trung vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, 6 và 7 khóa XII; cổ vũ, tuyên truyền kịp thời kết quả xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển nền văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và mở rộng quan hệ quốc tế ở tầm mức sâu rộng…
III- NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1- Nội dung tuyên truyền trọng tâm
1.1- Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).
1.2- Tuyên truyền việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
1.3- Về những đề tài, đề án phục vụ Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) và chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII).
1.4- Vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức và việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII).
1.5- Vấn đề tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân và phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
2- Nội dung tuyên truyền thường xuyên, cơ bản, lâu dài
2.1- Về công tác tổ chức bộ máy
2.2- Về công tác cán bộ
2.3- Về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên
2.4- Về hoạt động phối hợp giữa Ban Tổ chức Trung ương với các ban, bộ, ngành, địa phương.
2.5- Về đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.
IV- HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
1. Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng
1.1- Xây dựng chuyên đề, mở chuyên mục, tổ chức các bài viết có chiều sâu và với nhiều thể loại phong phú về từng nội dung theo Đề cương thông tin, tuyên truyền công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2018 ban hành kèm theo Kế hoạch này để đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng.
1.2- Tổ chức tọa đàm, trao đổi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các đài truyền hình; mời các chuyên gia, người am hiểu sâu về từng lĩnh vực để trao đổi, giới thiệu những nội dung về công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.
2. Tổ chức cuộc thi sáng tác hoặc giải báo chí ở các địa phương viết về chủ đề công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị
2.1- Tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học – nghệ thuật, tác phẩm báo chí về những nội dung thông tin, tuyên truyền công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
2.2- Tổ chức các giải báo chí ở địa phương viết về chủ đề công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, qua đó lựa chọn những tác phẩm có chất lượng tốt gửi tham dự Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ III – năm 2018.
V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Ban Tổ chức Trung ương định hướng nội dung tuyên truyền và cùng ban tổ chức cấp ủy các cấp cung cấp thông tin về kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương để có hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp.
Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục phân công một đồng chí Phó Trưởng ban phụ trách công tác tuyên truyền; tùy theo nội dung cụ thể của từng vấn đề, Lãnh đạo Ban giao nhiệm vụ cho các vụ, đơn vị trong Ban chuẩn bị nội dung, cung cấp thông tin và tham gia thực hiện các phóng sự, tọa đàm, đối thoại, phỏng vấn...
2- Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục giao Tạp chí Xây dựng Đảng làm đầu mối phối hợp thường xuyên giữa Ban với các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương trong quá trình triển khai Kế hoạch; cụ thể hóa nội dung tuyên truyền trong từng tháng và phù hợp với từng loại hình báo chí để kết hợp giữa việc thực hiện Kế hoạch tuyên truyền về công tác tổ chức xây dựng Đảng với việc định hướng nội dung sáng tác các tác phẩm báo chí tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ III – năm 2018.
3- Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và một số cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong cả nước trực tiếp làm nhiệm vụ tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
4- Các ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin, tham gia viết tin, bài và phối hợp với ban tuyên giáo cùng cấp và các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương, địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền về công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo Kế hoạch.
5- Định kỳ (6 tháng, 1 năm) hoặc đột xuất, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương tổ chức trao đổi, sơ kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện Kế hoạch bằng các hình thức phù hợp (gặp mặt báo chí, họp báo, thông cáo báo chí) gắn với công tác chỉ đạo triển khai, đôn đốc thúc đẩy việc tổ chức Giải Búa liềm vàng đạt kết quả tốt.
Nơi nhận: - Thường trực Ban Bí thư (để báo cáo); - Đ/c Trưởng Ban (để báo cáo); - Các đồng chí Lãnh đạo Ban; - Ban Tuyên giáo Trung ương (để phối hợp); - Báo Nhân Dân; Tạp chí Cộng sản; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; - Các ban tổ chức tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; - Các vụ, đơn vị trong Ban; - Lưu VP Ban, TCXDĐ. | K/T TRƯỞNG BAN PHÓ TRƯỞNG BAN (đã ký) Mai Văn Chính |
ĐỀ CƯƠNG THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN
CÔNG TÁC TỔ CHỨC XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NĂM 2018
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 129-KH/BTCTW, ngày 14 tháng 03 năm 2018 của Ban Tổ chức Trung ương về Thông tin, tuyên truyền công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2018)
1- Nội dung tuyên truyền trọng tâm
1.1- Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).
- Việc chủ động tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức ở cấp mình và của các tổ chức trực thuộc trên nguyên tắc xác định rõ vị trí việc làm, giảm cấp phó và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
- Việc chủ động thực hiện giảm đầu mối trực thuộc các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến các địa phương và cơ cấu bên trong của từng tổ chức trực thuộc (tổng cục, cục, vụ, sở, ban, chi cục, trung tâm…).
- Việc giải thể hoặc sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức trung gian, hoạt động không hiệu quả; sắp xếp lại, giảm tối đa số lượng phòng trong cục, cơ bản không có phòng trong vụ.
- Việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy để khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
- Thực hiện thí điểm một số mô hình tổ chức mới, kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng dẫn của Trung ương phù hợp với đặc điểm, tình hình cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát quyền lực bằng các quy định, quy chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao, phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Việc thành lập và tổ chức lại các tổ chức hội quần chúng theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật của Nhà nước.
- Việc xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cùng những kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Việc thí điểm chuyển một số nhiệm vụ dịch vụ công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
1.2- Tuyên truyền việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
+ Phản ánh kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc trên phạm vi cả nước; phân tích rõ nguyên nhân vì sao thực hiện có kết quả, nêu những cách làm hay, hiệu quả.
+ Phát hiện những biểu hiện thực hiện “cầm chừng”, hình thức, chiếu lệ, làm rõ nguyên nhân và đề xuất những giải pháp xử lý.
+ Phát hiện những yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị khóa XI, từ đó có các đề xuất để tháo những “nút thắt”.
1.3- Về những đề tài, đề án phục vụ Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) và chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII).
- Những vấn đề đặt ra về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
- Vấn đề đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử gắn với đẩy mạnh phân cấp trong công tác cán bộ.
- Việc thực hiện phương pháp mới về đánh giá cán bộ bảo đảm khách quan, đa chiều, liên tục, công khai, lượng hóa cụ thể khắc phục được tình trạng đánh giá cán bộ chung chung, cảm tính.
- Việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng có địa chỉ cụ thể, theo chức danh và theo vị trí việc làm; đào tạo lý thuyết gắn với thực hành đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
- Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.
- Về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và người có công.
1.4- Vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức và việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII)
- Những yêu cầu và nội dung mới trong xây dựng Đảng về đạo đức trước tình hình xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
- Những biểu hiện thường gặp và giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.
- Phát hiện và phản ánh tấm gương cụ thể của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, nêu gương sáng để cấp dưới noi theo.
- Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí.
1.5- Vấn đề tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân và phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
+ Phản ánh những điểm sáng thực hiện tốt mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, nêu được những vấn đề mấu chốt, rút ra những bài học kinh nghiệm tăng cường mối quan hệ máu thịt này.
+ Phát hiện những biểu hiện xa dân, phong cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh, vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó có những cảnh báo để các cấp ủy, chính quyền vào cuộc giải quyết.
+ Phản ánh những nơi có cách làm sáng tạo nhằm tăng cường mối quan hệ Đảng – Dân và tạo những diễn đàn để nhân dân hiến kế xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
+ Phát hiện, chỉ ra được những “nút thắt” làm suy giảm mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, từ đó có những đề xuất nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ được ví như “cá với nước” này.
2- Nội dung tuyên truyền thường xuyên, cơ bản, lâu dài
2.1- Về công tác tổ chức bộ máy
- Việc thí điểm lập văn phòng dùng chung các cơ quan tham mưu cho cấp ủy ở các tỉnh, thành ủy – Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra.
- Việc thực hiện hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội với văn phòng HĐND và UBND các tỉnh, thành phố ở những nơi có đủ điều kiện – Kết quả bước đầu và khó khăn, vướng mắc.
- Vấn đề phản ánh những bất cập trong thực hiện các quy định, hướng dẫn về công tác tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, từ đó có những đề xuất, kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung.
- Phản ánh những nơi làm tốt việc xây dựng vị trí việc làm trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm.
- Nêu những kinh nghiệm của quốc tế về công tác tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
2.2- Về công tác cán bộ
- Những cách làm hay, sáng tạo trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới và bố trí, sử dụng cán bộ trong hệ thống chính trị.
- Những giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ các cấp, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ tài năng, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
- Nhìn lại kết quả 16 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-01-2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm.
- Cách làm mới, hiệu quả trong thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan Đảng, Nhà nước.
- Những vấn đề rút ra qua năm đầu thực hiện phân cấp thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và xét thăng hạng viên chức cho các cơ quan, đơn vị.
- Những vấn đề phát sinh và hướng giải quyết qua thực hiện Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
- Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp chiến lược bảo đảm dân chủ, công khai, nghiêm túc, minh bạch.
- Việc xử lý cán bộ vi phạm, nhất là xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Việc cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, kém về phẩm chất đạo đức và uy tín thấp.
- Vấn đề kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức – cán bộ.
- Vấn đề quản lý lý lịch cán bộ bảo đảm thống nhất, liên thông, chặt chẽ, hiệu quả.
- Những vấn đề đặt ra và hướng giải quyết về chính sách lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là đối với cán bộ, công chức ở cơ sở.
- Tiếp tục “giải bài toán” xây dựng đội ngũ chuyên gia các cơ quan Đảng ở Trung ương.
- Nêu những mô hình mới trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội.
- Vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cán bộ.
- Nêu những kinh nghiệm của quốc tế về công tác đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ.
2.3- Về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên
- Kết quả bước đầu thực hiện rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả: Sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định, sáp nhập để giảm số lượng thôn, tổ dân phố, trên cơ sở đó giảm số người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố.
- Những cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn.
- Những mô hình tốt, cách làm hay, hiệu quả nhằm thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, trưởng tổ dân phố.
- Kết quả bước đầu và những vấn đề tiếp tục đặt ra qua thực hiện Quy định mới về kiểm điểm, đánh giá và phân loại đối với tập thể, cá nhân hằng năm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII).
- Những cách làm sáng tạo, hiệu quả nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Ưu điểm và hạn chế của việc thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn. Qua đó đóng góp ý kiến nên hay không nên tổ chức mô hình chi bộ này.
- Những giải pháp hiệu quả nhằm củng cố các tổ chức cơ sở đảng yếu kém, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
- Vấn đề phân công nhiệm vụ đảng viên phụ trách hộ gia đình: Tình hình, kết quả tổ chức thực hiện và kinh nghiệm.
- Phát huy vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong việc đẩy nhanh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Vấn đề tháo gỡ vướng mắc trong phát triển đảng viên ở những nơi chưa có tổ chức đảng, nơi phức tạp, nhạy cảm, khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người, vùng tôn giáo.
- Những vấn đề đặt ra và giải pháp trong công tác quản lý đảng viên hiện nay, nhất là quản lý đảng viên đi làm ăn xa.
- Giải pháp tăng cường công tác giám sát cán bộ, đảng viên, khắc phục những hạn chế trong thực hiện quy định đảng viên đang công tác ở cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp giữ mối quan hệ với cấp ủy, chi bộ và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
- Đảng viên làm kinh tế tư nhân và việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng – Kết quả và kiến nghị.
- Những vấn đề đặt ra qua thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng.
2.4- Về hoạt động phối hợp giữa Ban Tổ chức Trung ương với các ban, bộ, ngành, địa phương.
- Thông tin kết quả bước đầu và đề xuất nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp công tác giữa Ban Tổ chức Trung ương với Bộ Nội vụ, Ban công tác đại biểu Quốc hội, Hội đồng Lý luận Trung ương.
- Thông tin kết quả phối hợp nghiên cứu tổng kết thực tiễn những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả giữa Ban Tổ chức Trung ương với ban thường vụ các tỉnh, thành ủy (Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang,…).
2.5- Về đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.
- Việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng bám sát các tiêu chuẩn “Trung thực, trung thành, gương mẫu, trong sáng, tinh thông” gắn với “4 hóa” trong cơ chế vận hành (hạt nhân hóa lãnh đạo, chuẩn hóa văn bản pháp quy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tự động hóa tổ chức thực hiện).
- Phản ánh những tấm gương sáng trong Ngành Tổ chức xây dựng Đảng nói không với tiêu cực trong công tác tổ chức – cán bộ, tích cực phòng, chống chạy chức, chạy quyền và nêu cao phương châm chỉ đạo “Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”.
- Việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong Ngành Tổ chức xây dựng Đảng gắn với tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác./.