Công tác cán bộ trẻ của Thành ủy Đà Nẵng

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Thành uỷ Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 25-10-2008. Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng đối với việc “trọng dụng tài năng trẻ, tạo đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ trẻ”, phát huy nguồn nhân lực trẻ trong sự nghiệp đổi mới, phát triển thành phố văn minh, hiện đại. Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã đạt những kết quả tích cực trong công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ trẻ.       

Trước hết, Thành uỷ quan tâm lãnh đạo và chđạo ban hành một số chính sách đột phá trong công tác cán bộ. Trong đó, việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ gắn với thực hiện một số đề án đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ có năng lực, trình độ cao đạt kết quả tốt. Thành uỷ yêu cầu, cấp uỷ viên trong một nhiệm kỳ có trách nhiệm tiến cử và giúp đỡ 1-2 cán bộ trẻ, tạo nguồn cán bộ ở mỗi cấp. Ban Thường vụ Thành Đoàn các cấp có trách nhiệm phát hiện, giới thiệu tài năng trẻ, cán bộ trẻ với Đảng, chính quyền và đoàn thanh niên các cấp. Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ trẻ trong cấp uỷ và đội ngũ cán bộ các cấp chiếm 15-20%, nhiệm kỳ đến, cán bộ trẻ trong cấp uỷ và hội đồng nhân dân chiếm trên 10%. Thành uỷ đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức thi tuyển vào biên chế dành riêng cho số cán bộ thuộc diện thu hút nhân tài, tránh tình trạng xếp hàng, lãng phí tài năng trẻ.      

Để tạo nguồn cán bộ trẻ chất lượng cao, Thành uỷ đã ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (trước là Dự án 151, Dự án 32, Đề án 47 và Đề án 393, nay là Đề án 922). Tính đến ngày 15-12-2011, đã có 324 học sinh được cử đi học đại học, trong đó có 154 học trong nước và 170 học ở nước ngoài; 88 lượt cán bộ, công chức, viên chức và học viên Đề án được cử đi học sau đại học ở nước ngoài, gồm 70 thạc sĩ và 18 tiến sĩ. Đã có 94 học viên bậc đại học và 58 học viên bậc sau đại học tốt nghiệp về nhận công tác.       

Xác định tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở, Thành uỷ quan tâm đào tạo, chuẩn hóa và trẻ hoá đội ngũ cán bộ cơ sở. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kết luận số 89- TB/TU (ngày 12-6-2008), mở lớp "tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn Đà Nẵng" (Đề án 89). Mục đích của Đề án là tạo nguồn, bổ sung cán bộ trẻ, có năng lực cho cấp cơ sở; nâng cao hơn tính chuyên nghiệp trong xử lý trực tiếp công việc với người dân. "Đầu vào" là sinh viên chính quy tốt nghiệp xuất sắc, giỏi, khá tại các trường đại học công lập; hoặc do phường, xã cử đi thi, nhưng phải bảo đảm các tiêu chí đầu vào, các đối tượng tham gia đề án phải dưới 35 tuổi, là đoàn viên thanh niên, phần lớn chưa là đảng viên. Đây là biểu hiện cụ thể, sinh động đối với việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ cho cơ sở. Đến nay, đã mở được 2 lớp với 136 học viên tốt nghiệp và được phân công về các phường, xã, trong đó có 24 đồng chí được bầu giữ các vị trí chủ chốt tại phường, xã (phó bí thư đảng uỷ, phó chủ tịch UBND phường, xã và phó chủ tịch HĐND xã).      

Thành uỷ rất coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ Đoàn, trẻ hoá cán bộ Đoàn. Số cán bộ đoàn các cấp trong độ tuổi thanh niên đạt 85,77%; độ tuổi bình quân của Ban Chấp hành Thành Đoàn nhiệm kỳ 2012-2017 là 29,8 (bình quân độ tuổi của ban chấp đoàn cấp tỉnh cả nước là 32,8).      

Thành uỷ đã chỉ đạo thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Đây là một trong những giải pháp vừa mang tính đột phá vừa thể hiện quan điểm đổi mới của thành phố trong công tác cán bộ. Hình thức tuyển dụng cạnh tranh, tuyển chọn theo vị trí, chức danh, xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể cho từng chức danh công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Kết quả đã có 70 vị trí, chức danh lãnh đạo được bổ nhiệm thông qua hình thức này với sự tham gia của 214 người dự tuyển. Qua đó đã tạo điều kiện để những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt, nhất là công chức, viên chức trẻ, có trình độ, năng lực, có cơ hội tham gia quản lý, điều hành và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tương lai. Tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng” đang khá phổ biến trong các cơ quan công quyền hiện nay.      

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, Thành uỷ có cách làm sáng tạo với việc thành lập Câu lạc bộ cán bộ trẻ. Với mục tiêu “Chung tay nâng tầm ý tưởng”, Câu lạc bộ cán bộ trẻ là tổ chức xã hội, tập hợp các cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, có triển vọng, dưới 40 tuổi; đang công tác tại các cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố Đà Nẵng và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, nhằm giúp đỡ, trao đổi trong học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay Câu lạc bộ đã thu hút được gần 300 hội viên tham gia, sinh hoạt.     

Công tác sử dụng cán bộ trẻ được Thành uỷ đặc biệt quan tâm, từ năm 2006 đến  2010 có 36 lượt cán bộ trẻ được bổ nhiệm, giới thiệu, chỉ định giữ chức vụ do Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý, 591 lượt cán bộ trẻ giữ chức vụ cấp trưởng, phó phòng các sở, ban, ngành thành phố và tương đương. Trong số 45 cán bộ trẻ được các đồng chí Thành uỷ viên giới thiệu có 15 đồng chí (3 giám đốc sở và tương đương, 12 phó giám đốc sở và tương đương) được được bổ nhiệm, trong đó có 3 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khoá XX. Cấp huyện và thành phố có 12 cán bộ đoàn, cấp xã có 175 cán bộ Đoàn được luân chuyển sang làm công tác đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể.      

Từ thực tiễn và cách làm của Thành uỷ Đà Nẵng đối với công tác quy hoạch, đào tạo,bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:    

Một là, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác tổ chức và cán bộ, tạo cơ chế, chính sách công bằng, thuận lợi để mọi tài năng trẻ đều có cơ hội tham gia đóng góp xây dựng, phát triển thành phố.  
 
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, nhất là người đứng đầu trong việc phát hiện, theo dõi quá trình phát triển tài năng trẻ, nhất là số học sinh, sinh viên xuất sắc, cá nhân điển hình trong các phong trào thanh niên và cán bộ Đoàn để tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo.   
  
Ba là, tin tưởng và mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ, tạo môi trường cho cán bộ trẻ rèn luyện, trưởng thành. Thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ trẻ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp cán bộ trẻ yên tâm công tác.    

Bốn là, chủ động ban hành chính sách mang tính đột phá, phù hợp với yêu cầu, điều kiện của thành phố; phát huy nội lực, bố trí nguồn kinh phí cần thiết cho công tác đào tạo, thu hút tài năng
trẻ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất