Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

1. Những ai được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm?

Theo Nghị quyết Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21-11-2012 cho biết, những người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là:

a. Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước

b. Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm uỷ ban của Quốc hội, các thành viên khác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

c. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

d. Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Đó là:

a. Chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch hội đồng nhân dân. Uỷ viên thường trực hội đồng nhân dân, trưởng ban của hội đồng nhân dân.

b. Chủ tịch uỷ ban nhân dân, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân, các thành viên khác của uỷ ban nhân dân.

Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đối với chức vụ cao nhất. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hằng năm của Quốc hội, HĐND các cấp, kể từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ.

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, HĐND (gọi tắt là đại biểu) đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp tiếp theo, trừ trường hợp người đó đã có đơn xin từ chức.

Trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, HĐND bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm dựa trên hai tiêu chuẩn:

Một là kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Hai là phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống.

2. Những ai được quyền bỏ phiếu?

Đó là các đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND. Các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đã luôn cố gắng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao, là đại biểu cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực mà nhân dân đã uỷ quyền thông qua hai hình thức dân trủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

Tại Đại hội nhân dân thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội ra mắt cử tri tại Hà Nội. Ngày 24-4-1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu nhắc nhở: “Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội, lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri…”(1).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các đại biểu Quốc hội khoá XIII căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, hoạt động theo đúng quy định của luật pháp “tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng” (2) và mọi quyết sách của Quốc  hội phải xuất phát từ lợi ích của đông đảo nhân dân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn  minh.

Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là điều mới, là bước tiến quan trọng thực hiện dân chủ và là một giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ. Việc bỏ phiếu tín nhiệm đặc biệt quan trọng vì liên quan tới sinh mệnh chính trị của cán bộ.  Những đại biểu Quốc hội - người được dân bầu cần thực hiện đúng với vai trò là đại biểu của dân, thay mặt dân giám sát, đánh giá cán bộ. 


Mai Trang

----------

(1) (2) 60 năm Quốc hội Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, tr. 12-15, tr. 42-43.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất