Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc với BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam., cùng lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh; Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy; Bí thư 9 huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, đồng chí Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã báo cáo tóm tắt với Đoàn công tác về kết quả thực hiện công tác xây dựng đảng và thi hành Điều lệ Đảng từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, báo cáo nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã lựa chọn 4 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Đến nay, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, 100% các chỉ tiêu về phát triển KT-XH đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 – 2018 bình quân 8,1%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước và vượt mục tiêu Đại hội đề ra; GRDP bình quân đầu người ước đạt 85,62 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp dịch vụ chiếm 92%, tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản còn 8%; thu ngân sách hằng năm đều tăng, năm 2018 đạt gần 33 nghìn tỷ đồng; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, đến nay toàn tỉnh đã có 2 huyện và 103/112 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đứng thứ 2/28 tỉnh, thành phố phía bắc.
Các lĩnh vực VH-XH có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được giữ vững vị trí top đầu trong cả nước; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở cả 3 tuyến; tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 còn 2,11%; an ninh - quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tỉnh đẩy mạnh với nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nhất là trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của Đảng bộ tỉnh trong công tác xây dựng đảng như: Đã quyết liệt và sáng tạo trong chỉ đạo kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); mở rộng đối tượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình đến tập thể và cá nhân các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở; quy rõ trách nhiệm cá nhân đối với những khuyết điểm của tập thể và yêu cầu có kế hoạch khắc phục; việc đánh giá, xếp loại cán bộ được thực hiện thực chất hơn. Phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới về nhận thức và tổ chức thực hiện. BTV Tỉnh ủy đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Chương trình công tác kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy tập trung vào những lĩnh vực trong tâm được dư luận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân quan tâm với phương châm không ngại va chạm, không có “vùng cấm”. BTV cấp ủy các cấp đã chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp ủy rà soát kiểm tra xử lý một số vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Vĩnh Phúc cũng là tỉnh đầu tiên đã chủ động ban hành đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh giai đoạn 2016 - 2021 ngay sau khi có Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thôi việc theo nguyện vọng; thí điểm thực hiện nhiều mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy; khoán kinh phí theo hướng khoa học, hiệu quả, kinh phí tiết kiệm được do thực hiện đề án hơn 285 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Văn phòng cấp ủy phục vụ chung của Tỉnh ủy; tổ chức lại Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; thực hiện xóa bỏ cơ chế đặc thù của 16/19 tổ chức hội; thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công cho lãnh đạo cấp phó các ban xây dựng đảng và Văn phòng Tỉnh ủy.
Trong công tác cán bộ, BTV Tỉnh ủy đã mạnh dạn và kiên quyết thay thế, điều động, cho thôi chức vụ đối với cán bộ có tín nhiệm thấp hoặc không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp hiệu quả cao trong tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, từ năm 2014, BTV Tỉnh ủy phân công các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo các ban đảng của Tỉnh ủy định kỳ dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở; ban hành Quy định BTV các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy thành lập tổ công tác dự sinh hoạt cấp ủy cơ sở, sinh hoạt chi bộ; bố trí cán bộ công tác ở cấp xã về sinh hoạt chi bộ tại các thôn, tổ dân phố sau khi giải thể chi bộ cơ quan và chi bộ quân sự xã, thị trấn để khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân ngay từ cơ sở...
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, ngay sau khi tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020, BVT Tỉnh ủy đã xây dựng quy chế để thống nhất hành động và tuân thủ các nguyên tắc tổ chức của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đổi mới phương thức lãnh đạo, cách thức ban hành nghị quyết. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đòi hỏi Vĩnh Phúc phải cải cách thể chế, bắt đầu từ chất lượng đội ngũ cán bộ, vì vậy khi Trung ương chưa ban hành nghị quyết, Vĩnh Phúc đã chủ động có chủ trương và sau đó BTV Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 01 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh, giai đoạn 2016 - 2021; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thôi việc theo nguyện vọng, được nhiều tỉnh, thành phố học tập. Cùng với việc đổi mới cải cách thể chế, BTV Tỉnh ủy luôn phát huy tinh thần dân chủ, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân, sát dân, gương mẫu trước dân. Trong công tác tổ chức - cán bộ tập trung xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ bằng giao việc khó cho cán bộ, nhất là những cán bộ mới được bổ nhiệm để rèn luyện, thử thách cán bộ, đánh giá chất lượng cán bộ bằng kết quả thực hiện cam kết, chương trình hành động, thực hiện các chỉ tiêu được giao.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã nêu một số khó khăn về thể chế, chính sách hiện đang là rào cản trong phát triển KT-XH, đặc biệt là trong việc phê duyệt dự án đầu tư công. Đồng chí đề nghị Trung ương nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù cho các tỉnh có điều kiện, tiềm năng, có đóng góp về Trung ương được linh hoạt hơn trong quyết định các chủ trương đầu tư để đẩy mạnh phát triển KT-XH...
Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Huyện ủy Vĩnh Tường.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đã thảo luận, đồng thời đề nghị BTV Tỉnh ủy làm rõ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, bài học kinh nghiệm, cũng như một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng đảng và thi hành Điều lệ Đảng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIII đánh giá cao việc xây dựng báo cáo phục vụ đoàn công tác của tỉnh, bảo đảm nghiêm túc, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn địa phương và ghi nhận những kết quả nổi bật của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác xây dựng đảng, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị, căn cứ vào thực tiễn công tác xây dựng đảng và thi hành Điều lệ Đảng, Đảng bộ tỉnh cần chú trọng tổng kết mô hình tốt, cách làm hay, phân tích rõ vai trò của tổ chức đảng, cấp ủy về những hạn chế, yếu kém, những vấn đề đặt ra nhưng chưa được giải quyết, những vấn đề còn gây bức xúc trong nhân dân; đánh giá sâu việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Đảng bộ tỉnh tiếp tục quán triệt, đóng góp ý kiến vào các văn bản hướng dẫn của Trung ương để chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; không lơ là, mất cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của của thế lực thù địch, nhất là trong thời điểm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp.
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu kiến nghị, đề xuất của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và yêu cầu Tổ biên tập của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIII tổng hợp trình Trung ương xem xét.
Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Đảng ủy xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường).
*Trước đó, Đoàn công tác của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIII đã có buổi khảo sát về công tác xây dựng đảng và thi hành Điều lệ Đảng tại Huyện ủy Vĩnh Tường và Đảng ủy xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường).
PV