Gia Lâm là một huyện ở phía Đông Hà Nội, có 22
đơn vị hành chính trực thuộc gồm 2 thị trấn và 20 xã. Đội ngũ cán bộ cấp xã,
thị trấn của huyện Gia Lâm có 224 người, trong đó 116 cán bộ khối Đảng, HĐND,
UBND và 108 cán bộ khối đoàn thể.
Đảng
bộ Gia Lâm hiện có 7.850 đảng viên sinh hoạt ở 47 chi bộ đảng trực thuộc 22 xã,
thị trấn, 5 chi bộ ở đơn vị hành chính sự nghiệp, 4 chi bộ ở khối doanh nghiệp
(có chi bộ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp tư
nhân), 2 chi bộ ở lực lượng vũ trang và 14 chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần
thứ XIX của Đảng bộ huyện Gia Lâm và Chương trình số 08-CTr/HU ngày 28-8-2006 của
Huyện ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
giai đoạn 2006-2010”, Ban chủ nhiệm Chương trình số 08-CTr/HU đã xây dựng Đề án
về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, thị trấn giai đoạn 2007-2015”. Sau
4 năm triển khai thực hiện đã đạt những kết quả sau:
Công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ
có nhiều chuyển biến, cán bộ được bố trí, sắp xếp theo hướng đúng người, đúng
việc, phát huy được năng lực của từng cán bộ. Nhiều cán bộ nữ, cán bộ trẻ có
trình độ được bổ nhiệm, đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Huyện cũng đã
chọn lựa được 23 đồng chí bí thư, phó bí thư đảng ủy, 16 đồng chí lãnh đạo
HĐND, UBND xã, thị trấn; tuyển dụng 108 công chức xã, thị trấn góp phần ổn định
tổ chức bộ máy, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Công tác quy hoạch cán bộ dần đi
vào nền nếp, thực hiện một cách chủ động, nghiêm túc theo nguyên tắc dân chủ,
công khai. Có 361 lượt đồng chí được quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm
kỳ 2010-2015 và các chức danh chủ chốt của tổ chức đảng, HĐND, UBND, trưởng các
đoàn thể chính trị. Tại đại hội đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2010-2015, có trên 98% số
cấp ủy viên trúng cử nằm trong diện quy hoạch; 97,5% số cán bộ trong quy hoạch
trúng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 và được bầu giữ các chức danh chủ
chốt của xã, thị trấn. Đối với cán bộ trẻ, huyện đã quy hoạch 163 đồng chí dưới
40 tuổi, 27 đồng chí dưới 30 tuổi.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ gắn chặt với công tác quy hoạch cán bộ. Từ năm 2007 đến 2010, huyện đã hỗ trợ trên 800 triệu đồng cho 328 lượt cán bộ, công chức cấp xã, thị
trấn tham gia học tập nâng cao trình độ. Hiện nay, đội ngũ bí thư chi bộ của huyện có 23,4% đạt trình độ cao đẳng, đại học. Huyện ủy đã phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong mở 2 lớp trung cấp lý luận cho 232 học viên trong
đó có 97 học viên là cán bộ xã, thị trấn; mở 153 lớp cho 5.563 lượt cán bộ
đảng, chính quyền, đoàn thể của cơ sở tham gia học tập, bồi dưỡng. Phối hợp mở
1 lớp đại học Luật tại Trung tâm dạy nghề của huyện cho 70 học viên, trong đó có
32 học viên là cán bộ, công chức các xã, thị trấn.
Công tác đánh giá cán bộ được
thực hiện nghiêm túc, khách quan, lấy hiệu quả công tác làm thước đo. Công tác
bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển được thực hiện đúng quy
trình. Huyện đã điều động 5 đồng chí cán bộ cơ sở trong đó có 2 chủ tịch UBND,
1 bí thư đảng ủy, 2 phó bí thư đảng ủy lên công tác, bổ nhiệm giữ các chức vụ
trưởng, phó một số phòng, ban của huyện; tăng cường 3 đồng chí cán bộ của huyện
về giữ chức danh bí thư đảng ủy cơ sở; luân chuyển 22 công chức cấp
xã. Qua bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi
dưỡng, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch rèn
luyện thực tiễn, tạo nguồn cán bộ lâu dài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công
tác cán bộ ở Gia Lâm vẫn còn một số hạn chế: Chất lượng đội ngũ cán bộ
xã, thị trấn chưa đồng đều, còn bất cập so với yêu cầu: Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở một số đơn vị còn
thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng, việc trẻ hóa cán bộ, công
tác cán bộ nữ chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Công tác đánh giá cán bộ có nơi còn hình thức, có biểu hiện né tránh,
nể nang; tinh thần tự phê bình và phê bình không cao. Công tác bố trí và đề bạt cán bộ ở một số xã, thị trấn còn biểu hiện cục bộ, địa phương. Một số cán bộ chưa tích cực học tập; trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ
còn thấp hoặc chuyên môn đào tạo không phù hợp với nhiệm vụ được phân công; tác
phong, lề lối làm việc thiếu khoa học; chưa chấp hành nghiêm sự phân công của
tổ chức, chất lượng và hiệu quả công tác chưa tương xứng với nhiệm vụ được
giao.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ xã, thị trấn, Huyện ủy Gia Lâm tiếp tục thực hiện những giải pháp sau:
1. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công
chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo các chức
danh quy định.
2. Chủ động trong công tác
quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm tính kế thừa, phát triển, chú
ý đến cơ cấu, tỷ lệ nữ và cán bộ trẻ tuổi. Tạo nguồn tại chỗ kết hợp với tạo
nguồn từ xa, rà soát và quan tâm các đối tượng sinh viên tốt nghiệp các trường
đại học có nguyện vọng tham gia công tác tại địa phương.
3. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ trong đó chú trọng đào tạo lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt có
năng lực, kinh nghiệm công tác thực tiễn mà chưa đảm bảo trình độ chuyên môn.
Tiếp tục phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong mở lớp trung cấp lý
luận chính trị; phối hợp với các trường đại học để mở các lớp về quản lý kinh
tế, hành chính nhà nước, luật và một số chuyên môn, nghiệp vụ khác.
4. Tăng cường công tác quản lý
cán bộ. Bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, manh dạn đề bạt cán bộ
nữ, cán bộ trẻ có triển vọng đã qua thử thách, rèn luyện trong thực tiễn đảm
nhận các chức vụ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Tiếp tục thực
hiện việc luân chuyển cán bộ từ huyện về xã, thị trấn và ngược lại. Nghiên cứu,
đề xuất với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số chính sách chưa hợp
lý, nhất là tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ cơ sở.
5. Chú trọng công tác kiểm tra,
giám sát cán bộ, công chức; thực hiện tốt việc lấy phiếu tín
nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do HĐND bầu; phát huy vai trò của Mặt trận
Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc giám sát cán bộ; kịp thời phát hiện và
kiên quyết xử lý những cán bộ có sai phạm.
Gia Lương