Ngày 24-3, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và chính sách tiền lương”. Dự tọa đàm có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và chính sách ưu đãi người có công; Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cùng các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên của Ban chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và chính sách ưu đãi người có công.
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư Phùng Hữu Phú cho biết, tại Hội nghị T.Ư 7 khóa XII diễn ra vào tháng 5-2018, Trung ương sẽ bàn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó vấn đề cải cách chính sách tiền lương và BHXH được xem là “thiết thân” với đông đảo nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trên cả nước. Vì vậy, các tiểu ban của Hội đồng tham gia góp ý để Ban chỉ đạo hoàn thiện dự thảo hai Đề án cải cách chính sách tiền lương và Đề án cải cách chính sách BHXH trình Trung ương thông qua.
Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đề án phải khắc phục được những khuyết điểm của chính sách tiền lương hiện nay là tiền lương trong khu vực nhà nước còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với khu vực thị trường, việc điều chỉnh lương của người đang làm việc chưa độc lập với điều chỉnh lương hưu và ưu đãi người có công, ảnh hưởng tới tính bền vững của BHXH,... đồng thời đề án phải tiệm cận với các chuẩn mực thực hiện chính sách lương của quốc tế.
Để thực hiện thành công cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, thực hiện hiệu quả hai Nghị quyết số 18 và 19 của Hội nghị T.Ư 6 khóa XII về tinh gọn bộ máy và đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập... Về cải cách chính sách BHXH, Đề án cần thiết kế theo chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro.
Bên cạnh đó, để bảo đảm nguyên tắc của chính sách BHXH, duy trì và phát triển Quỹ BHXH, Đề án quy định người lao động tham gia BHXH hơn 10 năm thì mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Nếu người lao động rời khỏi hệ thống trước thì chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu. Việc điều chỉnh lương hưu độc lập với điều chỉnh tiền lương công chức, khi có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và phù hợp với ngân sách nhà nước. Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi hưu từ 1-1-2021. Theo đó, lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm ba tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi...
PV